24/01/2025

Ả Rập Xê Út đối diện nguy cơ khủng hoảng

Nghi án nhà báo Jamal Khashoggi bị đặc vụ Ả Rập Xê Út sát hại có thể làm rạn nứt mối quan hệ giữa chính quyền Riyadh và phương Tây.

 

Ả Rập Xê Út đối diện nguy cơ khủng hoảng

Nghi án nhà báo Jamal Khashoggi bị đặc vụ Ả Rập Xê Út sát hại có thể làm rạn nứt mối quan hệ giữa chính quyền Riyadh và phương Tây.
 
 
 

 
BBC hôm qua dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steve Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox có thể sẽ không tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai 2018 (FII 2018) do thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman tổ chức tại thủ đô Riyadh từ ngày 23 – 25.10. Hội nghị năm ngoái thu hút khoảng 3.800 người từ hơn 90 nước, được ca ngợi là thành công vang dội mang đậm dấu ấn của thái tử Mohammed với nhiều phiên thảo luận về sáng kiến cải cách kinh tế, thu hút đầu tư vào Ả Rập Xê Út và rút ngắn khoảng cách với phương Tây.
 
Thông tin về việc Anh, Mỹ có thể tẩy chay hội nghị năm nay xuất hiện trong bối cảnh Ả Rập Xê Út bị Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ đã cử đặc vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi dù chính quyền Riyadh luôn bác bỏ cáo buộc. Ông Khashoggi sống ở nước ngoài trong hơn một năm qua sau khi nhiều lần chỉ trích các chính sách của Ả Rập Xê Út. Ông mất tích hôm 2.10 sau khi vào Lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul để làm giấy tờ. Cũng trong hôm qua, Công đảng Anh tuyên bố sẽ yêu cầu chính phủ dừng bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út nếu kết quả điều tra cho thấy nước này dính líu đến vụ mất tích hoặc sát hại ông Khashoggi. Về phía Mỹ, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow cho hay Bộ trưởng Mnuchin sẽ quyết định về việc tham dự FII sau khi có thông tin mới về vụ việc. Bên cạnh đó, các nguồn tin cho biết đại diện ngoại giao Mỹ và châu Âu đang thảo luận về một tuyên bố chung để lên án nếu có kết luận đặc vụ Ả Rập Xê Út giết ông Khashoggi.
 
Hiện nhiều nhà tài trợ và hãng truyền thông lớn quyết định rút khỏi FII 2018, trong đó có Financial Times, The New York Times, CNN, CNBC và Bloomberg. Chưa hết, tỉ phú Anh Richard Branson tuyên bố tạm thời đình chỉ hợp tác với Ả Rập Xê Út. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14.10, chứng khoán Ả Rập Xê Út hôm qua lao dốc đến 7%, mức giảm nhiều nhất kể từ năm 2014 do các nhà đầu tư lo ngại về quan hệ giữa Riyadh với quốc tế đang xấu đi, theo Reuters.
 
Theo giới quan sát, nếu tiếp tục kéo dài, vụ nhà báo Khashoggi có thể biến thành cuộc khủng hoảng đối với Ả Rập Xê Út cũng như làm sụp đổ hình ảnh cải cách và tiến bộ của thái tử Mohammed. “Đó sẽ là một cú giáng mạnh vào nỗ lực của Ả Rập Xê Út nhằm tạo dựng hình ảnh mới và phát triển quan hệ với phương Tây”, AFP dẫn lời chuyên gia Kristian Ulrichsen tại Viện Chính sách công James A. Baker (Mỹ) nhận định. Trong khi đó, Hãng thông tấn SPA của Ả Rập Xê Út hôm qua dẫn lời giới chức nước này khẳng định sẽ đáp trả mọi lệnh trừng phạt kinh tế liên quan đến vụ việc.
 
 
KHÁNH AN