Giảm giá mạnh để xả hàng tồn kho ?
Hơn 9 giờ sáng, tại cửa hàng Thế Giới Di Động trên đường Lý Thường Kiệt (TP.HCM), có 6 khách hàng đang xem sản phẩm điện thoại và mua phụ kiện. Lát sau, một khách nữ trẻ rời quầy trưng bày điện thoại của Samsung, hỏi nhân viên bán hàng về chiếc Xperia XA1 của Sony có giá 4,49 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa đầy 1 phút sau, nữ khách hàng đó lại quay lại chiếc Galaxy J7 của Samsung cùng giá. Khách hàng nữ trẻ tuổi sau đó giới thiệu tên là Thanh Thủy, đang học năm thứ 2 tại Đại học Bách khoa TP.HCM, nhận xét: “Sony chụp nét hơn nhưng hình như sắp ngưng sản xuất nên sẽ không chọn”, Thủy cho biết. Người bạn đi cùng Thủy nói thêm điện thoại Sony đang có khuyến mãi nhưng giới trẻ không chuộng vì không thời trang, và ngại sau này không biết bảo hành thế nào nếu hãng rút khỏi VN.
Như để thanh minh cho nhận xét của khách, nhân viên kinh doanh tại đây khẳng định Sony vẫn tiếp tục kinh doanh bình thường. “Sony mạnh ở mảng phụ kiện, ti vi nhưng điện thoại bán chậm. Thực tế phần mềm của Sony có rất nhiều ứng dụng tốt nhưng do sở thích và thị phần của người Việt chưa thể hiểu hết. Giới trẻ chỉ thích sử dụng những mẫu hàng thông dụng như Samsung, iPhone, Oppo… nên thậm chí không quan tâm đến các thương hiệu khác”, nhân viên tên Thắng giải thích nhưng cũng thừa nhận ngay tuần giảm giá đến 30% vào đầu tháng 9, số lượng được bán ra của Sony cũng hết sức khiêm tốn. “Có bán được 2 chiếc nhưng giá thấp 1,99 triệu đồng và 2,99 triệu đồng”, Thắng cho hay.
Tại cửa hàng điện thoại trên đường 3 Tháng 2 (Q.10, TP.HCM), chủ cửa hàng là ông Q.Khánh cho biết hàng điện thoại của Sony bán chậm lâu rồi và khuyến mãi cũng “không cứu được”. Chỉ tay mấy chiếc điện thoại hiệu Sony trên kệ, ông Khánh nói đó là hàng trưng bày cho khách xem chứ cửa hàng ông không có hàng mới 100% vì từ đầu năm đến nay mới bán được 1 chiếc điện thoại Sony giá 6,7 triệu đồng.
“Việc tăng tốc giảm giá bán hàng ra của Sony rất dễ đoán hãng này muốn xả hàng tồn kho để… đi làm việc khác hoặc xấu nhất là rời cuộc chơi, rút khỏi thị trường VN. Chứ nói xả tồn kho để tung mẫu mới chắc khó. Thị trường điện thoại Sony hay HTC “ngưng” lâu rồi. Với Sony, sau thông tin hãng này đang chuẩn bị rút khỏi thị trường Úc cũng khiến người kinh doanh tại VN tin rằng, không sớm thì muộn…”, ông Q.Khánh bỏ dở câu nói.
Người tiêu dùng mất đi một lựa chọn
Theo công ty chuyên nghiên cứu thị trường GFK, thị phần điện thoại thông minh của Sony tại VN chỉ đạt 2,4% trong năm 2017, giảm so với mức 3,8% năm 2016.
Giám đốc marketing của một hãng điện tử tại TP.HCM nhận định sau điện thoại LG, trong tương lai gần cả Vivo và Sony cũng rút mảng kinh doanh điện thoại tại thị trường VN bởi “trụ” không nổi nữa. Sony chưa có tuyên bố chính thức do lượng hàng tồn còn lớn, khách hàng còn nợ tiền nên không thể bảo nghỉ bán là nghỉ được. “Nguyên tắc của một sản phẩm muốn rút khỏi thị trường là trước mắt phải thu hẹp dần thị trường, tung khuyến mãi để bán ra thu hồi vốn và giải quyết công nợ, sau đó tuyên bố chưa muộn. Điều này bình thường thôi và đa số các nhãn hàng điện tử trên thị trường chọn cách làm đó”, vị này nói.
Sony là một trong những nhà đầu tư của Nhật vào VN rất sớm – năm 1994 và liên doanh với Công ty cổ phần điện tử Tân Bình. Đến năm 2008, sau khi đã đầu tư nhà máy 16,6 triệu USD, Sony quyết định ngưng phần sản xuất tại VN, chuyển sang nhập khẩu kinh doanh thương mại. Đến nay, Sony đang kinh doanh tại VN nhiều sản phẩm điện tử như ti vi, máy nghe nhạc, loa, máy ghi âm, máy ảnh, hàng điện tử gia dụng…
Chưa nghe tin Sony rút khỏi VN, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng một tập đoàn lớn như Sony hay Toyota cho dù chỉ làm thương mại, nhập khẩu về bán hay đầu tư thì quyết định rời một thị trường khi họ đã có tên tuổi hơn 20 năm rồi sẽ được cân nhắc rất kỹ. Sony từ lâu không đầu tư nhiều vào VN, chủ yếu làm thương mại và được mặc định là thương hiệu uy tín. Giả sử họ có rút khỏi thị trường VN mảng điện thoại cũng sẽ không có ảnh hưởng lớn đến chính DN và môi trường đầu tư VN.
Dẫn chuyện cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang leo cao, nhiều tập đoàn sản xuất Hàn Quốc, Nhật đang chuyển nhà máy vào VN và các nước Đông Nam Á, theo GS Nguyễn Mại, các tập đoàn đã từng có tên tuổi tại thị trường VN, sẽ “không dại” rời VN lúc này.
Trong khi đó, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, lại cho rằng không có Sony, người tiêu dùng mất đi một chọn lựa. Việc một thương hiệu lớn rời VN, cho dù làm thương mại, cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín thị trường, đặc biệt trong bối cảnh VN đang phát triển công nghệ 4.0. Thực tế thì việc đi hay ở của Sony vẫn còn nhiều đồn đoán.
NGUYÊN NGA