23/01/2025

Tại sao phải cấm học sinh ‘nói xấu’ giáo viên?

Trước những quy định và xử lý của một số trường học về việc học sinh, ‘nói xấu’ giáo viên, các chuyên gia giáo dục, nhà giáo đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

 

Tại sao phải cấm học sinh ‘nói xấu’ giáo viên?

Trước những quy định và xử lý của một số trường học về việc học sinh, ‘nói xấu’ giáo viên, các chuyên gia giáo dục, nhà giáo đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

 
 
 
Ảnh minh họa /// Đào Ngọc Thạch

Ảnh minh hoạ  ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Có thêm điều kiện dạy học sinh về văn hoá phản biện

Qua cách xử lý đuổi học học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) và vừa thu hồi quyết định, cho thấy trong môi trường giáo dục cách tốt nhất là đối thoại và cảnh cáo, chỉ bảo cho học sinh. Sở dĩ tôi đưa ra quan điểm này bởi trước hết, học sinh có quyền phản hồi, thể hiện thái độ, quan điểm của mình đối với thầy cô giáo và nhà trường. Đó là quyền được thể hiện chính kiến, quan điểm, quyền được nói.

Quyền này trong môi trường truyền thông số thì thường thể hiện trên mạng xã hội, theo các group, mà đây lại là group kín, tức là nhóm nhỏ, chưa có ý định công khai thì lại càng không được xử lý. Đấy là chưa nói đến việc “xem trộm điện thoại” của các em là xâm hại quyền riêng tư.

Song song với đó, việc phản hồi hay thực hiện quyền được bày tỏ chính kiến đối với cách ứng xử của nhà trường, của thầy cô là giúp nhà trường và thầy cô điều chỉnh để đáp ứng tốt nhất, phục vụ tốt nhất theo nguyện vọng chính đáng của học sinh.

 

 

Nhà trường nên lập trang web và diễn đàn cho tất cả học sinh và phụ huynh góp ý kiến,… Ở mục diễn đàn, có cả diễn đàn công khai và diễn đàn không công khai để thu thập ý kiến nhanh nhất có thể. Đây là cách ứng xử văn minh trong môi trường truyền thông số.

Và từ đó, thông qua phản hồi (tích cực và tiêu cực) trên mạng xã hội, chúng ta có thêm điều kiện dạy học sinh văn hóa phản biện.

PGS- TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí- Truyển thông Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Phải xác định chính xác hành vi để xử lý

Theo tôi, nếu học sinh phản ánh những chuyện tiêu cực thực sự diễn ra, có căn cứ khiến các em bức xúc thì việc làm này phải hiểu theo hàm nghĩa, các em bày tỏ, giải toả trên mạng xã hội. Như vậy nhà trường không thể hiểu đó là nói xấu để cấm và xử lý người học.

Còn nếu học sinh, sinh viên sử dụng theo đúng nghĩa đen của từ “nói xấu” là nói không đúng sự thật, làm mất hình ảnh nhà trường, thầy cô giáo thì tùy vào mức độ vi phạm để xử lý. Nhưng trong quá trình xử lý cần chú ý, mọi hình thức kỷ luật trong nhà trường đều phải mang tính răn đe, giáo dục và thay đổi nhận thức, hành vi.

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM)


Nếu quan điểm không đồng tình có lập luận và minh chứng thì không thể cấm

Hiện nay chưa có văn bản quy định rõ ràng, cụ thể về việc “nói xấu” trên mạng xã hội mà tùy vào quan điểm giáo dục của mỗi trường và có những định hướng trong giáo dục đạo đức cho học sinh.

Nếu là nói xấu, là nói không đúng sự thật thì đó là việc làm không tốt, không nên làm trong đời thường cũng như trên mạng xã hội.

Tuy nhiên nếu là những chia sẻ quan điểm không đồng tình với những lập luận và minh chứng rõ ràng thì nhà trường không thể cấm học sinh, sinh viên. Vì đó là quyền khiếu nại, tố cáo được pháp luật bảo vệ. Nếu nói điều không đúng sự thật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Giáo viên Lê Công Ký, Tổ trưởng tổ GDCD Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

 

BÍCH THANH