‘Thành phố cầu vồng’ hồi sinh
Từ một thành phố bị ô nhiễm nặng, Kitakyushu nằm ở phía bắc tỉnh Fukuoka đã lột xác, khoác lên màu áo mới nhờ sự kết hợp một cách tự nguyện giữa người dân – chính phủ – doanh nghiệp.
‘Thành phố cầu vồng’ hồi sinh
Từ một thành phố bị ô nhiễm nặng, Kitakyushu nằm ở phía bắc tỉnh Fukuoka đã lột xác, khoác lên màu áo mới nhờ sự kết hợp một cách tự nguyện giữa người dân – chính phủ – doanh nghiệp.
Hình ảnh học sinh Trường tiểu học Shiroyama phải thường xuyên dọn rửa các thiết bị bám bụi nhà máy vào thập niên 1960 được trưng bày trong Bảo tàng môi trường Kitakyushu – Ảnh: DUY LINH
Một buổi sáng 8-11, đứng bên bờ vịnh Dokai với màu biển và màu trời hòa làm một, thật khó để tin rằng vào thập niên 1960, khu vực này từng là một vùng nước chết, độc đến nỗi cá đang khỏe vừa thả vào nước lấy từ vịnh đã chết ngay lập tức.
Từng bị ô nhiễm nghiêm trọng
Phóng tầm mắt từ Bảo tàng môi trường Kitakyushu sẽ thấy một khối công trình cao bằng thép màu xám. Đó là Yahata – nhà máy luyện thép đầu tiên của Nhật Bản được thành lập tại Kitakyushu năm 1901, đặt nền móng cho cả nền công nghiệp xứ sở mặt trời mọc.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp luyện thép đã đem lại sự giàu có cho người dân Kitakyushu. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu vượt quá kiểm soát những năm 1960 – giai đoạn đỉnh cao về sản lượng thép của Nhà máy Yahata.
Những tấm bưu thiếp chụp Kitakyushu năm 1960 có một điểm chung nổi bật: các cột khói đủ màu sắc bắt nguồn từ ống khói của các nhà máy thép, khiến cho Kitakyushu được mệnh danh là thành phố cầu vồng. Người dân địa phương khi đó tin rằng khi màu sắc càng nhiều, họ sẽ càng giàu có.
Những cơn mưa đã khiến niềm tin đó dần thay đổi. Vào thời điểm đó, nếu một gia đình không nhanh chóng dọn máng xối nước trên mái nhà sau mưa, nó sẽ sập. Lượng bụi trong không khí nhiều đến nỗi sau các cơn mưa, máng xối của các gia đình bị nghẽn hoàn toàn và trông như người ta vừa đổ một lớp ximăng trên đó.
Học sinh của Trường tiểu học Shiroyama – nơi bị bao vây bởi các nhà máy thép, hằng ngày phải học hành và hít thở bầu không khí nhiều bụi đến độ dùng tay quẹt ngang đã thấy đen nhẻm.
Với mật độ tập trung dày đặc các nhà máy thép, vùng nước trong vịnh Dokai trở thành vùng biển chết, bị bao phủ bởi nước thải màu vàng đen của các nhà máy. Lượng thủy ngân cao đến mức ngay cả vi khuẩn E.coli cũng không thể sống nổi.
Đến thành phố xanh bền vững
Những người mẹ, người vợ của Kitakyushu xót xa trước tình cảnh của con trẻ nhưng không thể phản đối các nhà máy – nơi những người chồng, người cha của con họ đang làm việc. Sự lựa chọn khó khăn đó đã dẫn tới một cuộc đấu tranh theo mô hình hoàn toàn mới, chưa từng có tại Nhật Bản.
Thay vì xuống đường biểu tình, họ tự mình tiến hành các thực nghiệm để chứng minh mức độ ô nhiễm nước và không khí tại Kitakyushu đã ở mức báo động.
Dưới sự hướng dẫn và trao đổi với các nhà khoa học, họ đích thân đến thị sát các nhà máy công nghiệp, viết thư ngỏ gửi đến nhà chức trách và đánh động nhận thức của cộng đồng, cùng lúc với các thí nghiệm thực tế – chẳng hạn lấy nước từ vịnh Dokai để nuôi cá.
Những kết quả sau đó được đưa tới các nhà máy như là một phần của phong trào “Chúng tôi muốn bầu trời xanh trở lại” và nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương.
Các biện pháp hạn chế khí thải nghiêm ngặt được áp dụng, thuế môi trường được đưa ra, một thỏa thuận ngăn chặn ô nhiễm được ký kết giữa chính quyền và doanh nghiệp. Điều này đã làm dấy lên lo ngại các công ty sẽ rời bỏ Kitakyushu.
“Thuế là trở ngại lớn nhất khi tiến hành các nỗ lực tái tạo môi trường ở Kitakyushu. Chính quyền phải giải thích với người dân và doanh nghiệp rằng thuế cao họ phải đóng là để giải quyết vấn đề môi trường” – ông Satoru Kushiyama, giám đốc Trung tâm Kitakyushu vì cộng đồng cacbon thấp châu Á, trả lời Tuổi Trẻ.
Năm 1969, các biện pháp đối phó với ô nhiễm môi trường do công nghiệp được thực hiện. Đến năm 1975, tức chỉ 6 năm sau đó, các mục tiêu về môi trường được hoàn tất và đến năm 1980, Kitakyushu như được sinh ra lần thứ hai.
Màu xanh của biển được trả lại cho vịnh Dokai, những cột khói đủ màu sắc biến mất. Bài học và những kinh nghiệm từ Kitakyushu đã trở thành động lực cải tạo cho các thành phố khác ở Nhật Bản những năm 1980.
Kitakyushu ngày nay đã trở thành một thành phố xanh, phát triển bền vững với các nhà máy xử lý và tái chế rác thải, các trung tâm nghiên cứu thực tiễn và nhà máy điện gió, mặt trời và điện sinh học.
Tháng 6-2011, Kitakyushu trở thành thành phố đầu tiên của châu Á được chọn trở thành “Thành phố kiểu mẫu về tăng trưởng xanh” của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế.
Kitakyushu hợp tác với Việt Nam
Dưới sự hỗ trợ của chính quyền Kitakyushu, dự án “Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh” của Hải Phòng ra đời, tập trung vào các lĩnh vực quản lý rác thải, năng lượng, cung cấp nước, xử lý nước thải, sản xuất xanh. Hiện có 15 dự án đang trong giai đoạn phát triển và dự kiến hoàn tất vào năm 2020. Tại TP.HCM, dự án xử lý nước thải và tái chế đồ điện gia dụng đang nhận được sự phối hợp và trao đổi từ cả hai phía Việt Nam và Kitakyushu của Nhật Bản.
Cải tạo đi liền với giáo dục nhận thức
Chính quyền thành phố thúc đẩy nhận thức của trẻ em về môi trường như chương trình phân loại, tái chế rác thải được đưa vào trường tiểu học. Mỗi ngày, những hộp sữa dùng sau bữa trưa được các em rửa lại, đặt riêng vào một rổ lớn để tái chế. Trong Bảo tàng môi trường Kitakyushu luôn có những trò chơi đơn giản nhưng hấp dẫn giúp các em hiểu rõ các vấn đề về môi trường, chẳng hạn CO2 quá nhiều sẽ khiến Trái đất nóng lên.