Đổi mới thi cử: Tiếp tục đề xuất 2 phần thi trong một đề thi
Tại toạ đàm Đổi mới thi, thực tiễn và những vấn đề đặt ra do Báo Đại biểu nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quốc hội, tổ chức hôm qua, nhiều ý kiến cho rằng việc đặt ra 2 mục tiêu rất khác nhau cho một kỳ thi mang tới nhiều hệ luỵ.
Đổi mới thi cử: Tiếp tục đề xuất 2 phần thi trong một đề thi
Tại toạ đàm Đổi mới thi, thực tiễn và những vấn đề đặt ra do Báo Đại biểu nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quốc hội, tổ chức hôm qua, nhiều ý kiến cho rằng việc đặt ra 2 mục tiêu rất khác nhau cho một kỳ thi mang tới nhiều hệ luỵ.
Thay vì làm một đề thi nhằm 2 mục đích, nhiều ý kiến đề xuất từ năm sau kỳ thi THPT quốc gia, mỗi môn thi có 2 phần thi ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh ĐH “3 chung” trước đây có một ưu điểm cần tiếp thu, đó là cực kỳ nghiêm túc. Nhưng theo xã hội thì đó là kỳ thi tốn kém, vì thí sinh phải di chuyển xa. TS Ngọc khẳng định: “Suy cho cùng chẳng có cái gì cực tốt mà lại cực rẻ”, và “được cái này thì phải mất cái kia”. Sở dĩ kỳ thi “3 chung” đạt được hiệu quả khách quan, nghiêm túc, công bằng, đó là bởi kỳ thi này do các trường đại học coi thi, chấm thi, tách địa phương ra khỏi việc tổ chức thi.
Giáo viên sẽ không chấm thi học sinh tỉnh mình
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết qua 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, quy chế và quy trình tổ chức thi chặt chẽ theo hướng năm sau cụ thể, chi tiết hơn. Ông Trinh cũng chia sẻ: “Mặc dù chuẩn bị kỹ như vậy nhưng vẫn có tiêu cực xảy ra. Chúng tôi có trách nhiệm trong hiệu quả thanh tra giám sát tại địa phương nhưng thực sự mà nói, vi phạm này có sự tính toán từ trước, có sự tổ chức của một nhóm người. Công nghệ dù có hoàn chỉnh đến đâu thì cũng là sản phẩm do con người làm ra nên con người quyết định sự thành bại dù công nghệ có hoàn hảo đến mấy”.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý cho phép giữ ổn định phương thức thi này cho đến năm 2020. Vì thế, tinh thần đổi mới kỳ thi là kế thừa những ưu điểm những kết quả của phương án tổ chức thi những năm trước và khắc phục những tồn tại của năm nay.
Để khắc phục nhược điểm của kỳ thi mà đã bộc lộ ở năm nay, có một số nội dung phía Bộ thấy cần làm, chẳng hạn hoàn thiện quy chế, khắc phục các điểm yếu về kỹ thuật, tạo rào cản kỹ thuật, có cơ chế kiểm soát để cho những người có nghề về công nghệ thông tin có ý muốn gian lận cũng khó có thể thực hiện. Để đảm bảo khách quan, Bộ GD-ĐT sẽ sắp xếp để trường ĐH địa phương không coi thi hoặc làm thi ở địa phương mình (với các trường ĐH trung ương đóng tại địa phương thì Bộ sẽ xem xét, cân nhắc khi phân công nhiệm vụ làm thi). Đặc biệt là về công tác chấm thi, Bộ cũng sẽ điều chỉnh để giáo viên làm nhiệm vụ chấm thi sẽ không chấm thi học sinh của tỉnh mình.
|
QUÝ HIÊN – TUỆ NGUYỄN