Hệ luỵ tức thời của xung đột thương mại Mỹ – Trung
Hệ luỵ tức thời của xung đột thương mại Mỹ – Trung
Biện pháp áp thuế theo kiểu ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các doanh nghiệp phải tăng chi phí cao hơn.
Dây chuyền sản xuất ô tô tại một nhà máy ở Sơn Đông, Trung Quốc REUTERS
Ngày càng nhiều công ty có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, bao gồm cả các tập đoàn đa quốc gia, phải tăng giá giữa lúc xung đột thương mại Mỹ – Trung có dấu hiệu ngày càng tăng nhiệt. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại lạm phát gia tăng có thể sẽ dẫn đến việc thắt chặt hơn chính sách tiền tệ, làm tổn thương cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo tờ Nikkei Asian Review.
Tại tỉnh Giang Tô, Hãng Kunshan Huizhong Machine đang phải chật vật trước mức thuế 25% của chính quyền Washington áp lên phụ tùng ô tô hãng này xuất khẩu sang Mỹ. Công ty đã quyết định gánh 15% thuế và đẩy 10% còn lại cho khách hàng doanh nghiệp Mỹ bằng cách tăng giá bán. Tương tự, đối với công ty linh kiện điện tử Nhật Bản TDK, một số mặt hàng sản xuất tại nhà máy đặt ở Trung Quốc, bao gồm tụ điện và máy biến áp, cũng trở thành mục tiêu cho thuế quan Mỹ. “Chúng tôi buộc phải tăng giá và hiện khách hàng đang chấp nhận”, Phó chủ tịch cấp cao Tetsuji Yamanishi của TDK cho hay.
Đối với nhiều công ty, tăng giá được xem là giải pháp thay thế nhanh hơn và ít tốn kém hơn so với thay đổi chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tự động, đòi hỏi phải duy trì các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Theo Nikkei Asian Review, giới quản lý Hitachi Automotive Systems, hãng sản xuất phụ tùng ô tô của Hitachi (Nhật Bản), ước lượng việc thay đổi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc có thể mất đến vài năm.
Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất ô tô nước ngoài tại Trung Quốc đã tăng giá xe nhập khẩu từ Mỹ để giảm thiểu mức thuế cao mà họ phải đối mặt. Tesla, hãng xe điện Mỹ đang xây nhà máy sản xuất ô tô nước ngoài đầu tiên ở Thượng Hải, đã tăng giá khoảng 20% đối với mẫu sedan Model S và mẫu xe thể thao đa dụng Model X. BMW và Mercedes-Benz Daimler cũng tăng giá các mẫu SUV được sản xuất ở Mỹ. Mới đây, BMW hạ mức dự báo thu nhập năm 2018 vì “các xung đột thương mại quốc tế đang diễn ra” và những yếu tố khác.
Trong tình hình này, một số chuyên gia lo ngại giá nhập khẩu cao hơn có thể đẩy mạnh lạm phát, vốn đã tăng ở Mỹ và Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 6.2018 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong hơn 6 năm qua. Giá cả hàng hóa ở Trung Quốc cũng leo thang đáng kể và sẽ còn tiếp tục. Bên cạnh đó, theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Mỹ, trong giai đoạn thuế quan tiếp theo nhằm vào Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump, hàng tiêu dùng sẽ chiếm 40% mục tiêu bị đánh thuế, tăng so với mức 24% trong vòng thuế mới nhất có hiệu lực từ ngày 24.9. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Trump hạn chế áp thuế lên một số sản phẩm nhất định có linh kiện được sản xuất ở Trung Quốc, chẳng hạn như đồng hồ thông minh Apple Watch, vì e ngại làn sóng phản ứng dữ dội từ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, số hàng hoáày có nguy cơ không tránh khỏi nguy hiểm trong giai đoạn thuế quan tiếp theo.
Nếu tỷ lệ lạm phát vượt tầm kiểm soát và kéo theo nhu cầu thắt chặt tiền tệ, cả hai nền kinh tế đều không tránh khỏi tổn thương. Nikkei Asian Review dẫn lời chuyên gia Gabriel Sterne thuộc Hãng tư vấn Oxford Economics của Anh cảnh báo chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn ở Mỹ có thể làm mất ổn định nền kinh tế toàn cầu.
PHƯƠNG ANH