25/01/2025

Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu do cỏ kế đồng

Đó là cảnh báo được đưa ra tại hội nghị gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp, nhà khoa học do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 17.10.

 

Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu do cỏ kế đồng

Đó là cảnh báo được đưa ra tại hội nghị gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp, nhà khoa học do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 17.10.
 
 
 
 

Cỏ kế đồng (ảnh nhỏ) đặc biệt nguy hại đến môi trường, sản xuất nông nghiệp  /// Ảnh: Công Hân - Cục BVTV cung cấp

Cỏ kế đồng (ảnh nhỏ) đặc biệt nguy hại đến môi trường, sản xuất nông nghiệp  ẢNH: CÔNG HÂN – CỤC BVTV CUNG CẤP

 
Gây hại nguy hiểm, khó phòng trừ

Theo các chuyên gia, VN sẽ mất dần thị trường xuất khẩu nông sản hoặc bị kiểm tra gắt gao nếu để cỏ kế đồng xâm nhập. Đây là loại cỏ nguy hại, nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm, kiểm soát chặt chẽ ngăn chặn thực vật này xâm nhập lãnh thổ thông qua hàng hóa nhập khẩu. 

 
 
Theo TS Dương Minh Tú, đã có 40 quốc gia bị cỏ kế đồng xâm lấn và gây hại đồng cỏ chăn nuôi, đặc biệt là gây hại nghiêm trọng cho 27 loại cây trồng (bắp, đậu tương, cà chua, bầu bí, khoai tây…). Nhiều nước như Brazil, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Mexico, Campuchia, Israel… xếp cây này vào danh mục đối tượng kiểm dịch. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng xếp cỏ kế đồng vào nhóm 1 – các loài cỏ gây hại nguy hiểm và khó phòng trừ.

 

 

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), cho biết lô lúa mì đầu tiên có hạt cỏ kế đồng nhập khẩu vào VN được phát hiện từ đầu tháng 5. Ngay sau đó, Cục có thông báo đến các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu lúa mì để phối hợp đối tác xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước cùng kiểm soát, xử lý nhưng tình hình không được cải thiện mà vi phạm có xu hướng gia tăng. Đến tháng 8, Cục BVTV ghi nhận có khoảng 1,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu có chứa hạt cỏ này.
 
Theo TS Dương Minh Tú, Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm kiểm dịch thực vật (Cục BVTV), cỏ kế đồng là đối tượng kiểm dịch thực vật của VN vì có khả năng xâm hại cao. Qua các kiểm chứng khoa học được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận, đây là loại cỏ lưu niên sinh sản có thể cao 1,5 m, lây lan nhanh từ thân, rễ cây. Mỗi cây có thể tạo ra khoảng 5.000 hạt, hạt nằm trong đất hoặc nước 20 năm vẫn có thể nảy mầm. “Cỏ này cũng xâm lấn trực tiếp các loài cỏ bản địa nhưng lá có nhiều gai nhọn, gia súc không thể ăn, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn chăn nuôi tự nhiên. Cây cỏ này có thể tiết ra chất độc ức chế sự phát triển của cây khác”, TS Tú nói.
 
Chưa áp dụng tái xuất lúa mì có cỏ kế đồng

Trước tình trạng nhiều lô hàng lúa mì bị phát hiện có cỏ gia tăng, Chi cục Kiểm dịch bảo vệ thực vật vùng I và vùng II (thuộc Cục BVTV) thông báo đến một số DN từ ngày 1.11 tới sẽ áp dụng biện pháp tái xuất, đã tạo ra những phản ứng trái chiều trong cộng đồng DN nhập khẩu lúa mì. Ông Lê Văn Thu, Phó giám đốc Công ty bột mì Bình Đông, bày tỏ 2 tháng qua, DN này không mua được lúa mì do lo ngại nếu nhập về phát hiện cỏ mà phải tái xuất thì thiệt hại cho DN, khi giá trị mỗi lô hàng lên tới hàng trăm tỉ đồng. Trong khi đây là thời điểm các DN phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu sản xuất cuối năm và 6 tháng đầu năm sau nên thiệt hại của DN sản xuất lẫn kinh doanh rất lớn. Ông Thu kiến nghị lùi thời hạn áp dụng tái xuất các lô hàng có nhiễm cỏ từ 3 – 6 tháng để DN đàm phán với đối tác, có thời gian tìm kiếm giải pháp thay thế. Ở cấp quốc gia, ông Thu kiến nghị Cục BVTV phối hợp với các quốc gia đưa ra giải pháp kiểm soát ngay từ đồng ruộng.

 
Chuyên gia nghiên cứu về cỏ dại, PGS-TS Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật VN, cho rằng cần phải nhìn nhận câu chuyện cỏ kế đồng ở khía cạnh bảo vệ lợi ích quốc gia nói chung chứ không phải chỉ có lợi ích của DN. Đây là loài cỏ nguy hại, nếu để xâm nhập vào VN là đe doạ, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đời sống của hàng chục triệu nông dân.
 
PGS-TS Nguyễn Kim Vân ủng hộ kiểm soát chặt chẽ, không để cỏ này xâm nhập vào VN.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, khẳng định trong số 4 triệu tấn lúa mì nhập khẩu thì có 1,6 triệu tấn phát hiện có cỏ kế đồng nghĩa là vẫn có nhiều lô hàng đáp ứng yêu cầu kiểm dịch, DN vẫn được nhập khẩu. Thực tế có tình trạng DN thờ ơ, phó mặc các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề xử lý dẫn tới các lô hàng vi phạm gia tăng. Ông Trung khẳng định, Cục BVTV cũng như Bộ NN-PTNT chưa có bất cứ quy định nào về việc tạm dừng, ngừng nhập khẩu lúa mì mà chỉ có thông báo áp dụng tái xuất lô hàng có cỏ kế đồng đúng quy định của pháp luật VN và thông lệ quốc tế.
 
“Xử lý cỏ kế đồng phải nhìn vào lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, lợi ích của toàn ngành sản xuất nông nghiệp, môi trường. DN không thực hiện xử lý các lô hàng nhiễm cỏ kế đồng thì trước sau cũng phải tái xuất”, ông Trung nêu quan điểm.
 
Cũng theo ông Trung, Cục BVTV tạm thời chưa áp dụng biện pháp tái xuất các lô hàng kể từ ngày 1.11 tới. Nhưng hiện tại nguy cơ cỏ kế đồng xâm nhập vào VN là rất cao, Cục BVTV sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT trong trường hợp cần thiết sẽ dừng nhập khẩu để bảo vệ lợi ích chung của toàn ngành nông nghiệp. “Khi nào áp dụng tái xuất hoặc các biện pháp khác, Cục BVTV sẽ có thông báo đến các nước xuất khẩu trước 2 tháng, thông báo cho DN trước 1 tháng”, ông Trung nói.
 
 
PHAN HẬU