Mỹ, Trung khó đạt hòa hoãn
Giới phân tích dự đoán cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó mang lại đột phá trong quan hệ song phương.
Mỹ, Trung khó đạt hòa hoãn
Giới phân tích dự đoán cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó mang lại đột phá trong quan hệ song phương.
Container hàng Trung Quốc tại cảng Miami thuộc bang Florida (Mỹ) AFP
Ngày 3.11, tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) đưa tin Mỹ và Trung Quốc nhất trí tổ chức bữa tiệc tối giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sau Hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina từ ngày 30.11 – 1.12. Trước buổi tiệc, 2 nhà lãnh đạo cũng sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị G20.
Thông tin này được đưa ra 2 ngày sau khi Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập. “Tôi đã nói chuyện với Chủ tịch Tập vào hôm qua (ngày 1.11 – NV). Phía Trung Quốc rất muốn đạt một thỏa thuận”, Tổng thống Trump cho giới phóng viên hay hôm 2.11 (theo giờ Mỹ). Ông cho biết thêm: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tạo ra một thỏa thuận với Trung Quốc và tôi nghĩ đó sẽ là một thỏa thuận công bằng cho mọi người nhưng đồng thời cũng phải là một thỏa thuận tốt cho Mỹ”. Chủ nhân Nhà Trắng còn nhấn mạnh căng thẳng thương mại sẽ là một trong những trọng tâm thảo luận giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Buenos Aires, theo Reuters. Những diễn biến trên cho thấy Washington đã đạt mục tiêu là ép Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán về những mâu thuẫn trong quan hệ song phương, đặc biệt là về thương mại.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo khó tạo ra bước đột phá có thể dẫn đến hoà hoãn. “Kết quả khả dĩ nhất từ cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập sẽ là dừng đánh thuế lên hàng hoá của nhau, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc”, ông Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định với SCMP. Kể từ khi xung đột thương mại Mỹ – Trung bùng nổ vào tháng 7, hai bên đã đánh thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hoá của nhau. Tương tự, chuyên gia về Trung Quốc Derek Scissors tại Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ ở Washington D.C cũng tỏ ra nghi ngờ về triển vọng đạt thoả thuận có thể giúp giải quyết những vấn đề cơ bản làm leo thang xung đột thương mại song phương. Ông Scissors cho rằng việc Washington tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh về tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ sẽ hạ thấp triển vọng cho một thỏa thuận lâu dài. Hồi giữa tuần, tờ The Washington Post dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nhấn mạnh: “Gián điệp kinh tế của Trung Quốc nhắm vào Mỹ đang tăng một cách nhanh chóng. Đã đủ rồi. Chúng tôi sẽ không chịu đựng tình trạng này thêm nữa”.
Ngoài vấn đề thương mại, Mỹ và Trung Quốc cũng đang căng thẳng trong nhiều lĩnh vực khác, nhất là an ninh. Mới đây, Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence cáo buộc Trung Quốc cố can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ ở Mỹ, dự kiến diễn ra ngày 6.11 còn Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) Christopher Wray nhấn mạnh Trung Quốc là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ lớn hơn cả Nga”. Vì thế, giới quan sát cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Argentina vào tháng 12 sẽ không thể giúp hạ nhiệt căng thẳng. “Quan hệ song phương về những vấn đề chiến lược như Đài Loan, Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông – NV) và chạy đua vũ trang sẽ tiếp tục diễn ra và có nguy cơ leo thang”, Giáo sư Thời Ân Hoằng nhận định. Tương tự, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc James Zimmerman nói với SCMP: “Chúng ta sẽ xem điều gì diễn ra tại G20 nhưng tôi không lạc quan rằng sẽ có nhiều kết quả quan trọng đạt được từ sự kiện này”.
VĂN KHOA