28/11/2024

Kinh tế Internet: Việt Nam phát triển vượt bậc

Việt Nam hiện có nền kinh tế Internet phát triển nhất tính trên giá trị hàng hoá mua bán trong năm 2018, tương đương 4% GDP quốc gia, theo một nghiên cứu mà hai công ty Google và Temasek công bố ngày 19-11.

 

Kinh tế Internet: Việt Nam phát triển vượt bậc

Việt Nam hiện có nền kinh tế Internet phát triển nhất tính trên giá trị hàng hoá mua bán trong năm 2018, tương đương 4% GDP quốc gia, theo một nghiên cứu mà hai công ty Google và Temasek công bố ngày 19-11.
 
 
 

Kinh tế Internet: Việt Nam phát triển vượt bậc - Ảnh 1.

Công nghệ đang tạo ra những cơ hội và thách thức tại Đông Nam Á. Trong ảnh: các bạn trẻ VN dùng smartphone – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Singapore đứng thứ hai với 3,2% GDP. Tuy nhiên, Indonesia là nước có tốc độ phát triển nhanh nhất và dự kiến đạt 100 tỉ USD vào năm 2025.

Tạo 1,7 triệu việc làm mới

Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam là đối tượng chính của nghiên cứu này. Theo đó, nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á dự kiến vượt 240 tỉ USD và tạo 1,7 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2025, gấp 3 lần so với năm 2018.

Ngoài ra, số người làm việc bán thời gian, hoặc tự do trong nền kinh tế Internet cũng tăng từ 4 triệu hiện nay lên 12 triệu người. Trong tổng số đó bao gồm 200.000 công việc kỹ năng cao trong các lĩnh vực như phần mềm, tiếp thị số, khoa học dữ liệu… có mức lương thường cao hơn đến 5 lần lương trung bình tại khu vực.

Đông Nam Á cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào kinh tế Internet, với tổng nguồn vốn đã tăng thêm 24 tỉ USD trong ba năm qua và ước tính thu hút 40-50 tỉ USD đầu tư vào năm 2025 để phát triển ngành kinh tế tiềm năng này.

Thời gian qua, dòng đầu tư chủ yếu rót vào các dịch vụ gọi xe hay thương mại điện tử, chiếm khoảng 20 tỉ USD. Thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của kinh tế Internet với tốc độ tăng trưởng 100% mỗi năm, hơn 120 triệu người mua và dự kiến đạt 100 tỉ USD trong vài năm tới.

Trong khi đó, lĩnh vực gọi xe, bao gồm vận chuyển và giao hàng, sẽ đạt 7,7 tỉ USD vào cuối năm nay và tăng gấp 5 lần vào năm 2025.

Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp tại khu vực cũng bắt đầu nhận được nhiều đầu tư hơn trong các giai đoạn ban đầu. Khu vực đã chứng kiến sự phát triển kinh ngạc của những công ty khởi nghiệp như Grab, Go-Jek, Lazada. Đầu tư cũng rót vào các mảng khác của kinh tế Internet như kỹ thuật tài chính, giáo dục, chăm sóc y tế…

Nhiều thách thức

Nhưng Đông Nam Á và cũng như nhiều nơi trên thế giới đang cùng đối diện với những thách thức từ kinh tế số là nâng cấp kỹ năng của lực lượng lao động và thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), bên cạnh sự cạnh tranh của tự động hóa, người lao động tại khu vực đối mặt với thách thức phải được đào tạo cho các công việc mới, trong khi kỹ năng của lao động trong lĩnh vực kỹ thuật số tại Đông Nam Á “chưa đủ tốt để nắm bắt cơ hội”.

“Để chuẩn bị cho người dân cạnh tranh được trong nền kinh tế kiến thức, cần một mô hình giáo dục – đào tạo và một mô hình học tập suốt đời – chuyên gia Jan Thomas của Đại học Massey, New Zealand, nói – Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những công việc và ngành công nghiệp mới, điều này đòi hỏi sự tiếp nhận công nghệ và nâng cấp kỹ năng không ngừng nghỉ để bắt kịp sự thay đổi”.

Hàng loạt “ông lớn” công nghệ như Google, Microsoft, Cisco Systems… cam kết sẽ giúp đào tạo 20 triệu người tại Đông Nam Á vào năm 2020. Đây là một phần trong sáng kiến Tầm nhìn kỹ năng số ASEAN 2020 được WEF công bố ngày 19-11.

“Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang diễn ra ngày càng nhanh và thay đổi những kỹ năng mà người lao động cần để làm việc trong tương lai” – lãnh đạo WEF phụ trách châu Á – Thái Bình Dương Justin Wood nói.

Đông Nam Á sử dụng Internet nhiều nhất thế giới

Kinh tế Internet tăng trưởng một phần nhờ tỉ lệ truy cập Internet cao tại Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của Google – Temasek, hiện có khoảng 350 triệu người dùng Internet trên khắp Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, tăng thêm 90 triệu so với năm 2015, đưa Đông Nam Á trở thành khu vực sử dụng Internet nhiều nhất thế giới. 90% người truy cập mạng tại khu vực chủ yếu bằng điện thoại thông minh, nhờ sự phổ biến của điện thoại và giá cước dữ liệu rẻ hơn.

Việt Nam phải cạnh tranh với chính mình

“Giao dịch điện tử là những chỉ dấu rõ ràng thể hiện tiềm năng thực sự của một nền kinh tế. Theo tôi, mô hình phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc là hình mẫu tốt cho Việt Nam noi theo. Trung Quốc có hai kênh thanh toán thương mại lớn là WePay và AliPay với tổng giao dịch lên đến 6.000 tỉ USD.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải cạnh tranh với Trung Quốc, nên các bạn không cần phải lo lắng. Tôi nghĩ Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế số. Tôi quan sát thấy nhiều trường đại học ở Việt Nam có chương trình đào tạo công nghệ khá tốt cho sinh viên.

Những gì Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực là xây dựng năng lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, giới trẻ phải tự quyết định vận mệnh của riêng mình. Các bạn trẻ phải chăm chỉ và chấp nhận mạo hiểm.

Một điều nữa, trong thế giới số và hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ví dụ, nhiều công ty thương mại điện tử Trung Quốc đã thiết lập các website tiếng Anh để tiếp cận thị trường nhiều nước, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á. Tôi cho rằng thành công của Việt Nam không đến từ cạnh tranh với các hàng xóm, mà là cạnh tranh với chính bản thân mình”.

Anh Eugene Ho (phụ trách thị trường Đông Nam Á của Công ty công nghệ SAP, Singapore)