27/11/2024

Thể dục học đường: cho học sinh tự chọn môn yêu thích

Câu chuyện học sinh, phụ huynh, giáo viên đều xem nhẹ môn giáo dục thể chất sẽ phải thay đổi để phát huy hết năng lực thể chất của học sinh.

 

Thể dục học đường: cho học sinh tự chọn môn yêu thích

Câu chuyện học sinh, phụ huynh, giáo viên đều xem nhẹ môn giáo dục thể chất sẽ phải thay đổi để phát huy hết năng lực thể chất của học sinh.


Thể dục học đường: cho học sinh tự chọn môn yêu thích - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) trong tiết học bóng rổ tại trường – Ảnh: NHƯ HÙNG

Từ giáo viên, nhà quản lý đều nêu ý kiến cần có sự thay đổi, bắt nguồn từ thói quen, sở thích, tự chọn của học sinh.

Thể dục chán, đợi chờ thể thao

Ở bậc THCS, THPT hiện nay, tiết học thể dục đã có thêm một số tiết tự chọn và học sinh tỏ ra thích thú hơn nhiều so với các tiết thể dục truyền thống.

Hệ THCS, mỗi khối lớp đều có 2 tiết thể dục/tuần, riêng trong học kỳ 2, phân phối chương trình lồng ghép 12 tiết thể thao tự chọn. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chia sẻ: “Học sinh đa số học thể dục như là yêu cầu bắt buộc để hoàn thiện 14 môn học ở hệ thống THCS. 

Các em không thích, lơ là học thể dục, đặc biệt thể dục theo phân phối chương trình như chạy ngắn, chạy bền, chạy xa… Ngược lại các môn như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bơi lội… thì các em rất thích và đợi chờ đến tiết để học”.

Lấy ví dụ trong buổi chạy ngắn của giáo dục thể chất, học sinh chạy 30m trong vòng 5 giây là đạt yêu cầu, nhưng sau đó chắc chắn các em sẽ không bao giờ tập luyện để rút ngắn thời gian chạy, nhưng với các môn khác thì tự giác và háo hức hơn nhiều. 

“Tôi quan sát cứ mỗi chiều sau giờ học, nhiều em huyên náo nhộn nhịp khắp sân trường để tập luyện bóng đá, bóng rổ” – ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, tuy chỉ 12 tiết tự chọn nhưng Trường Lê Văn Tám có đưa vào nhiều môn thể thao cụ thể. Giáo viên giảng dạy là những huấn luyện viên được mời từ trung tâm thể thao trên địa bàn quận.

Tương tự, ông Hồ Thành Danh, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Q.Bình Tân), cho rằng học sinh trường mình cũng thật sự thích thú với môn tự chọn như bơi lội, bóng đá, bóng rổ… 

“Qua những môn thể thao tự chọn, trường phát hiện được em nào có khả năng phát triển năng khiếu, và một điểm chung là các em đều thích vận động chứ không phải là bắt buộc như đơn thuần môn thể dục. 

Giáo viên trong trường đã tự thành lập các câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, số lượng học sinh tham gia câu lạc bộ ngày càng nhiều” – ông Danh chia sẻ.

 

Mỗi học sinh biết chơi một môn thể thao

Trong nghị quyết hội nghị Đảng bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM lần thứ 6 (năm 2015-2020) đề ra mục tiêu mỗi em học sinh phổ thông ít nhất biết chơi một môn thể thao để nâng cao thể lực. Và đây là mong muốn lâu nay của sở, vì vậy sở có ký kết liên tịch với Sở VH-TT TP, và các liên đoàn võ, liên đoàn taekwondo, võ cổ truyền, liên đoàn thể thao dưới nước… để đưa hoạt động thể thao vào trong trường học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết môn thể dục được thực hiện theo chương trình của Bộ GD-ĐT, chương trình bắt buộc thì phải thực hiện. Nội dung như nhau nhưng qua các cấp học thì đòi hỏi nâng dần những kỹ thuật khác nhau. 

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc học thể dục đúng là dễ gây nhàm chán do không phù hợp với sở thích của từng học sinh, trong khi đa số các em thích thể thao vì thể thao có thể tự lựa chọn. “Bộ có chương trình tự chọn trong môn giáo dục thể chất, tuy chỉ có 12 tiết nhưng đã cho thấy phần nào câu trả lời về sự thích thú của học sinh” – ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hiếu phân tích thêm: “Chương trình thể dục thiếu linh hoạt. Ví dụ giờ học đẩy tạ, vì nặng nên cho học sinh đẩy bằng tay không tượng trưng hay tạ nhựa thì làm sao học sinh thích, mà nếu tạ thật thì lại nguy hiểm”. 

Chương trình của bộ, về phía sở cũng đã góp ý nhiều, cho môn thể thao thay thế hẳn môn thể dục trong nhà trường. Ví dụ học bóng bàn thì chỉ cần khởi động thôi là đã hơn thể dục do phần khởi động có tổng hợp nhiều động tác; hay học bơi, hài hoà phát triển toàn thân – ông Hiếu phân tích.

Tuy vậy, phải nhìn nhận do điều kiện sân bãi không cho phép học sinh tham gia đồng loạt, chỉ thể dục và dừng ở mức đạt yêu cầu sức khoẻ chứ chưa phát huy hết năng lực thể chất. 

Ông Hiếu cho hay giải pháp của sở là tổ chức nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao trong nhà trường, tổ chức ngoại khóa, khuyến khích các liên đoàn thể thao, ký hợp tác với Sở VH-TT để có nhiều sân bãi phối hợp các trường đưa học sinh tới tham gia các câu lạc bộ nâng cao sức khoẻ.

Thể dục luôn bị coi là môn phụ, thậm chí có giáo viên mượn giờ thể dục để luyện toán, lý, hoá… Còn trẻ em từ khi sinh ra đến khi trưởng thành chỉ cặm cụi học tập, đến đoạn trưởng thành mới quay về thể dục thể thao thì làm sao phát triển được? Đó là lý do sao người Việt luôn phát triển chậm hơn các nước trong khu vực.

Đã đến lúc chúng ta phải thay những bài tập vươn vai hít thở thành những bài tập kèm lời nhạc, hay cho học sinh tự chọn môn yêu thích.

Nếu như cơ sở vật chất không đáp ứng được thì các trường cần thay đổi trong tư duy, trường chỉ cần cho học sinh vận động đầu giờ hoặc 5-10 phút kèm điệu nhạc phù hợp lứa tuổi. Tuy là thời gian ít nhưng học sinh đã vận động được, não bộ không bị trì trệ bởi trong 12 quy luật của trí não thì quy luật vận động là đầu tiên.

Học trò và thầy cô cùng tập theo nhạc, tạo ra xu hướng thể dục, chắc chắn học trò sẽ rất thích và có thói quen thể dục thể thao.

 

Bà TÔ THUỴ DIỄM QUYÊN (chuyên gia giáo dục toàn cầu Microsoft)

THẢO TÂM