28/11/2024

Học văn có lăn tăn?: Để học sinh nghe, nói, đọc, viết thành thạo

Từ thực tế dạy văn hiện nay, các giáo viên, chuyên gia xây dựng chương trình mới đều khẳng định cần phải thay đổi với những mục tiêu rõ ràng, gần gũi và thiết thực với người học hơn.

 

Học văn có lăn tăn?: Để học sinh nghe, nói, đọc, viết thành thạo

Từ thực tế dạy văn hiện nay, các giáo viên, chuyên gia xây dựng chương trình mới đều khẳng định cần phải thay đổi với những mục tiêu rõ ràng, gần gũi và thiết thực với người học hơn.
 
 
 
 

Một tiết học văn từ cuộc sống của HS Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM)
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một tiết học văn từ cuộc sống của HS Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM)  ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 
“Ăn nhưng không cảm nhận vị ngon”
 
 
 
 
Nếu không giúp HS phát triển được kỹ năng giao tiếp thì việc dạy học văn không có tác dụng gì đáng kể

 
 
PGS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

 

Một giáo viên (GV) dạy văn tại Hà Nội cho hay, chương trình môn ngữ văn cấp THPT nặng về kiến thức, thiếu những nội dung gắn với đời sống của người học khi tiếp cận văn bản. Ví dụ, chương trình ngữ văn (chuẩn) lớp 10 có 105 tiết/năm học và chương trình nâng cao là 140 tiết/năm. Trong đó, số tiết luyện tập thực hành ở chương trình chuẩn chỉ chiếm hơn 14%, còn chương trình nâng cao là hơn 15%. Mục tiêu của môn ngữ văn không xác định rõ được việc các em học văn để làm gì, thiếu hẳn việc trang bị những kỹ năng vận dụng kiến thức để các em bước vào cuộc sống.

Tại một hội thảo cấp quốc gia về dạy học môn ngữ văn trong trường phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức, GS Lê A, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chỉ ra rằng: nhiệm vụ quan trọng nhất của dạy học làm văn là làm sao học sinh (HS) trau dồi được năng lực tạo lập các văn bản cần thiết cho cuộc sống một cách hiệu quả. Tuy nhiên, theo GS Lê A, tổng cộng cả 2 lớp ở cấp THPT chỉ có 5/94 tiết dành cho dạy học nói trong bộ sách ngữ văn theo chương trình hiện hành. Xem ra chúng ta đã quá xem nhẹ việc trang bị cho các HS năng lực nói trong hoạt động giao tiếp.
 
PGS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng việc giảng dạy văn học hiện nay vẫn nặng về giảng giải nội dung tác phẩm, lịch sử văn học và tác giả; dạy học tiếng Việt vẫn tập trung vào cấu trúc ngôn từ. Chương trình quy định chi tiết nội dung cho từng cấp học và lớp học, chi tiết từng tác giả và tác phẩm… “Miếng cơm đã được nhai sẵn”, HS chỉ việc “đưa vào miệng”. Do vậy, các em được ăn nhưng không cảm nhận được vị ngon của món ăn.
 
Mục tiêu hàng đầu là rèn luyện kỹ năng giao tiếp
PGS Bùi Mạnh Hùng cho rằng, phải xác định mục tiêu căn bản và đặc thù của môn ngữ văn trong trường phổ thông. Đó là môn học giúp HS rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
 
Theo PGS Bùi Mạnh Hùng, nếu mục tiêu rèn luyện kỹ năng giao tiếp của môn ngữ văn không đạt được thì không có hy vọng thành công cho bất cứ mục tiêu nào. HS phải có kỹ năng và hứng thú đọc thì qua hoạt động đọc đó, văn học mới thực sự có tác động với người học. “Nếu không giúp HS phát triển được kỹ năng giao tiếp thì việc dạy học văn không có tác dụng gì đáng kể”, ông Hùng khẳng định.
 
GS Lê A cho rằng, tính thiết thực còn được thể hiện trong việc lựa chọn và phân phối thời gian cho các kiểu văn bản. Đại đa số HS phổ thông khi rời ghế nhà trường không còn chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn chương nhưng ở bất kỳ lĩnh vực nào, các em cũng cần có năng lực trình bày ý kiến, thuyết phục người khác tin và làm theo những điều mình cho là đúng.
 
Do vậy, chương trình và SGK mới cần dành thời gian phù hợp cho các nội dung thiết thực trên, bảo đảm một tỷ lệ hợp lý giữa dạy nói và dạy viết. Một trong những giải pháp về mặt thời gian là xem xét để mạnh dạn lược bớt những kiến thức không cần thiết…
 
PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn ngữ văn mới, cũng nhìn nhận: lâu nay, do truyền thống coi trọng văn chương, nên cứ nói đến môn ngữ văn là người ta nghĩ ngay đến việc môn này chỉ dạy các tác phẩm văn học… Mà ngay tác phẩm văn học cũng chỉ coi trọng những tác phẩm hư cấu (thơ, truyện, tiểu thuyết…), còn văn nghị luận và các loại văn bản khác ít được chú ý. Thế nên, nếu hỏi học xong bài thơ, thiên truyện hay tiểu thuyết thì ứng dụng được gì trong cuộc sống cũng thật khó chỉ ra cụ thể và có sức thuyết phục.
 
Ông Thống thông tin: Chương trình ngữ văn mới chủ trương học ngữ văn trước hết là học để có công cụ giao tiếp. Học để biết đọc, biết viết và biết nghe, nói có hiệu quả. Văn bản đọc sẽ gồm cả văn bản văn học, nghị luận và thông tin gần gũi, gắn với cuộc sống hằng ngày. Chương trình cũng yêu cầu HS biết cách viết các kiểu loại văn bản thông dụng, từ văn miêu tả, tự sự, nghị luận, biểu cảm đến các văn bản mang tính ứng dụng thường nhật như đơn từ, giấy phép, thư xin việc; cách viết quảng cáo cho một sản phẩm; cách phản biện để bảo vệ hoặc bác bỏ một ý kiến; cách giới thiệu một cuốn sách… Chương trình chú ý luyện tập cho HS trình bày, nói và nghe một cách tự tin, có hiệu quả.
 
Tuy nhiên, cũng theo ông Thống, sẽ là không ổn nếu dạy và học ngữ văn chỉ dừng lại ở đó, chỉ nhằm mục đích ấy. Bởi vì môn học này không chỉ có tính công cụ, mà còn mang đậm tính thẩm mỹ – nhân văn; giúp HS phát triển những phẩm chất cao đẹp…
 
Phải thay đổi đề kiểm tra
Bà Nguyễn Kim Anh, GV Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho rằng ngoài đổi mới về nội dung chương trình, phương pháp thì cũng rất cần đổi mới kiểm tra đánh giá môn ngữ văn bằng cách ra đề gắn với thực tế. Câu hỏi yêu cầu HS phải vận dụng kiến thức vào các tình huống mới. Yêu cầu HS phải am hiểu nhiều hơn là ghi nhớ những khái niệm thông tin. PGS Bùi Mạnh Hùng cũng cho rằng, nếu chương trình mới xây dựng dựa trên kỹ năng giao tiếp và không khép kín những tác giả và tác phẩm cần dạy và học trong nhà trường thì cách thức đánh giá chắc chắn sẽ có những thay đổi đáng kể, hướng nhiều hơn tới việc đánh giá năng lực và kỹ năng của HS, chứ không kiểm tra kiến thức và khả năng ghi nhớ.

 

TUỆ NGUYỄN