24/01/2025

Nội trú – góc khuất sau cổng trường: Vượt…trường

Cuộc sống trong trường nội trú gò bó, cách ly với thế giới bên ngoài thường khiến học sinh bức bối. Mỗi khi có cơ hội, các em không ngần ngại bỏ trốn…

 

Nội trú – góc khuất sau cổng trường: Vượt…trường

Cuộc sống trong trường nội trú gò bó, cách ly với thế giới bên ngoài thường khiến học sinh bức bối. Mỗi khi có cơ hội, các em không ngần ngại bỏ trốn…
 

 

 

Khi học sinh không được đối xử bằng tình thương và bị phủ đầu bằng đòn roi ngay khi vào trường, các em sẽ luôn nuôi ý định bỏ trốn /// Ảnh: Lam Ngọc

Khi học sinh không được đối xử bằng tình thương và bị phủ đầu bằng đòn roi ngay khi vào trường, các em sẽ luôn nuôi ý định bỏ trốn   ẢNH: LAM NGỌC

 
Cửa kín, tường cao, về nhà thì chẳng khác nào chui đầu vào rọ bởi nhà trường thường liên lạc với phụ huynh ngay khi học sinh bỏ trốn nên hầu hết các cuộc tẩu thoát của học sinh đều thất bại. Khi bị bắt về, dù quản nhiệm sử dụng hình phạt nào, học sinh đều phải chấp nhận.
 
Bị lừa vào trường
Trưa 25.7, cả khu nội trú Trường THPT P.H (Q.12) nháo nhào vì tin học sinh mới bỏ trốn. Em này tên N.V.H (học sinh lớp 12) đã từng du học ở Mỹ một năm, mới vào trường được vài ngày nhưng không chịu nổi nên nhân lúc bảo vệ lơ là đã chạy khỏi trường. Cuộc chạy trốn diễn ra ngay trước mắt giáo viên trong trường nên học sinh này nhanh chóng bị bắt lại. Trong lúc N.V.H bị đưa về phòng trực ban, B.T.T (học sinh lớp 10) khẳng định: “Thằng này chắc chắn phải ăn “combo” (gồm đánh, đấm, bạt tai, lên gối). Tao từng trốn trường nên biết. Bị bắt lại chỉ có nước bầm mình”. Ngay trưa hôm sau, cả khu nội trú lại tiếp tục xôn xao vì cùng lúc có 5 học sinh lên kế hoạch bỏ trốn.
 
Nội trú - góc khuất sau cổng trường: Vượt…trường - ảnh 1
Trước giờ đi ngủ, ăn cơm, vào học… học sinh nội trú đều phải xếp hàng điểm danh

 
Mới đầu năm học, sao học sinh bỏ trốn nhiều như vậy? Đặt câu hỏi, tôi lập tức được nghe học sinh giãi bày. Hầu hết các em đều bị dụ vào trường chứ rất ít người tự nguyện. Bạn nào thích trang điểm thì được ba mẹ dụ cho đi học trang điểm rồi đưa vào trường, bạn thích chơi game sẽ được ba mẹ nói đưa vào trường lập trình game. Nếu em nào nghi ngờ, ba mẹ không dụ được thì thầy cô sẽ giả làm an ninh mạng tới bắt…
 
“Vì bị lừa nên phần lớn học sinh rất bất mãn. Hơn nữa, trường cấm học sinh sử dụng điện thoại, internet nên ngoài việc học không có gì để giải trí. Bởi vậy mỗi khi có cơ hội, tụi con thường bỏ trốn”, T.N.T (học sinh lớp 9) cho biết.
 
Nhân chuyện đó, Nguyễn Thanh Thảo (học sinh lớp 10) nhớ lại: “Hồi tết, con vừa đi chơi về thì mẹ nói đi xem trường với mẹ. Con không mang theo đồ cá nhân, chỉ xách theo túi đồ trang điểm và điện thoại. Tới trường, do vẫn mơ màng nên ai dắt đi đâu con cũng đi theo. 3 giờ sau con “tỉnh táo” thì trường thông báo mẹ về rồi. Xuống nhà ăn con mới biết đây là trường nội trú dành cho học sinh “cá biệt”. Hỏi thăm mấy bạn khi nào được về thì như bị dội gáo nước lạnh: cỡ mày chắc 4 – 5 tháng”.
 
Từ đó Thảo luôn nghĩ đến chuyện trốn trường. Em nhớ lại: “Hồi ở cơ sở cũ, phòng tụi con chẳng khác gì nhà trọ. Quanh phòng được bao bằng song sắt, cả ngày ở phòng chẳng thấy một bóng xe. Là chân đi, ham chơi mà khi vào nội trú bị quản chặt nên con có cảm giác như mình đang ở tù. Nhân một lần mẹ cho về nhà chơi, hôm trở lại trường, con nhảy xe bỏ trốn. Hôm đó là thứ hai, cô quản nhiệm nhắn hỏi con khi nào về, con hẹn thứ sáu. Đúng hẹn thứ sáu con có mặt ở trường”.
 
2 lần tự tử
 
 
Nội trú - góc khuất sau cổng trường: Vượt…trường - ảnh 2
Em mong giáo viên quản nhiệm hiểu tâm lý, quan tâm học sinh nhiều hơn, xử lý mọi việc công bằng hơn. Điều em thích nhất là hạnh phúc, vui vẻ”

 
 
Học sinh Nguyễn Kim Thơ
 

Trong thời gian làm giáo viên quản nhiệm tại Trường T.V.S (Q. Thủ Đức), một lần tôi vô tình nhặt được tờ khảo sát nằm dưới nền nhà. Tờ khảo sát ấy ghi tên Nguyễn Kim Thơ (18 tuổi, học sinh lớp 12). Mục 36 tờ khảo sát hỏi về mong muốn của học sinh, Thơ viết: “Em mong giáo viên quản nhiệm hiểu tâm lý, quan tâm học sinh nhiều hơn, xử lý mọi việc công bằng hơn. Điều em thích nhất là hạnh phúc, vui vẻ”. Mong muốn của Thơ cũng là mong muốn của nhiều học sinh khác trong trường.

Trong trí nhớ của một số học sinh trường này vẫn luôn ám ảnh cái tên Đ.T.T.Lam – cô bé hai lần tìm đến cái chết ngay khi mới vào trường. Lần một, Lam dùng dao cắt mạch máu. “Hôm đó, Lam vào trường ngày đầu tiên. Buổi chiều bạn ấy vẫn bình thường nhưng tới sáng hôm sau cả phòng hoảng hốt khi phát hiện vết máu đã đông cứng bắn tung toé dưới sàn nhà. Một học sinh vội bế bạn xuống phòng y tế sơ cứu trước khi đến bệnh viện cấp cứu. Xem lại camera mới biết Lam cắt mạch máu từ 22 giờ khuya hôm trước nhưng không ai hay”, N.T.T (học sinh lớp 10) vẫn không thôi ám ảnh khi nhớ lại.
 
Thoát chết lần một với di chứng là bàn tay từng bị cắt mạch máu không thể cầm nắm được nữa nhưng Lam vẫn nuôi ý định tự tử. Một buổi tối như mọi ngày, cả phòng đi ăn cơm, Lam không đi. Ăn xong về phòng không thấy Lam đâu, học sinh chia nhau đi tìm thì phát hiện rèm trong nhà vệ sinh đã được kéo lại. Lam đang cố gắng thắt cổ bằng sợi dây giày, cổ đã rớm máu và trầy xước. Lần này dù thoát chết nhưng Lam trở nên trầm lặng hẳn, cánh tay em cũng không còn được bình thường nữa. Khoảng bảy tháng sau thì cô bé được đón về nhà. (còn tiếp)
 
Nhảy lầu “vượt ngục” bị gãy chân
Cô bé Mỹ Linh (học sinh lớp 9 Trường nội trú T.V.S, Q.Thủ Đức) tâm sự: “Ở nhà được ngủ trong đệm êm, ăn cơm cùng gia đình. Ở nội trú như một thế giới khác, không có ý nghĩa nào cả. Con chỉ ước rằng mình chưa từng hư để không phải vào học nội trú. Con mà về được, con sẽ trốn lên sân thượng khóa cửa lại ở trên đó tới khi nào ba mẹ đồng ý cho con ở nhà mới thôi”, Linh nói.
 
Liều lĩnh hơn, T.T.Hiên (học sinh lớp 11 Trường T.V.S, Q.Thủ Đức) còn đập cửa kính nơi trường học trên lầu 1 nhảy xuống với ý định tẩu thoát. Không may, khi nhảy xuống Hiên bị gãy chân và chấn thương do kính đâm, phải khâu 16 mũi.

 

LAM NGỌC