Theo đó, qua rà soát có 48 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng các hạng mục công trình nhà xưởng nằm rải rác trong phạm vi 72 ha, có 3 trường hợp được UBND TP.Biên Hoà cấp giấy phép xây dựng tạm, còn 45 trường hợp không cấp phép nhưng vẫn xây dựng công trình nhà xưởng kiên cố.
Có 5 trường hợp xây dựng từ năm 2009 (thời điểm này khu vực trên thuộc H.Long Thành), theo Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai, thì trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã Phước Tân, Chủ tịch UBND H.Long Thành và các phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện này. Còn lại 43 trường hợp xây dựng thời điểm từ năm 2013 – 2018 (từ năm 2000 khu vực trên được sáp nhập về TP.Biên Hoà), trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã Phước Tân, Chủ tịch UBND TP.Biên Hoà và các phòng ban chuyên môn thuộc UBND thành phố này.
Về kết quả xử lý sai phạm của các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực đất đai: Chủ tịch UBND xã Phước Tân và Chủ tịch UBND TP.Biên Hoà đã ký quyết định xử phạt 22 trường hợp về hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (có 11 DN đã nộp phạt). Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục hiện trạng ban đầu nên DN tiếp tục vi phạm, xây dựng hoàn thiện công trình.
Đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa đã ban hành 19/20 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (có 1 trường hợp đã tự tháo dỡ công trình vi phạm); 5 quyết định xử phạt. Còn lại 20 trường hợp vi phạm xây dựng, UBND xã Phước Tân chưa đề xuất biện pháp xử lý. Về việc này, theo Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai, UBND TP.Biên Hòa chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định.
Đối với kết quả xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa và Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã ban hành 34 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường về hành vi không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định với số tiền 2,38 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong thời gian 9 tháng. Riêng số lao động đang làm việc tại các DN ở khu vực này, tính đến cuối tháng 8.2018 là khoảng 2.300 người (theo Sở LĐ-TB-XH tính đến ngày 25.10, chỉ có 1.227 người ký hợp đồng lao động).
Về hướng giải quyết đối với các DN đã xây dựng nhà xưởng trong khu vực quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân, Đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan lập thủ tục theo quy định để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung trên địa bàn TP.Biên Hoà.
Sau khi có báo cáo, PV Thanh Niên đã liên hệ với Sở TN-MT để tìm hiểu về việc xử lý cán bộ sai phạm qua các thời kỳ cũng như cơ sở pháp lý để kiến nghị cho tồn tại cụm công nghiệp. Tuy nhiên, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho hay vụ việc này ông giao cho Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Hưng (Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành) và đề nghị gặp vị này. Khi PV liên hệ thì ông Hưng chỉ nói: “Tốt nhất anh nên chờ kết luận của UBND tỉnh Đồng Nai”.
|
HOÀNG TUẤN – LÊ LÂM