23/01/2025

Quy hoạch lại sản xuất rau, hoa trong nhà kính

Với diện tích nhà kính khoảng 4.400 ha, nhà lưới 1.200 ha, tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

 

Quy hoạch lại sản xuất rau, hoa trong nhà kính

Với diện tích nhà kính khoảng 4.400 ha, nhà lưới 1.200 ha, tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
 
 
 
 
Vùng sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt, nhà kính nối tiếp nhà kính /// Lâm Viên

Vùng sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt, nhà kính nối tiếp nhà kính  LÂM VIÊN

 
Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết TP.Đà Lạt là địa phương đứng đầu về diện tích nhà kính với 2.760 ha (trồng hoa 1.510 ha, sản xuất rau 1.250 ha), tiếp đó là H.Lạc Dương (cạnh Đà Lạt) 1.200 ha, hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương có trên 180 ha/huyện, phần còn lại rải rác tại Lâm Hà, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc.
 
Hiệu quả vượt trội
Ông Đào Văn Toàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho biết sử dụng nhà kính sản xuất rau hoa có nhiều ưu điểm làm hạn chế các yếu tố bất lợi về điều kiện ngoại cảnh đến cây trồng như: lượng mưa, gió bão, mưa đá, sương muối, xói mòn, độ ẩm đất và ẩm độ không khí cao. Với nhà kính, có thể canh tác nhiều loại cây trồng ổn định quanh năm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Canh tác rau hoa trong nhà kính giảm được 30% lượng nước tưới và phân bón và giảm 70% chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể năng suất lao động tăng so với canh tác ngoài trời, do không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Quá trình đi lại chăm sóc cây trồng thuận lợi, quản lý được cỏ dại nhờ sử dụng màng phủ và canh tác trên giá thể không dùng đất. Thực tế cho thấy, nếu nông dân ở những vùng khác thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, thì tại Lâm Đồng giá trị sản xuất đạt trung bình 162 triệu đồng/ha/năm, sản xuất rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt từ 500 – 600 triệu đồng/ha/năm, đối với hoa đạt từ 800 – 1,2 tỉ đồng/ha/năm, cá biệt có những diện tích canh tác đạt 5 – 6 tỉ đồng/ha/năm.
 

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, từ năm 2010 đến nay diện tích nhà kính tại tỉnh này mỗi năm tăng thêm 300 – 350 ha. Tuy vốn đầu tư nhà kính khá cao, mức thấp nhất là 1,4 tỉ đồng/ha, trung bình 2,2 tỉ đồng/ha, cao nhất nhà kính nhập khẩu khoảng 20 tỉ đồng/ha. Để đảm bảo rau hoa có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp như Dalat Hasfarm, Pan Group, Dalat GAP… đều ứng dụng nhà kính để sản xuất rau hoa.

 
Nhiều tác động cần nghiên cứu
Cũng theo ông Toàn, canh tác rau hoa trong nhà kính bên cạnh những ưu điểm có những nhược điểm. Cụ thể, tính đa dạng sinh học trong nhà kính bị hạn chế, thành phần nhiều loài thiên địch trong nhà kính giảm so với môi trường tự nhiên. Một số côn trùng chích hút như bọ trĩ, bọ phấn, nhện đỏ gia tăng, các loài côn trùng tham gia thụ phấn giảm, ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả nếu không có biện pháp khắc phục. Môi trường không khí có thể bị ảnh hưởng nếu vùng nhà kính gần khu dân cư do người sản xuất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng xông hơi. Qua nghiên cứu của Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật, nhiệt độ trong nhà kính tăng so với môi trường bên ngoài từ 3 – 5 độ C, vì vậy nếu không quản lý tốt có thể ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển của cây trồng, đặc biệt là thời điểm ban trưa.
 
Mặt khác, hiện nay, khi du khách đến Đà Lạt có thể thấy nhà kính nối tiếp nhau, biến màu xanh đồng ruộng thành màu trắng của màng phủ, làm mất mỹ quan đô thị, mất đi những không gian xanh vốn có. Bên cạnh đó, lượng nước mưa không được thấm xuống tầng đất, chảy thẳng ra suối làm gia tăng nguy cơ ngập lụt cục bộ; mặt khác có khả năng làm giảm mực nước ngầm.
 
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng Đà Lạt là địa phương đứng đầu cả nước về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, tình trạng nhà kính, nhà lưới phát triển ồ ạt đã dẫn đến nhiều hệ luỵ, đặt ra vấn đề cấp bách cần giải quyết. Tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận những vấn đề liên quan đến nhà kính và đang thực hiện nghiên cứu những tác động của nhà kính đến môi trường Đà Lạt để có giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, nghiên cứu các loại cây trồng không cần dùng nhà kính nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao để người dân áp dụng.
 
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết Sở đã có khuyến cáo ngoài những khu vực nhà kính hiện hữu có những vùng không nên xây dựng nhà kính để đảm bảo cảnh quan môi trường. Sở đang xây dựng dự thảo quy định quy chuẩn kỹ thuật địa phương và định mức xây dựng công trình nhà kính, nhà lưới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với 7 mẫu nhà để UBND tỉnh phê chuẩn.
 
 
LÂM VIÊN