26/01/2025

Sao cứ muốn trụ sở hoành tráng ?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng không phải cứ trụ sở to đẹp thì mới cải cách hành chính, liên thông thủ tục tốt.

 

Sao cứ muốn trụ sở hoành tráng ?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng không phải cứ trụ sở to đẹp thì mới cải cách hành chính, liên thông thủ tục tốt. 

 

 

 

Phối cảnh dự án và khu vực dự kiến triển khai dự án Trung tâm văn hóa Hải Dương /// Ảnh: Lê Tân

Phối cảnh dự án và khu vực dự kiến triển khai dự án Trung tâm văn hoá Hải Dương  ẢNH: LÊ TÂN

 
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó ban Cải cách hành chính của Chính phủ, cho rằng Chính phủ nói rất nhiều đến cách mạng 4.0, chính quyền điện tử mà nhiều tỉnh cứ muốn xây trụ sở to, trung tâm hội nghị ngàn tỉ mới phục vụ dân tốt hơn là điều khó chấp nhận.
 
Ngân sách hay đổi đất cũng là tiền của dân
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên về việc đề xuất xây Trung tâm hội nghị, quảng trường mới đây của tỉnh Hải Dương (Thanh Niên có bài phản ánh ngày 4.9), và trước đó nữa là của tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng “có nhiều điều để nói trong bối cảnh hiện nay”.
 
Đầu tiên, đó là tình trạng khó khăn của ngân sách khiến Chính phủ, Quốc hội nói rất nhiều đến tiết kiệm chi, thắt lưng buộc bụng để ưu tiên đầu tư cho các vấn đề cấp bách. Bằng chứng là Chính phủ đã có chỉ thị về hạn chế xây trung tâm hành chính tập trung, đầu tư tượng đài, quảng trường, chi lễ kỷ niệm…
 
“Trụ sở hành chính ở những nơi này có thực sự cấp bách không? Có tới mức xuống cấp, chật chội quá không? Tôi đi nhiều tỉnh phía bắc, nhất là các tỉnh chia tách sau này như Hải Dương, Hưng Yên thì trụ sở khang trang lắm, nên chắc không đến mức cấp bách rồi”, ông Dĩnh đặt vấn đề.
 
Cũng theo ông Dĩnh, đây không phải là lần đầu các địa phương liên tiếp xin Chính phủ xây trung tâm hành chính. Nhưng hiện nay, khi Thủ tướng đã có chỉ đạo, yêu cầu các địa phương hạn chế vấn đề này mà địa phương vẫn cứ đề xuất là điều không hay trong thực hiện kỷ cương hành chính. “Điều này càng cho thấy không phải vô cớ mà người ta nói về tỷ lệ hoa hồng, phần trăm trong xây dựng cơ bản”, ông Dĩnh nêu ý kiến.
 
Trong khi đó, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13, chia sẻ trụ sở hành chính cũng là nhu cầu quan trọng để cán bộ, công chức có nơi làm việc. Nếu hỏng, cũ nát thì cần phải sửa chữa, xây dựng. “Tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh viện quá tải, trẻ em phải học trường tạm bợ, nhà tre vách đất; dân còn nghèo khổ, ngân sách bội chi, đầu tư công lớn… thì các vị lãnh đạo cần cân nhắc thận trọng xem nhu cầu nào thiết yếu, cần kíp hơn”, bà An nói.
 
Theo bà An, xây trụ sở, quảng trường, dù đổi đất lấy hạ tầng như Hà Giang hay bằng hình thức vốn tự có của địa phương qua đấu giá đất thì thực chất cuối cùng đó vẫn là tài sản của nhà nước, của người dân.
 
“Đất đai không sinh nở được thêm ra, đầu tư công nhiều dự án không hiệu quả rồi nên cần phải tính toán sao cho được sử dụng hiệu quả hợp lý. Đã có rất nhiều trường hợp, dự án xây được 1 – 2 km đường nhưng lấy đi hàng chục héc ta đất “vàng”, đất đắc địa… Như vậy đòi hỏi phải được xem xét, giám sát một cách công khai, minh bạch để không có tham nhũng, xà xẻo đất đai ở đây”, bà An bày tỏ.
 
Tập trung nguồn lực cho ưu tiên cấp bách hơn
Từng làm Phó ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, có điều kiện thực tế nhiều nơi, ông Dĩnh cho rằng không phải cứ trụ sở to đẹp thì mới cải cách hành chính, liên thông thủ tục tốt. “Chúng ta đang nói đến cách mạng 4.0, chính quyền điện tử, thời đại phẳng, rồi thủ tục trực tuyến cấp độ 3 cấp độ 4 thì sao cứ nhất thiết phải có trung tâm hành chính tập trung hay trụ sở to? Tôi tới Quảng Ninh, thấy họ làm rất tốt trong cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy mà đâu cần xây mới trụ sở”, ông Dĩnh nhấn mạnh.
 
Trả lời Thanh Niên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng quan điểm của Thủ tướng là không nên đặt vấn đề xây trung tâm hành chính tập trung thời điểm này. “Giờ là lúc khó khăn, Thủ tướng nói rằng nên tập trung nguồn lực cho các ưu tiên khác, cấp bách hơn”, ông Dũng nhấn mạnh. Người phát ngôn của Chính phủ cũng chia sẻ chúng ta đang đẩy mạnh cải cách thủ tục, chính quyền điện tử thì không cứ phải xây trụ sở mới mà có thể tận dụng, cải tạo trên nền cũ.
 
“Tất nhiên, trừ những trường hợp quá cấp bách, không thể sử dụng hoặc quá chật chội, thì tùy vào điều kiện của địa phương nhưng cũng phải xem xét một cách thật thận trọng”, ông Dũng nói.
 
Theo một lãnh đạo Bộ KH-ĐT, hiện Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường quản lý việc thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh vẫn còn hiệu lực, nên các địa phương cần bám sát để thực hiện. “Đây là cái trần, cái khung pháp lý cao nhất. Chỉ khi Chính phủ dỡ cái khung này thì lúc đó sẽ xem xét cụ thể đề xuất của mỗi địa phương, từ quy mô, phân kỳ…”, vị này nói.

 
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói gì về “trung tâm hành chính ngàn tỉ” ?
Trả lời về thông tin Hải Dương chia nhỏ, đổi tên dự án để xây dựng trung tâm hành chính ngàn tỉ mà Thanh Niên đề cập, ông Vương Đức Sáng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết: “Trung tâm hành chính công gồm trụ sở của tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh và các sở, ngành vẫn dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Còn dự án chúng tôi đang xin phép xây dựng là một tiểu dự án trước đây có tên Trung tâm hội nghị và quảng trường, hiện nay đổi thành Trung tâm văn hóa xứ Đông, nên không thể nói là chia nhỏ để tái khởi động việc xây trung tâm hành chính tỉnh được. Dự án này rộng hơn 4 ha, được quy hoạch trong cùng khu đất rộng 20 ha với trung tâm hành chính mà thôi”.
 
Về tính cần thiết để xây dựng Trung tâm văn hóa xứ Đông, ông Sáng nói: “Theo quy định, tỉnh nào cũng phải có trung tâm văn hóa. Hải Dương thì tuy có mà như không, vì trung tâm văn hóa hiện tại là một tòa nhà được xây dựng từ năm 1964, sức chứa tối đa 500 người và đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện lớn. Chính vì vậy nhu cầu có 1 trung tâm văn hóa mới là chính đáng. Trung tâm này là công trình đa năng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân, vừa là nơi tổ chức các sự kiện của tỉnh và cả các tổ chức, doanh nghiệp nếu có nhu cầu. Khuôn viên xung quanh thì chúng tôi xây dựng thành quảng trường của tỉnh”.
 
Việc chuyển đổi từ hình thức đầu tư BT sang dùng ngân sách, ông Sáng giải thích: “Sau khi nghiên cứu và rút kinh nghiệm, chúng tôi thấy hình thức BT có nhiều vấn đề. Chính vì vậy, cùng một khu đất (Khu đô thị ven sông Thái Bình), thay vì dùng đổi cho doanh nghiệp để đầu tư theo hình thức BT, chúng tôi đã bán đấu giá công khai và thu về hơn 800 tỉ, rồi dùng số tiền đó để đầu tư xây dựng các công trình, trong đó có Trung tâm văn hóa xứ Đông. Việc này mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, công trình được xây dựng bằng ngân sách thì cũng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn”.
 
Ông Sáng thông tin thêm về quy mô và mức độ thì dự án xây dựng trung tâm văn hóa xứ Đông thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của tỉnh. Nhưng trước đó dự án này nằm trong cùng một tờ trình với dự án xây dựng Trung tâm hành chính công nên khi triển khai và thay đổi hình thức đầu tư nên tỉnh phải có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép.
 
Theo tìm hiểu của PV, trước đó, trong Tờ trình số 2375 ngày 16.7.2018 của UBND tỉnh Hải Dương do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái ký, ghi rõ: Quy mô đầu tư (như Tờ trình số 38 năm 2014) gồm các công trình khu trụ sở HĐND tỉnh – UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; khu làm việc khối các sở ngành; trung tâm hội nghị; sân đường, quảng trường. Cho nên, trong văn bản đề nghị các bộ, ngành cho ý kiến về đề xuất của tỉnh Hải Dương, Văn phòng Chính phủ cũng ghi rõ: về việc điều chỉnh hình thức đầu tư công trình Trung tâm hội nghị và quảng trường nay có tên gọi mới là Trung tâm văn hóa xứ Đông, thuộc khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương.
 
Tương tự, trong văn bản góp ý, Bộ TN-MT cũng 2 lần nhấn mạnh Trung tâm văn hóa xứ Đông thuộc dự án “Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương”. Đặc biệt, tại điểm 1, Bộ TN-MT khẳng định: Việc triển khai Trung tâm văn hoá xứ Đông là hạng mục thuộc Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương cần xem xét, đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng năm 2017 về tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.
 
Lê Tân – Chí Hiếu

 

CHÍ HIẾU – TIÊU PHONG