Giảm kẹt xe, ngập bằng đô thị vệ tinh
Đó là cách mà nhiều thành phố lớn trên thế giới đã làm để giải quyết bài toán giao thông, ngập lụt trong nội đô.
Giảm kẹt xe, ngập bằng đô thị vệ tinh
Kẹt xe, ngập nước gia tăng là những thách thức mà TP đang phải đối mặt ẢNH: ĐÌNH SƠN
Những kinh nghiệm này được chia sẻ tại hội thảo Quy hoạch đô thị TP.HCM – thực tiễn và đầu tư, do đài truyền hình VTV24 và Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP tổ chức sáng 30.10.
Không để người dân phải di chuyển quá nhiều
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa – Phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM, tổng vốn đầu tư để phát triển kinh tế xã hội của TP trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020 là hơn 2,1 triệu tỉ đồng. rong khi đó ngân sách TP chỉ đáp ứng được 9%. Giai đoạn từ năm 2016 -2020, TP có 7 chương trình đột phá, trong đó quan trọng nhất là giảm ngập nước và kẹt xe. Hiện TP đang chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng 85 dự án với 400.000 tỉ đồng và đang kêu gọi đầu tư 253 dự án với vốn 870.000 tỉ đồng.
Ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền Trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP), cho biết TP đang điều chỉnh quy hoạch chung. Trong điều chỉnh lần này, TP đặt ra chủ trương phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức.
“Trước đây TP đề ra 4 hướng, trong đó có 2 hướng chính là phía đông và nam, hướng phụ là tây bắc và tây nam. Thực tiễn cho thấy cần điều chỉnh nhằm kết nối với các vùng, tỉnh thành. Ưu tiên phát triển theo định hướng giao thông công cộng, điều tiết dân số, phân bố dân cư và nhà ở. Điều chỉnh quy hoạch chung sẽ tích hợp quản lý rủi ro ngập lụt, phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu”, ông Thảo nói.
Ông Michel Fanni, Giám đốc phát triển và cải tiến đô thị cho đô thị mới Marne La Vallee (Pháp), cho biết Paris (Pháp) trước đây cũng giống TP.HCM hiện nay là kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Để giải quyết vấn đề này, chính quyền đã quyết định xây dựng một số TP mới vệ tinh quanh thủ đô Paris. 5 TP xây dựng quanh Paris được phát triển mạnh giao thông công cộng như tàu điện ngầm, metro, tàu mặt đất… kết nối khu trung tâm. Đặc biệt quanh các trạm metro sẽ phát triển mạnh đô thị, bất động sản để thu hút đầu tư.
Một kinh nghiệm khác được các chuyên gia đưa ra là chỉ trong vòng 30 năm, Thượng Hải (Trung Quốc) đã xây dựng được một phố Đông trở thành trung tâm tài chính của thế giới. Để làm được điều này, chính quyền Trung Quốc đã lập ra một công ty quản lý, TP chỉ bỏ ra 10% tiền ngân sách, còn lại là vốn từ đất. Đất được cầm ở ngân hàng để lấy tiền giải phóng mặt bằng. Sau khi có đất sạch, đem đấu giá. Tiền thuế thu được thời gian đầu được để lại cùng với tiền bán đất dùng để xây dựng TP. Hiện nay với dân số lên đến khoảng 24 triệu người nhưng nơi đây vẫn ít xảy ra tình trạng kẹt xe, ngập nước nhờ hạ tầng được quy hoạch và phát triển bài bản ngay từ đầu và áp dụng công nghệ vào quản lý, vận hành TP.
Cam kết giảm phí “đen” cho doanh nghiệp
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận hạn chế lớn nhất của TP.HCM là quy hoạch. “TP phát triển nhưng không chủ động về quy hoạch, có những lúc phải “cắn răng” để vượt qua và đóng góp cho ngân sách. Đóng góp lớn nhưng mật độ giao thông của TP hiện thấp nhất cả nước. Chuẩn của cả nước là 1 km2 đất có ít nhất 10 km đường nhưng tỷ lệ này của TP mới đạt được 20%, tức 1 km2 đất mới có 2 km đường, thấp nhất cả nước. Một vấn đề nữa là ngập vì phát triển quá nhanh do lún và phát triển đô thị ồ ạt. Điều này khiến TP đang phải trả giá”, ông Tuyến cho hay.
Do đó, TP sẽ điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp công nghệ cao… TP mong muốn quy hoạch lần này sẽ trở thành cơ hội cho tất cả những nhà đầu tư trong và ngoài nước và không để người dân thiệt thòi.
“TP sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi giải quyết các vấn đề với dân để đưa Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính quốc tế, thu hút nguồn lực tài chính quốc tế. Phát triển đô thị thông minh, sáng tạo trong đó Q.Thủ Đức là nơi cung cấp nguồn nhân lực, Q.9 có khu công nghệ cao, Q.2 là môi trường để phát triển thương mại. Phát triển đô thị sinh thái ở Cần Giờ, đô thị cảng ở quận 9, 2, H.Nhà Bè. Phát triển đô thị giáo dục ở tây bắc, không chỉ là
1 trường mà là đô thị hoàn chỉnh để khi ra trường, sinh viên có thể làm việc, học tập và sinh sống tại đây. TP luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ, sẵn sàng tiếp xúc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là thủ tục hành chính. TP sẽ chấn chỉnh để giảm phiền hà, chi phí đen cho nhà đầu tư”, ông Tuyến cam kết.
ĐÌNH SƠN