Tự tin chọn nghề cho tương lai
Hoàn cảnh khốn khó, ước mơ có công ăn việc làm đàng hoàng để khẳng định bản thân và giúp gia đình đã thúc giục nhiều bạn trẻ chọn con đường phấn đấu ngắn hơn, chi phí ít hơn: học nghề.
Tự tin chọn nghề cho tương lai
Hoàn cảnh khốn khó, ước mơ có công ăn việc làm đàng hoàng để khẳng định bản thân và giúp gia đình đã thúc giục nhiều bạn trẻ chọn con đường phấn đấu ngắn hơn, chi phí ít hơn: học nghề.
Dù đang còn ngồi trên ghế trường nghề nhưng với những gì đã trải qua, họ đều thể hiện sự tự tin vào sự lựa chọn của mình.
Chàng trai mê điện lạnh
Vừa tròn 17 tuổi nhưng Bùi Phương Nam, hiện đang học trung cấp điện lạnh tại Trường CĐ nghề Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), đã có thâm niên hơn 5 năm đi làm nghề điện lạnh. “Làm nghề giỏi mà có thêm bằng cấp thì càng được trọng dụng” – Nam nói. Đó là lý do dù đã rành nghề nhưng Nam vẫn đăng ký học trung cấp.
Vừa học xong buổi sáng, Nam tranh thủ giờ nghỉ trưa vào thăm mẹ ở Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long, chiều lại đi làm thêm ở quán hủ tiếu gõ. Các cô điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long cho hay gần một năm nay đã quen với những buổi gặp gỡ đầy thương yêu của hai mẹ con.
Nam kể mẹ có bệnh từ lúc sinh chị hai, mẹ không chăm sóc được nên gửi chị về ngoại nuôi tới bây giờ. Cha Nam là thầy giáo cấp I, tiền lương không đủ trang trải từ khi Nam ra đời nên cha làm thêm đủ nghề từ chụp ảnh, bán vé số dạo. Mẹ Nam cũng từng là giáo viên nhưng đau bệnh hoài nên phải nghỉ sớm, một tay cha Nam lo hết.
“Chắc vì làm lụng cơ cực quá nên cha mất sớm từ khi tôi lên 6 tuổi. Tôi cũng thay cha chăm mẹ từ đó” – Nam kể. Nam nói mỗi ngày đi học đều nơm nớp lo lắng cho mẹ ở nhà. “12 tuổi, tôi đã biết làm thợ phụ cho mấy anh sửa điện lạnh. Làm riết rồi ham, muốn “đeo” luôn nghề này” – Nam tâm sự.
Mà dân tay ngang làm nghề thì không có ai tin. Thế nên hết năm lớp 9, Nam quyết định đăng ký học trung cấp. Rồi Nam lo lắng mẹ bệnh như vầy, không thể dồn hết tâm trí để học, để làm thêm.
“Hỏi thăm hết các nơi, tôi mới quyết định cho mẹ đi điều trị bệnh. Giờ cũng hơn một năm, thấy tâm tính mẹ nhẹ nhàng hơn tôi cũng mừng. Học ra nghề xong tôi sẽ đón mẹ về nhà” – Nam khẳng định.
Khoảng thời gian nếu không phải đi phụ bán hủ tiếu gõ, làm điện lạnh thì Nam dành hết cho mẹ ở bệnh viện. Nam tự tin: “Học có nghề rồi tôi sẽ xin vào công ty nào đó làm việc, ngoài giờ có thể đi làm điện lạnh thêm. Tôi nghĩ nếu cứ nhìn mọi việc tích cực thì dễ thành công hơn, nhất là khi tôi còn là chỗ dựa cho mẹ nữa”.
Nhưng đó là tương lai, hiện tại đến bây giờ Nam cũng chưa mua nổi cho mình chiếc xe đạp làm chân đi. Bao nhiêu tiền làm ra Nam dành mua thuốc, mua sữa, mua bánh cho mẹ, chi phí ăn uống cho bản thân, lâu lâu dành dụm mua cho mẹ vài bộ đồ mới nữa.
“Hôm nào đi phụ làm điện lạnh tôi quá giang chủ, còn tối đi bán hủ tiếu gõ tôi đi bộ cũng hơn 6 cây số thôi, đi riết rồi quen à” – Nam tếu táo.
Cô y sĩ mong ra đảo phục vụ dân
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long có cô y sĩ thực tập Nguyễn Thị Hồng Nguyên ra về với những bước chân xiêu vẹo sau ca trực đêm. Nguyên sốt bại liệt từ năm lên 3 tuổi, mẹ Nguyên cũng bị như vậy nên khi phát hiện bệnh, cha mẹ Nguyên chạy vạy cầu cứu khắp nơi nhưng cũng không chữa khỏi.
Nhưng lúc nào cũng nở nụ cười, Nguyên tâm sự: “Tôi đi lại được là may mắn lắm rồi, cũng chưa từng mặc cảm với đôi chân này, chỉ đôi khi thấy bất tiện khi không thể nhanh nhẹn hơn được”.
Nguyên nói lúc cha qua đời là khoảng thời gian khốn khó nhất của ba mẹ con. Năm đó Nguyên 7 tuổi, mẹ đi lại rất khó khăn, hằng ngày phải ngược xuôi bán rau ngoài chợ mới mong có đủ hai bữa cơm cho cả nhà. Chưa kể những ngày trong nhà có một người ngã bệnh thì coi như đứt vốn, mượn nợ.
“Lớn lên một chút, tôi biết phụ mẹ buôn bán, không biết người ta thấy hai mẹ con tật nguyền mà thương hại hay không mà mẹ tôi bán được lắm” – Nguyên kể.
Cơ duyên đến với ngành y sĩ này cũng là một ngã rẽ của Nguyên. Hết lớp 12, Nguyên thi đậu ĐH Sư phạm nhưng tiền mua cơm ăn còn chưa có, huống chi phải trải qua bốn năm ĐH dù không phải đóng học phí.
“Đêm nằm suy nghĩ, nếu mình đi dạy với hình dáng này thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, nên khi nghỉ học tôi không tiếc nuối”.
Một năm ở nhà đi làm thuê, kiếm được chút vốn, Nguyên quyết định học y sĩ. “Hồi trước cha tôi cũng vì không được cấp cứu kịp thời mà qua đời, rồi chứng kiến nhiều cảnh người dân ở đảo khi vào đến đất liền thì bệnh trở nặng hơn, nếu được sơ cứu trước thì có thể cứu sống nên tôi chọn nghề này, học xong tôi sẽ xin ra Hòn Nghệ phục vụ bà con” – cô y sĩ tương lai quê huyện Châu Thành, Kiên Giang tâm sự.
Năm sau ra trường cũng là lúc em gái Nguyên vào ĐH. “Tôi sẽ lo cho em gái học, không phải dang dở như đã từng. Tôi nghĩ khi ra trường với tấm bằng loại giỏi, tay nghề cứng thì không thiếu nơi tuyển dụng, gia đình sẽ tươi mới hơn” – Nguyên lạc quan nói.
Trao 166 suất học bổng học nghề
Ngày 22-11, tại TP Trà Vinh, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Trà Vinh và Công ty CP phân bón Bình Điền tổ chức lễ trao 166 học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho học sinh trung cấp nghề khu vực ĐBSCL.
Mỗi suất học bổng là 5 triệu đồng. Trong đó 703 triệu đồng từ Giải golf gây quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” (do Công ty CP phân bón Bình Điền, VTV9 – Đài truyền hình VN, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh golf Long Thành phối hợp tổ chức) tài trợ và Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại Đức tài trợ 127 triệu đồng.
Trong năm 2018, chương trình dự kiến trao tổng cộng 400 suất học bổng với tổng kinh phí học bổng 2 tỉ đồng dành cho học sinh, học viên vượt khó đang theo học các trường nghề tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ.
Học bổng không chỉ vinh danh sự nỗ lực vượt khó của các bạn trẻ học nghề, mà còn góp phần vào việc giải quyết vấn nạn “thừa thầy thiếu thợ” trong thị trường nhân lực, khẳng định thông điệp “ĐH không phải là con đường duy nhất để tiến thân”.