24/01/2025

Không để học sinh nhìn cuộc sống lệch lạc

‘Năng lực của học sinh như thế nào thì các em nhận điểm số như thế ấy. Việc nâng điểm cho học trò gây tác hại rất lớn: các em sẽ ỷ lại, không thèm học. Chưa kể các em sẽ nhìn cuộc sống bằng con mắt lệch lạc’.

 

Không để học sinh nhìn cuộc sống lệch lạc

‘Năng lực của học sinh như thế nào thì các em nhận điểm số như thế ấy. Việc nâng điểm cho học trò gây tác hại rất lớn: các em sẽ ỷ lại, không thèm học. Chưa kể các em sẽ nhìn cuộc sống bằng con mắt lệch lạc’.


 

Không để học sinh nhìn cuộc sống lệch lạc - Ảnh 1.

Niềm vui mỗi ngày của thầy Nguyên Văn Ngai là được đưa đón cháu nội đi học – Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là quan điểm của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Ông Ngai đã từng cương quyết không nâng điểm cho học sinhdù đó là con của một lãnh đạo sở, nơi ông đang công tác.

Không du di dù đó là con lãnh đạo

* Nghe nói trong suốt thời gian làm công tác quản lý, ông vẫn đứng lớp dạy học trò?

- NGƯT NGUYỄN VĂN NGAI: Thời của tôi, Nhà nước không bắt buộc hiệu trưởng phải đứng lớp vài tiết/tuần như bây giờ. Nhưng tôi rất thích được trực tiếp giảng dạy, đứng trên bục giảng nhìn xuống lớp thấy những ánh mắt trong veo đầy mong đợi và hi vọng của học sinh, trong tôi luôn dâng lên niềm hạnh phúc khó tả.

* Ông đã từng có thời gian làm phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phụ trách mảng khảo thí. Chúng tôi nghe phong thanh rằng ông rất cương quyết, làm đúng quy định chứ không du di một ai, cho dù đó là con ruột của phó giám đốc Sở GD-ĐT cùng thời với ông?

– (Cười) Tại sao nhà báo lại biết chuyện này nhỉ? Đúng là năm ấy con của một phó giám đốc Sở GD-ĐT TP thi rớt tốt nghiệp THPT. Trên thực tế không ai đặt vấn đề gì với tôi cả, nhưng một số anh em cấp dưới có hi vọng tôi sẽ du di cho cháu để sau khi chấm phúc khảo, cháu sẽ đủ điểm tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tôi đã chỉ đạo: cứ làm đúng quy định.

* Ông và vị phụ huynh ấy đều giữ cương vị phó giám đốc sở, sau vụ đó thì mối quan hệ của hai người như thế nào?

– Vẫn bình thường và vui vẻ. Cho đến bây giờ khi cả hai anh em đều về hưu, mối quan hệ vẫn như vậy. Xin nói thêm rằng sau khi rớt tốt nghiệp thì năm sau cháu đăng ký học bổ túc văn hóa và tôi chính là thầy giáo dạy toán của cháu ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn.

Đó là một học sinh rất thông minh, chỉ vì một chút lơ là mà cháu rớt tốt nghiệp. Tôi đã giảng dạy và theo sát cháu bởi đây là học trò đặc biệt (cười). Cuối năm đó cháu đậu tốt nghiệp THPT với điểm số khá cao, các môn khác tôi không nhớ nhưng môn toán là 8,5 điểm.

Tôi tin cháu đã rất hãnh diện khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay vì đó là tấm bằng do chính năng lực và sự cố gắng của cháu tạo nên, không phải nhờ vả vào ai.

Hồi làm hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu cũng vậy, có năm con của một thầy giáo dạy sử trong trường phải thi lại môn toán. Phụ huynh không đề đạt gì nhưng một số giáo viên khác có đặt vấn đề tôi du di cho cháu được lên lớp.

Tuy nhiên, tôi không đồng ý: cháu đã yếu thì phải ôn bài, củng cố kiến thức để thi lại chứ cho lên lớp thì năm học sau sẽ rất khó khăn trong học tập. Tôi đã gặp vị phụ huynh đặc biệt – giáo viên trong trường mình – để giải thích về quy định của ngành đồng thời ngỏ lời anh chở cháu qua nhà tôi, tôi sẽ dạy kèm cho cháu miễn phí…

Có thể khẳng định trong hơn 40 năm làm việc trong ngành giáo dục, tôi không nâng điểm cho bất kỳ học sinh nào. Bởi tôi quan niệm năng lực như thế nào thì các em nhận điểm số như thế ấy.

Việc nâng điểm cho học trò gây tác hại rất lớn: các em sẽ ỷ lại, không thèm học. Chưa kể các em sẽ nhìn cuộc sống bằng con mắt lệch lạc: cứ người thân có chức, có quyền là sẽ giải quyết được mọi việc…

Không để học sinh nhìn cuộc sống lệch lạc - Ảnh 2.

Thú vui hằng ngày của thầy Nguyễn Văn Ngai – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhà giáo cần tự giác và tự trọng

 

* Thời còn làm hiệu trưởng, ông luôn là người đi sớm về khuya, tại sao vậy?

– Dù ở bất cứ cương vị nào, tôi luôn làm hết sức mình và làm theo đúng quy định với tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng của một nhà giáo. Hồi làm hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, tôi luôn là người đến trường sớm nhất và ra về sau cùng, buổi trưa cũng không nghỉ vì thời gian ra về của học sinh buổi sáng sát với giờ vào học của học sinh học buổi chiều. Tôi chỉ kịp ăn trưa xong là đã phải đi lòng vòng kiểm tra rồi.

Người nhà tôi cũng từng chất vấn rằng: “Anh sợ mất ghế hiệu trưởng hay sao mà phải khổ thế? Người ta cũng hiệu trưởng như anh, sáng đi trễ, chiều về sớm chứ có ai ở lại đến tối như anh đâu!”.

Tôi không tranh luận với người nhà nhưng tôi nghĩ đã là hiệu trưởng thì buổi sáng phải vô trường sớm kiểm tra mọi thứ để sẵn sàng đón học sinh, buổi tối thì rất nhiều thầy cô giáo ở lại phụ đạo cho học trò yếu.

Tôi cũng ở lại, thỉnh thoảng vẫn đi lòng vòng kiểm tra tình hình dạy học và kịp thời giải quyết những tình huống phát sinh. Đó là sự tự giác và tự trọng của người làm thầy giáo chứ chẳng ai ép buộc cả.

* Ông cũng nổi tiếng liêm khiết, có phải vì thế mà bây giờ cuộc sống của gia đình ông không giàu có như người ta thường nghĩ?

– Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, con cái được học hành tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm ổn định, hiếu thảo với cha mẹ. Hằng ngày tôi thanh thản với việc chăm sóc cây kiểng, chim chóc, đưa đón cháu nội đi học…

Thỉnh thoảng tôi còn đi họp mặt với đồng nghiệp, học sinh cũ – những lúc ấy trong lòng tôi lại dâng lên những cảm xúc rất đặc biệt, đó là khi học sinh cũ đến chào và báo tin em đã thành đạt và có cuộc sống ổn định.

Nghề đưa đò còn gì hạnh phúc hơn thế…

Không để học sinh nhìn cuộc sống lệch lạc - Ảnh 3.

Thầy Ngai cũng là gia sư của cháu nội của mình những khi cháu không hiểu bài – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai sinh năm 1947 tại Tây Ninh. Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn (nay là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) năm 1969, ông được phân công về giảng dạy ở Trường tiểu học Đông Thạnh và Trường trung học Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn, TP.HCM bây giờ). Năm 1971, ông chuyển về Trường trung học đệ nhất cấp Nhất Linh.

Sau ngày thống nhất đất nước, Trường Nhất Linh đổi tên thành Trường cấp II-III Nguyễn Hữu Cầu (nay là Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Lúc này ông Ngai được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng Trường Nguyễn Hữu Cầu. Năm 1982, ông bắt đầu giữ chức hiệu trưởng Trường Nguyễn Hữu Cầu.

Năm 1991, ông chuyển công tác về Sở GD-ĐT TP.HCM, giữ chức phó bí thư thường trực Đảng ủy Sở GD-ĐT và năm 1998 giữ chức phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu (2009).

Nhớ thầy hiệu trưởng gầy gò đầy nhiệt huyết

Ông Nguyễn Minh Hoàng (trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) kể lại: “Năm lớp 12, tôi được học với thầy Ngai ở bộ môn toán. Lúc ấy, thầy vừa đứng lớp giảng dạy vừa làm hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu.

Đến bây giờ, học sinh Nguyễn Hữu Cầu chúng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh thầy hiệu trưởng với dáng người gầy gầy, nhỏ nhắn nhưng giọng nói sang sảng, đầy nhiệt huyết. Thầy sinh hoạt dưới cờ với cả ngàn học sinh mà nói không cần micro, học sinh toàn trường cũng im phăng phắc lắng nghe từng lời của thầy – đó là cái duyên sư phạm mà không phải ai cũng có được.

Năm 1989, khi tốt nghiệp trường sư phạm, tôi về giảng dạy ở Trường Nguyễn Hữu Cầu, thầy Ngai vẫn làm hiệu trưởng. Không chỉ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thầy còn rất mẫu mực trong đời thường. Thầy chính là “đầu tàu” đầy năng nổ kéo “con tàu Nguyễn Hữu Cầu” từ một trường khó khăn thành trường có chất lượng cao, nổi tiếng ở vùng ven TP.HCM.

Sau này, khi chuyển công tác về Sở GD-ĐT tôi lại được làm việc với thầy Ngai. Thầy vẫn thế – dù ở bất cứ cương vị nào cũng rất tận tụy, tự trọng và đặc biệt rất gần gũi, sẵn sàng chia sẻ với cấp dưới. Thầy chính là tấm gương để tôi học hỏi: cả trong công việc lẫn cuộc sống gia đình”.

 

HOÀNG HƯƠNG thực hiện