23/12/2024

Nghị sĩ đối lập Philippines đòi làm rõ thoả thuận với Trung Quốc ở Biển Đông

Hàng loạt quan chức Philippines đã yêu cầu làm rõ những thoả thuận mà nước này ký với Trung Quốc, trong đó có biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông.

 

Nghị sĩ đối lập Philippines đòi làm rõ thoả thuận với Trung Quốc ở Biển Đông

Hàng loạt quan chức Philippines đã yêu cầu làm rõ những thoả thuận mà nước này ký với Trung Quốc, trong đó có biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông.
 
 
 
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Rodrigo Duterte tại Manila ngày 20.11 /// Reuters

Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Rodrigo Duterte tại Manila ngày 20.11  REUTERS

 
Biên bản hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông được ký kết tại Manila trong chuyến thăm ngày 20.11 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bên cạnh đó còn có 28 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khác.
 
Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte không công bố nội dung văn bản khiến cho giới nghị sĩ và cựu quan chức nước này đồng loạt lên tiếng yêu cầu làm rõ.
 
Tờ Inquirer dẫn lời Phó tổng thống Leni Robredo khẳng định nghĩa vụ của chính quyền là phải minh bạch về mọi thỏa thuận ký với nước ngoài và cho người dân biết đất nước sẽ được lợi gì từ những thỏa thuận đó.
 
Mặc dù hoan nghênh tình hữu nghị với Trung Quốc nhưng bà Robredo tuyên bố lợi ích của người dân Philippines là trên hết.
 
“Lợi ích của chúng ta phải luôn đứng đầu khi thắt chặt quan hệ với các nước khác, đặc biệt là vào thời điểm đa số người dân phải đối mặt với những thách thức mỗi ngày do giá cả gia tăng và thiếu kế sinh nhai”, Phó tổng thống Robredo nói.
 
Tương tự, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh chính quyền phải hoàn toàn minh bạch về những thỏa thuận hợp tác phát triển dầu khí với Trung Quốc, theo mạng tin Rappler.
 
“Trong quá trình thực thi những điều đã được ký kết, các nhà đàm phán của chúng ta phải đảm bảo rằng hiến pháp không bị vi phạm và phán quyết của toà án quốc tế không bị tổn hại”, ông Rosario nhắc đến phán quyết năm 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Về lý thuyết, bất kỳ thỏa thuận chia sẻ tài nguyên nào cũng phải tuân thủ hiến pháp Philippines và phán quyết của toà án quốc tế năm 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
 
Vì thế, mọi hoạt động khai thác chung trong khu vực bị “đường lưỡi bò” liếm trúng sẽ vi phạm luật quốc tế và chỉ mang lại kết quả là giúp Bắc Kinh đạt được nhiều ý đồ trên biển, cũng như gây chia rẽ trong khu vực, khiến tình hình an ninh Biển Đông thêm phức tạp.
 
Các thượng nghị sĩ đối lập Antonio Trillanes và Francis Pangilinan kêu gọi chính quyền Tổng thống Duterte không ký bất kỳ thoả thuận nào với Trung Quốc nếu gây tổn hại đến đặc quyền của nước này vì cho rằng điều đó vi hiến.
 
 
BẢO VINH