Miền Tây đã làm được gì sau ‘Hội nghị Diên Hồng’?
Sau “hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL, Chính phủ đã có nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đến nay nhiều nơi vẫn chờ chính sách thành hiện thực.
Miền Tây đã làm được gì sau ‘Hội nghị Diên Hồng’?
Sau “hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL, Chính phủ đã có nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đến nay nhiều nơi vẫn chờ chính sách thành hiện thực.
Nghị quyết 120 ban hành cuối năm 2017. Đến nay, nhiều địa phương chủ yếu vẫn ở bước lập đề án, báo cáo dự án để xin vốn hoặc chờ vốn. Nhiều dự án lớn gần như vẫn giậm chân tại chỗ.
Vẫn chủ yếu trên giấy
Tại Long An, theo ghi nhận, đến nay những hồ chứa nước ngọt tại các xã Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa), hồ chứa nước ngọt xã Phước Lâm (Cần Giuộc) vẫn chỉ đang nằm trên… tờ trình và chờ vốn thực hiện. Tổng nguồn vốn dự tính của hai hồ nước ngọt này khoảng 750 tỉ đồng, vẫn chưa bố trí được.
Một trong những vấn đề cấp bách khác để phát triển là việc cần đầu tư nạo vét các hệ thống sông Vàm Cỏ Tây, đầu tư hệ thống cống ngăn mặn cấp bách ven sông này, hay cải tạo nâng cấp hoàn thiện các hệ thống thủy lợi vùng nam quốc lộ 1… cũng đang nằm im đợi vốn.
Ông Lê Văn Hoàng – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An – cho biết từ khi có nghị quyết 120, tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai các công việc nhằm xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, xây dựng các dự án đầu tư và phát triển kinh tế hạ tầng, như xây dựng các hồ nước ngọt, đầu tư nạo vét sông Vàm Cỏ Tây và các hệ thống thuỷ lợi, quy hoạch và rà soát quy hoạch thủy lợi nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu có tầm nhìn đến năm 2050…
Ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng thực hiện nghị quyết số 120 của Chính phủ, các địa phương chủ yếu vẫn tự thân vận động.
Các hành động cụ thể của Đồng Tháp như tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ 30 triệu USD của Ngân hàng Thế giới thực hiện dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười tại các huyện thị phía bắc tỉnh Đồng Tháp”.
Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” cũng đang gửi đến các ngành trung ương thẩm định để trình Chính phủ phê duyệt.
Tại Kiên Giang, ông Đỗ Minh Nhựt – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh – cho biết để đối phó với biến đổi khí hậu, dự kiến từ nay đến năm 2025 địa phương này cần có ít nhất 7.000 tỉ đồng. Nhưng thực tế nguồn vốn này vẫn đang… chờ.
Nhiều hội thảo nhưng ít triển khai
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Dương, các bộ ngành trung ương tổ chức nhiều hội thảo triển khai nghị quyết 120, nhưng sau đó ít có những hành động cụ thể. Những dự án mang tính liên kết vùng từ sau nghị quyết vẫn chưa rõ ràng. Ông Dương kiến nghị cần có chính sách đồng bộ, hỗ trợ hình thành các mô hình chuỗi giá trị ngành hàng, thay vì chỉ hỗ trợ đầu vào là người sản xuất.
Còn ông Huỳnh Văn Thái, trưởng phòng tài nguyên nước Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang, cho rằng khuyết điểm lớn nhất trong thực hiện nghị quyết 120 hiện nay là kế hoạch hành động tổng thể của Chính phủ rất chậm, nên địa phương lúng túng trong định hướng, hoạch định.
Các dự án phát triển kinh tế – xã hội hầu như chưa có tiêu chí rõ ràng về liên kết vùng mà chỉ mang tính cục bộ địa phương.
Ông Thái kiến nghị Chính phủ tập trung vào các dự án lớn trung hạn, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đầu tư lớn vào những công trình có tính chất liên kết vùng.
“Nếu chúng ta làm tốt liên kết vùng sẽ không có chuyện giải cứu nông sản như thời gian qua”, ông Thái nói.
Cần nguồn vốn lớn
Hiện tại, UBND tỉnh Long An đã lên danh mục đề án, chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện nghị quyết 120 xin Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn.
Các dự án đầu tư và làm hạ tầng đã được bố trí 129 tỉ đồng cho các đề án xây dựng kè chống sạt lở ven sông Cần Giuộc, quy hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai và biên giới Việt Nam – Campuchia…
Tuy nhiên, nguồn vốn đã bố trí này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số nguồn vốn gần 6.000 tỉ dự kiến cần thiết để thực hiện nhiệm vụ nghị quyết 120.
Tại An Giang, tổng nhu cầu vốn thực hiện nghị quyết 120 là hơn 1.300 tỉ đồng, hiện mới được bố trí hơn 300 tỉ đồng để làm thuỷ lợi và chống sạt lở…
Hướng đến phát triển bền vững ĐBSCL
Ngày 22-11, hội thảo với chủ đề trên sẽ được báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Cần Thơ.
Tham dự sự kiện có đại diện Bộ NN&PTNT, đại diện lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL, các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp…
Nội dung hội thảo sẽ tập trung thảo luận xoay quanh việc triển khai nghị quyết 120, những khó khăn vướng mắc, đề xuất hướng tháo gỡ để các nội dung chính sách nhanh chóng đi vào thực tế, hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự kiện nhằm tổng kết các hoạt động của chuỗi truyền thông, sự kiện Mekong xanh do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần Tôn Đông Á.
Hội thảo cũng đánh giá những mô hình kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh thành, từ đó góp phần nhân rộng nhằm nâng cao giá trị nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL.