28/11/2024

Côn đồ đe doạ, chặn đường làm ăn của doanh nghiệp, người dân

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum gần đây xuất hiện nhiều nhóm côn đồ đe doạ các xưởng sản xuất đá lạnh để mua rẻ, cướp mối làm ăn; hăm doạ, thu tiền các vựa thu mua chanh dây để thao túng thị trường.

 

Côn đồ đe doạ, chặn đường làm ăn của doanh nghiệp, người dân

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum gần đây xuất hiện nhiều nhóm côn đồ đe doạ các xưởng sản xuất đá lạnh để mua rẻ, cướp mối làm ăn; hăm doạ, thu tiền các vựa thu mua chanh dây để thao túng thị trường.
 
 
 
 

Nhóm côn đồ chặn xe thu mua chanh dây của bà H.

 /// Ảnh: Phạm Anh

Nhóm côn đồ chặn xe thu mua chanh dây của bà H.   ẢNH: PHẠM ANH

 
Tìm mãi không thấy xưởng sản xuất đá lạnh T.L trên đường Đ.D.T, TP.Kon Tum, chúng tôi hỏi thăm, một người đàn ông ở gần đó bảo: “Xưởng ấy đã nghỉ rồi. Vì bị giang hồ lấy mất…”.
 
Đe doạ mua rẻ, cướp mối làm ăn
 
 
Thượng tá Trần Văn Quân, Trưởng công an H.Đăk Tô (Kon Tum), cho biết từ thông tin của người dân, đơn vị đã mời một nhóm thanh niên có biểu hiện thu tiền bảo kê các thương lái mua chanh dây đến làm việc. Nhóm này hầu hết thường trú ở tỉnh Gia Lai và các tỉnh phía bắc. Tuy nhiên, khi phát hiện thì họ chưa kịp thu tiền, chưa gây hậu quả gì nên cho về.
Còn đại tá Nguyễn Hồng Ngọc, Trưởng công an TP.Kon Tum, cho biết những hoạt động bảo kê sản xuất đá lạnh, chanh dây, đơn vị đã nhận được phản ánh và đang làm rõ
 

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến cơ sở trên thì không thấy biển hiệu, hoạt động sản xuất đá lạnh tinh khiết cũng đã dừng. Một thanh niên tên L. từ trong nhà đi ra, nói là người nhà của cơ sở đá lạnh cho biết, cơ sở phải dừng sản xuất vì một nhóm côn đồ đến đây hăm dọa. Có 3 – 4 người xăm trổ, mặt mày bặm trợn đến hỏi mua đá lạnh với giá 10.000 đồng/bao đá 28 – 30 kg, trong khi giá thị trường là 22.000 – 25.000 đồng/bao. Ban đầu nhóm xăm trổ còn trả tiền, sau đó thì không.

“Các nơi lấy đá lạnh từ cơ sở của gia đình tôi đều gọi đến từ chối mua đá. Họ nói hằng ngày có trên chục tay giang hồ xăm trổ, cầm hung khí đến “mời” lấy đá lạnh của họ. Không mua, họ đứng hàng ngang trước quán, ai cũng sợ”, anh L. cho biết thêm.
 
Đây là cơ sở sản xuất đá lạnh đầu tiên ở TP.Kon Tum, thâm niên mười mấy năm nay, có hai xưởng, mỗi ngày sản xuất 10 tấn đá, bỏ mối cho hàng trăm quán ăn, dịch vụ giải trí, quán nhậu… Giờ thì đành bỏ, không dám sản xuất. Hai xưởng này, mỗi máy đầu tư 800 triệu đồng, giờ bán tháo 400 triệu đồng, tiếc nhưng đành chịu. Chúng tôi đề nghị được ghi hình, anh L. từ chối vì sợ.
 
Đến cơ sở sản xuất đá lạnh khác trên đường Đ., vợ chồng chủ cơ sở ở đây sợ phát khiếp khi chúng tôi hỏi chuyện. Ban đầu anh K., chủ cơ sở này, không dám cung cấp vì sợ trả thù. Thuyết phục rất lâu anh mới nói, nhưng xin “dẹp” máy quay phim, máy ảnh. Anh K. cho biết, hơn một tháng nay, ngày nào nhóm xăm trổ hung tợn cũng đến mua đá lạnh với giá 10.000 đồng/bao (28 – 30 kg/bao).
 
“Mỗi bao đá, bọn tôi chỉ lời 3.000 – 4.000 đồng. Giờ ép giá kiểu này, lấy gì sống? Các mối quen cũng gọi điện đến không lấy đá lạnh của tôi nữa, vì có nhóm xã hội đen hung dữ chở đá đến ném vào quán, buộc phải mua đá của chúng. Bọn tôi tích góp, vay ngân hàng 2 tỉ đồng để đầu tư. Cả nhà 6 người mưu sinh nhờ vào xưởng sản xuất đá lạnh, giờ họ ép quá biết sống làm sao!”, anh K. than thở.
 
Côn đồ đe dọa, chặn đường làm ăn của doanh nghiệp, người dân
Một cơ sở sản xuất đá lạnh phải ngưng hoạt động sau khi bị côn đồ đe doạ

 
Còn cơ sở sản xuất đá lạnh T.P trên đường K. thì bức xúc, cứ cách mấy ngày là có đám xăm trổ, phanh ngực, tóc dài đến vai hoặc cạo trọc đến hăm he. Có hôm họ vào bên trong đếm từng máy sản xuất đá lạnh rồi đi; hoặc đứng xung quanh nhà máy đá chụp hình, gọi điện đến đe doạ… Ngày qua ngày, sống trong kiểu bị khủng bố, chủ cơ sở đá lạnh này rất căng thẳng.
Theo phản ánh của các cơ sở làm đá lạnh, người đứng sau nhóm côn đồ bảo kê tên là H., có vợ tên Th. mở cơ sở đá lạnh trên đường Hùng Vương, TP.Kon Tum. H. là người có tiền án, từng đi tù. Theo ông Hoàng Chí Trung, Giám đốc Trung tâm truyền thông sức khỏe, Sở Y tế Kon Tum, cơ sở nước đá của bà Th. chưa đăng ký giấy phép và cũng chưa thấy hoạt động gì.
 
Buộc thương lái không mua chanh dây
Ở thôn Thanh Trung, P.Ngô Mây, TP.Kon Tum, có 17 hộ dân thuê gần 30 ha đất trồng chanh dây. Một người trồng chanh dây ở đây cho biết, đến mùa thu hoạch chanh dây, có một nhóm xăm trổ đến canh chừng bên con đường vận chuyển ra vào. Thấy thương lái các nơi đến, nhóm côn đồ này chặn lại, yêu cầu không được mua chanh dây, nếu mua thì phải theo giá chúng đưa ra.
 
Cách đây khoảng một tháng, một thương lái tên Hoà ở Gia Lai lên vùng này mua chanh dây đã bị một số đối tượng gây gổ, đe do. Sau đó, không có thương lái nào dám đến mua chanh dây ở đây nữa. Anh D., một người trồng chanh dây cho biết, do bị ép giá quá thấp (giá thị trường là 24.000 đồng/kg nhưng bị ép còn 14.000 đồng/kg) nên anh đành phải chở về nhà ở H.Đăk Hà (Kon Tum), phải “cõng” thêm phí vận chuyển, từ 4.000 – 7.000 đồng/kg.
 
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, đứng sau nhóm côn đồ nói trên có 3 người là Q., Th. và H. Trong đó, Q. được cho là có “máu mặt”, quen biết nhiều giới, từng bảo kê gỗ lậu ở các vùng biên giới, nay về hậu thuẫn cho Th. và H. mua bán, ép giá chanh dây.
 
Bà H., một thương lái ở H.Đăk Hà cho biết, xe thu mua chanh dây của bà từng bị nhóm côn đồ chặn lại ở khu vực thôn Thanh Trung nói trên. Con bà H. là L. còn bị nhóm côn đồ chặn xe, đánh, ném trái chanh dây vào đầu và “cấm” không được đến mua chanh dây. Chưa hết, nhóm xăm trổ này còn đến tận vựa của nhà bà H. hù doạ, yêu cầu không được mua chanh dây ở nơi mà băng nhóm này đã bảo kê.
 
Theo phản ánh của các hộ dân trồng chanh dây và người mua, các nhóm côn đồ thường chọn những địa bàn, khu vực tập trung nhiều diện tích trồng chanh dây để hoạt động, hù dọa, buộc người trồng, mua bán chanh dây phải theo chúng hoặc phải chi tiền bảo kê với giá 1.000 đồng/kg.
 
 
PHẠM ANH