23/01/2025

Bộ ảnh về hành trình cận tử đầy xúc động của học sinh

13 bộ ảnh và clip do học sinh thực hiện kể về những hành trình của những người cận tử đang lan toả khiến người xem không khỏi xúc động.

 

Bộ ảnh về hành trình cận tử đầy xúc động của học sinh

13 bộ ảnh và clip do học sinh thực hiện kể về những hành trình của những người cận tử đang lan toả khiến người xem không khỏi xúc động.
 
 
 

Hình ảnh do học sinh thiết kế trong dự án /// Ngọc Nguyên

Hình ảnh do học sinh thiết kế trong dự án   NGỌC NGUYÊN

 

Những bộ ảnh hành trình cận tử

Đó là những sản phẩm do học sinh khối 12 Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) thực hiện trong một dự án có tên Sống thêm một cuộc đời – Memeto Mori với sự hướng dẫn của giáo viên Nguyễn Minh Ngọc, Phan Hoàng Ái Trân và Nguyễn Đình Vương

Dự án mở ra, dẫn dắt học sinh đến với một hành trình đặc biệt – hành trình của người cận tử thông qua những câu chuyện có thật được viết lại, kể lại trong 3 quyển sách nổi tiếng: Điểm đến của cuộc đời (tác giả Đặng Hoàng Giang), Bốp à, mẹ bị ung thư (tự truyện của tác giả Bùi Thu Thuỷ) và Khi hơi thở hóa thinh không (tự truyện của bác sĩ Paul Kalanithi).

Tham gia dự án, qua các tác phẩm, học sinh “lắng nghe chuyện đời của họ, sống thêm 1 cuộc đời của họ” và đóng vai trò là nhà diễn thuyết, nhà thiết kế và nghệ sĩ để chuyển tải chuyện đời họ đến cộng đồng bằng diễn thuyết, nhiếp ảnh, âm nhạc nhằm lan toả những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Lấy cảm hứng từ cuốn sách Khi hơi thở hoá thinh không, nhóm học sinh Phú Khanh, Kim Anh, Quang Huy, Hà My, Quỳnh Như, Thanh Tâm lớp 12I3 đã thực hiện bộ sách ảnh đầy sáng tạo. Các em tự lên ý tưởng cho bộ ảnh, tự chụp và chỉnh sửa, thiết kế cho bộ ảnh cũng như tự vào vai nhân vật và chuẩn bị đạo cụ. Đúng như nhan đề, sách ảnh chính là hình trình chạy đua với thời gian của Paul trong hơn 670 ngày cuối của cuộc đời để kiếm tìm ý nghĩa đích thực của sự sống. Khi đối mặt với hư vô, Paul đã trả lời được câu hỏi bao lâu khắc khoải “Rốt cuộc, điều gì là có ý nghĩa trong cuộc sống”.

Bộ ảnh về hành trình cận tử đầy xúc động của học sinh - ảnh 1

Học sinh tự phân vai và thực hiện hình ảnh từ nội dung tác phẩm  NGỌC NGUYÊN

 

Tương tự, từ cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời”, nhóm học sinh Christina, Châu Hân, Khánh Linh, Uyên Nhi, Hạo Nhiên, Anh Tuấn, Thiên Ân, lớp 12I2 đã thực hiện bộ ảnh có tên  ”Sống trọn” kể câu chuyện cuộc đời Liên, cô sinh viên trong sáng, giàu nghị lực, nhiều ước mơ phải nhận “bản án” ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ. Hành trình của Liên đưa ta đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc nhưng đọng lại vẫn là tinh thần lạc quan, thái độ chấp nhận một cách điềm tĩnh trước cái chết.

Rút cuộc, điều gì làm nên ý nghĩa cuộc sống?

Một phụ huynh khi xem những bộ ảnh trên đã chia sẻ: “Tôi tự hỏi không biết Paul sẽ có cảm xúc gì, khi cuốn sách của anh được các bạn học sinh ở Việt Nam xa xôi kể lại bằng hình ảnh. Hành trình hơn 670 ngày đi đến cái chết, đến thinh không của Paul đã không còn vô nghĩa khi anh giúp các bạn trẻ nhận ra ý nghĩa của những giá trị sống trong cuộc đời này. Và tôi mong các con tôi sẽ nghiêm túc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘Rút cuộc, điều gì làm nên ý nghĩa cuộc sống?'”.

Giáo viên Minh Ngọc kể rằng, không ít đồng nghiệp, phụ huynh đặt câu hỏi với nhóm giáo viên tổ chức dự án rằng: Tại sao lại chọn chủ đề “Ung thư – Cận tử – Sự sống – Cái chết” cho học sinh là các bạn trẻ 18 tuổi. Lý giải cho ý tưởng này, các giáo viên chia sẻ: Ở độ tuổi 18, học sinh đã bắt đầu đặt ra những câu hỏi mang ý nghĩa xác định mục tiêu cuộc đời như “Con người sống vì điều gì, Yếu tố nào làm nên giá trị cuộc sống?”. Việc trả lời những câu hỏi này sẽ giúp học sinh sống có mục tiêu, có trọng tâm và ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, quá trình trả lời câu hỏi phải đến từ bên trong mỗi cá nhân với sự thay đổi về tư duy, nhận thức. Để tác động vào quá trình này, một trong những cách thức của bộ môn văn là tạo điều kiện để học sinh suy ngẫm, trải nghiệm thông qua việc đọc những cuốn sách, những câu chuyện mang tính chất tự truyện.

Quá trình đọc – cảm nhận – suy nghĩ – viết ra – nói ra sẽ giúp học sinh nhận thức được giá trị của cuộc đời 5 nhân vật với gia đình, cộng đồng, xã hội, từ đó, học sinh sẽ tư duy về chính cuộc sống của mình, về con đường tạo nên giá trị cho bản thân, gia đình, xã hội.

Bộ ảnh về hành trình cận tử đầy xúc động của học sinh - ảnh 2

Hình ảnh do một nhóm học sinh thực hiện  NGỌC NGUYÊN

Là giáo viên âm nhạc, tham gia dự án với vai trò hướng dẫn học sinh xướng âm trong clip Nếu chỉ còn một ngày để sống, cô Phan Hoàng Ái Trân xúc động: “Mỗi lần học sinh cất lên câu hát Cho tôi như bóng mây…, là tim tôi lại đập thổn thức. Ý thơ đã đẹp, ý nhạc cũng dễ gây xúc động vô cùng. Một bài hát ý nghĩa, đồng hành cùng một dự án ý nghĩa, với những học sinh vô cùng tài năng, máu lửa, đầy tình thương cảm… Tôi cảm thấy đẹp cho cuộc đời giáo viên của mình…

Là những học sinh trực tiếp tham gia dự án, thực hiện bộ ảnh, nhóm học sinh Phú Khanh, Kim Anh… nói rằng, đây là cơ hội để thấu cảm với những con người đang rơi vào nghịch cảnh của cuộc sống. Để từ đó mỗi chúng ta biết nhận thức được điều quý giá của sự sống, biết trân quý sự sống và khao khát sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn.

 

BÍCH THANH