27/11/2024

Cấm học sinh sinh viên nói xấu nhà trường, thực hiện được không?

Câu chuyện đuổi học học sinh ‘nói xấu’ thầy cô trên Facebook của Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) và quy tắc ứng xử cấm sinh viên thực hiện hành vi này của Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

 

Cấm học sinh sinh viên nói xấu nhà trường, thực hiện được không?

Câu chuyện đuổi học học sinh ‘nói xấu’ thầy cô trên Facebook của Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) và quy tắc ứng xử cấm sinh viên thực hiện hành vi này của Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
 
 
 
 
 

Sinh viên năm nhất tham gia ngày hội tân sinh viên năm 2018 tại ĐH Quốc gia TP.HCM 
 /// Ảnh: Lê Thanh

Sinh viên năm nhất tham gia ngày hội tân sinh viên năm 2018 tại ĐH Quốc gia TP.HCM  ẢNH: LÊ THANH

 
Hạn chế khả năng phản biện của sinh viên?
Nhiều ý kiến cho rằng điều này góp phần làm hạn chế khả năng phản biện của người học vốn đang rất cần khuyến khích ở nước ta…
 
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên (SV) Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng SV có quyền được bày tỏ quan điểm, bởi qua đó nhà trường và thầy cô có cơ hội hiểu rõ hơn về mình. Nếu nói đúng, nhà trường ghi nhận và sửa sai. Nếu phản ánh chưa chính xác có thể nhắc nhở, cung cấp thêm thông tin để SV hiểu.


Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo – Công tác SV Trường ĐH Việt Đức, nói: “Hiện tượng này thực tế không xảy ra nhiều mà chỉ cá biệt một vài trường hợp. Nếu dùng đến từ “cấm” có vẻ quá nặng nề, rất nhạy cảm, lại khiến xã hội nhìn nhận hiện tượng này là phổ biến”.

 
“SV cần được khuyến khích tư duy phản biện, điều này không chỉ tốt trong học tập, nghiên cứu mà còn rèn luyện cho các bạn tính tự chủ và sáng tạo. Tất nhiên phản biện cần dựa trên tinh thần xây dựng”, tiến sĩ Huy chia sẻ.
 
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng nói: “Kỹ năng phản biện của người học cần được đặc biệt khuyến khích. Đây là một trong 4 kỹ năng cần thiết, tuy nhiên do không được dạy một cách đàng hoàng nên người học đôi khi bị nhầm lẫn giữa phản biện với phản đối”.
 
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, khẳng định trường không cấm quyền tự do phát ngôn của SV mà bộ quy tắc chỉ có tính chất định hướng văn hóa ứng xử của người học.
 
Ông Đạo cho rằng trường vẫn khuyến khích SV phản biện. Cụ thể trường đã tạo nhiều kênh để SV được nói lên ý kiến của mình như: hộp thư góp ý, một năm tổ chức 2 lần đối thoại trực tiếp SV…
 
Tuyên truyền, giáo dục thay vì cấm
Nhiều ý kiến cho rằng thay vì cấm đoán và xử lý thì nên hướng dẫn, tuyên truyền và giáo dục SV sẽ hiệu quả hơn.
 
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nêu quan điểm: “Xã hội ngày càng phát triển theo hướng mở, việc cấm đoán học sinh không được bày tỏ chính kiến về thầy cô, về nhà trường đến nay không còn phù hợp với thời cuộc nữa. Các em có quyền thể hiện quan điểm của mình, có quyền nói đến những mặt chưa tốt của thầy cô hay nhà trường. Vấn đề là phải giáo dục các em sử dụng quyền đó như thế nào cho đúng để không vi phạm pháp luật. Tự do ngôn luận nhưng không được xâm phạm, bôi nhọ người khác, không dùng ngôn từ kích động, lăng mạ, vu khống. Nếu các em nói đúng thì không gọi là “nói xấu”. Giảng viên cũng cần phải có đủ sự trưởng thành, cởi mở để lắng nghe, tiếp thu những góp ý đúng của người học”.
 
Tiến sĩ Đỗ Hùng Chiến, giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho rằng mạng xã hội là tự do, không nên cấm và cũng không cấm được. Giảng viên nếu bị “nói xấu”, thì trước tiên cần tìm hiểu những lời nói đó có đúng không, và đúng đến đâu để sửa. Còn về phía SV, cũng nên phản biện về thầy cô một cách tôn trọng dù là ở trên mạng xã hội, điều đó thể hiện tư cách và sự trưởng thành của mình.
 
Tạo cơ hội cho học sinh sửa sai
Học sinh (HS) đang ở lứa tuổi vị thành niên nên cần có những động thái nhằm tạo cơ hội cho các em nhận thức và sửa sai. Hình thức xử lý cần có tính chất răn đe và để những HS khác ý thức điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp trong môi trường học đường.
Thạc sĩ VŨ THỊ BÍCH THUÝ (Tổ trưởng Giáo dục công dân Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
 
Cần môi trường giáo dục dân chủ
Môi trường giáo dục phải thực sự dân chủ, nhà trường cần tạo nhiều kênh đối thoại với HS. Khuyến khích, động viên để HS mạnh dạn thể hiện chính kiến, quan điểm và suy nghĩ một cách tích cực nhất. Việc này cũng giúp nhà trường và giáo viên có điều kiện nhìn nhận lại quá trình giảng dạy của mình.
Thạc sĩ PHẠM PHƯƠNG BÌNH (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM)
 
Tạo diễn đàn
Nhà trường nên lập trang web và diễn đàn cho HS và phụ huynh góp ý kiến và bày tỏ thái độ… Ở mục diễn đàn có cả phần công khai và không công khai để thu thập ý kiến. Đây là cách ứng xử văn minh trong môi trường truyền thông số.
PGS-TS Nguyễn Văn Dững (Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông Học viện Báo chí 
và Tuyên truyền)
 
Bích Thanh – Tuệ Nguyễn (ghi)

 

HÀ ÁNH- MỸ QUYÊN