CNN ngày 4.10 dẫn lời giới chức quốc phòng giấu tên tiết lộ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đề xuất tiến hành chiến dịch diễn tập quy mô lớn trong khu vực. Chiến dịch dự kiến kéo dài 1 tuần trong tháng 11 với sự tham gia của nhiều tàu chiến, máy bay và binh sĩ Mỹ. Theo đề xuất, lực lượng Mỹ sẽ hoạt động gần vùng biển Trung Quốc áp đặt tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông và đi qua eo biển Đài Loan nhằm duy trì quyền tự do hàng hải, hàng không. Nguồn tin cho biết thêm tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ dự kiến sẽ hoạt động áp sát lực lượng Trung Quốc nhưng sẽ tránh va chạm. Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin này với lý do không thể phát ngôn về những kế hoạch chưa diễn ra.
“Không dễ doạ dẫm”
Cũng trong ngày 4.10, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông. Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hudson (trụ sở tại Washingon D.C), ông Pence nhắc lại vụ tàu Trung Quốc áp sát tàu khu trục Mỹ USS Decatur gần đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa và gọi đây là hành động “quấy rối liều lĩnh”. Hôm 30.9, tàu USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đá Ga Ven và Gạc Ma trong hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, theo Reuters. Đây là 2 trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.
“Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ không dễ bị dọa dẫm”, CNN dẫn lời ông Pence nhấn mạnh. Bên cạnh đó, phó tổng thống Mỹ lặp lại cáo buộc của Tổng thống Donald Trump về nghi vấn Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch tăng cường sức ảnh hưởng nhằm gây chia rẽ nội bộ và can dự vào nền chính trị Mỹ.
Cô lập thương mại
Về thương mại, xung đột Mỹ -Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau hàng loạt hành động áp thuế trả đũa qua lại. Tuy nhiên, cán cân có vẻ đang nghiêng về Washington sau khi Tổng thống Trump gặt hái nhiều kết quả khả quan. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), trong Thỏa thuận thương mại Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) vừa được ký kết có điều khoản đặc biệt quy định nếu một trong 3 bên tham gia bất kỳ cuộc đàm phán thương mại tự do nào với một “nền kinh tế phi thị trường” dù ở giai đoạn đầu, thì cũng đều phải thông báo cho 2 nước còn lại để cùng xem xét. Tuy quy định không nêu tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào nhưng các nhà phân tích cho rằng mục đích nhắm thẳng vào Trung Quốc vì đến nay Mỹ và EU vẫn từ chối công nhận nước này có “nền kinh tế thị trường”.
Với sức mạnh mới trong việc xem xét, cản trở hoặc phủ quyết các thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Trung Quốc với Canada hoặc Mexico, chính quyền Washington hoàn toàn có thể ngăn chặn “các kênh không chính thức” giúp hàng hóa của đối phương thâm nhập thị trường Mỹ thông qua các nước láng giềng, đồng thời đạt được lợi thế đáng kể khi đàm phán với Bắc Kinh trong tương lai. Hơn nữa, theo giới chuyên gia, Mỹ hoàn toàn có thể đưa điều khoản tương tự vào các thỏa thuận đang được đàm phán với EU và Nhật Bản, ngăn chặn Trung Quốc bắt tay với những đối tác này.
SCMP dẫn lời Giáo sư Song Eui-young tại Đại học Sogang (Hàn Quốc) nhận định điều khoản đặc biệt nói trên là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tạo ra một “liên minh kinh tế” để cô lập Trung Quốc. Trước đó, Tổng thống Trump “gây hấn” với hầu như tất cả mọi đối tác thương mại của Mỹ nhằm ép họ đàm phán lại các thỏa thuận song phương. Giờ đây, ông đã đạt được USMCA và thoả thuận thương mại mới với Hàn Quốc còn Nhật Bản đồng ý đàm phán. Từ những cơ sở này, chủ nhân Nhà Trắng có thể thay đổi chiến lược ban đầu, “hướng tới đoàn kết châu Âu, Nhật Bản và Canada thành một liên minh kinh tế chống lại Trung Quốc”, theo Giáo sư Song.
Tương tự, ông Arthur Kroeber, đồng sáng lập Hãng tư vấn Gavekal Dragonomics, lưu ý USMCA có thể kết thúc lập trường “chiến đấu với tất cả mọi người” của Tổng thống Trump. Thay vào đó, Washington sẽ chỉ tập trung vào một đối thủ duy nhất. “Mỹ đã thu gọn cuộc chiến kinh tế vào một chiến trường duy nhất, nhưng đó sẽ là một trận chiến dài”, ông Kroeber nói.
PHÚC DUY – PHƯƠNG ANH