28/11/2024

Chạm vào trái tim học trò

Dạy dỗ học sinh cá biệt chưa bao giờ dễ dàng. Thế nhưng nhiều giáo viên đã thành công trong việc cảm hoá học trò bằng phương pháp đặc biệt xuất phát từ trái tim bao dung và chia sẻ.

 

Chạm vào trái tim học trò

Dạy dỗ học sinh cá biệt chưa bao giờ dễ dàng. Thế nhưng nhiều giáo viên đã thành công trong việc cảm hoá học trò bằng phương pháp đặc biệt xuất phát từ trái tim bao dung và chia sẻ.

 

 

Cô Thanh Hương (áo dài) được học sinh gọi là "mẹ hiền" /// H.T

Cô Thanh Hương (áo dài) được học sinh gọi là “mẹ hiền”  H.T

 

Không chê bai, quát mắng

Cô Nguyễn Xuân Thảo đã có hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.11, TP.HCM. Học trò của cô đa số đều là những học sinh bị các trường THPT “từ chối” do học lực yếu hoặc quá quậy nghịch. Thế nhưng, nhờ vào sự thương yêu, chia sẻ và phương pháp sư phạm khéo léo, những học sinh đó đều đã trưởng thành và trở về bày tỏ lòng biết ơn với cô.

Cô Thảo kể lại: “Tôi có một cậu học trò hết sức đặc biệt. Cậu ấy hỗn hào đến mức chửi cả cha mẹ, lêu lổng không chịu học hành. Tôi bèn âm thầm tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, thì được biết ba mẹ em đã ly dị. Cú sốc đó khiến tâm lý và tính cách em bị ảnh hưởng. Biết em thiếu thốn tình cảm, tôi đã hết sức quan tâm, động viên, không bao giờ chê bai hay quát mắng, không bao giờ nói em là học sinh hư. Dường như hiểu được tấm lòng của tôi, em đã rất nỗ lực, học hành dần tiến bộ, được lên lớp và tốt nghiệp. Từ đó, không có ngày 20.11 nào là em ấy không về thăm tôi. Điều đó khiến tôi hạnh phúc và tiếp tục giúp những học sinh khác trở nên tốt hơn”.

 

Thầy Trần Bảo Huy, giáo viên môn toán Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú, TP.HCM, cũng có những người học trò gây xúc động trong cuộc đời làm thầy. “Phần lớn học sinh nam ở trung tâm rất lười học, quậy nghịch, mất căn bản về kiến thức. Thêm nữa, do nhiều em có hoàn cảnh gia đình éo le nên sinh ra chán nản. Khi bị thầy nhắc nhở, các em giận dữ chửi tục, chửi thề ngay trước lớp. Ban đầu tôi rất giận và sốc. Nhưng tôi đã kiềm chế cơn giận của mình, tự suy nghĩ, lý giải vì đâu các em trở nên như vậy. Tôi thấy mình cần bao dung, độ lượng và cho các em cơ hội. Bởi nếu không làm vậy, các em càng chênh vênh không biết bấu víu vào đâu”.

Theo thầy Huy, những học sinh ngày xưa từng chửi thầy, nay đều đã trưởng thành và mỗi dịp 20.11 lại đến thăm thầy bằng tình cảm chân thành và biết ơn.

Cảm hóa bằng tình yêu thương

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) chia sẻ: “Đối với những học sinh chưa ngoan, trường luôn dùng phương pháp vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, nghĩa là vừa dùng tình cảm, sự thương yêu lẫn chế tài. Những em quậy thường có hoàn cảnh gia đình không được hạnh phúc, hoặc là nghèo khó, cha mẹ không quan tâm. Chúng tôi luôn tìm hiểu cụ thể các em đang gặp phải vấn đề gì. Nếu không có tiền đóng học phí thì trường tìm nhà tài trợ hỗ trợ. Em nào có ba mẹ ly hôn thì thầy cô lại thay ba mẹ quan tâm, chia sẻ, động viên… Chỉ có lòng yêu thương, bao dung, vị tha của người thầy, cùng với sự răn đe phù hợp, mới giúp học trò chưa ngoan trở nên tốt hơn được”.

Cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên môn văn, Trường THPT Quốc Oai, Hà Nội, cũng cho rằng người thầy trong tình huống học trò chưa ngoan, hãy trò chuyện tâm tình gần gũi với trò như một người bạn. “Không quát mắng các em vì tuổi này một khi bị tổn thương thì hậu quả sẽ khó lường. Luôn lắng nghe, đồng cảm và tin tưởng, động viên các em. Đó là cách tốt nhất lay động học trò, giúp các em nhận ra mình cần phải thay đổi”, cô Hương cho biết.

Cô Nguyễn Xuân Thảo thì nhận ra đa số học sinh quậy nghịch lại rất thông minh và tình cảm. “Cứ từ từ trò chuyện, tâm tình, động viên, các em hiểu ra và rất tiến bộ. Cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ dễ dàng gây xúc động và cảm hóa được người khác”, cô Thảo tâm sự.

 

MỸ QUYÊN