“Em muốn nhãn mác thì chị cho em… một mớ”
Ngày 8.9, PV đi cùng thương lái tên V. (38 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đến chợ nông sản Đà Lạt hỏi mua khoai tây để chuyển đi bán ở các tỉnh và Campuchia. Hầu hết các chủ sạp ở chợ này đều báo không có khoai tây Đà Lạt mà chỉ có khoai tây Trung Quốc (TQ).
|
|
Cách phân biệt khoai tây, cà rốt TQ và Đà Lạt
Theo chị D. (37 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), chủ một vựa kinh doanh nông sản, hiện tại hầu hết các mặt hàng nông sản ở Đà Lạt như khoai tây, cà rốt, hành tây, bắp cải, súp lơ… đều có hàng “nhái”. Tuy nhiên, chị D. cho biết nếu để ý thì người tiêu dùng có thể phân biệt được bằng mắt thường. Cụ thể, khoai tây Đà Lạt có củ nhỏ, tròn đều, da sần sùi và có nhiều mắt. Còn khoai tây TQ thì da láng bóng, củ thon, dài và to gần gấp đôi khoai tây Đà Lạt.
Với cà rốt, hàng Đà Lạt có màu nhạt, sần sùi chứ không láng bóng và đậm màu như cà rốt TQ. Ngoài ra, khi nhập về hầu hết cà rốt TQ đều được cắt nhẵn phần đọt còn hàng Đà Lạt thì để nguyên cọng. Khi cắt ra, hàng TQ lõi vân bên trong rất mờ trong khi cà rốt chính hiệu Đà Lạt thì có lõi màu trắng, dày.
|
|
|
Tiếp chúng tôi là bà Chè (khoảng 60 tuổi), chủ sạp lớn nhất nhì chợ, nói chỗ bà chỉ còn khoai tây hồng và vàng của TQ. “Khoai hồng thì không cần trộn đất, còn khoai vàng thì phải trộn. Chị nói em nghe. Khoai vàng mẫu mã nó đẹp lắm, củ vừa tròn vừa đẹp (hình dáng giống khoai Đà Lạt – PV) nên hàng đó em đi OK. Nhưng mà hàng đó em về rửa là phải trộn đất”, bà Chè khẳng định. “Nhưng mấy bạn hàng của em đòi nhãn mác Đà Lạt chị ơi”, chị V. nói. Nghe vậy, bà Chè ghé tai chị V. bỏ nhỏ: “Thì bây giờ ai cũng vậy chứ có tài giỏi gì đâu. Mùa này hàng Đà Lạt tới 20.000 đồng/kg bán ở đây làm gì có ăn. Chị cũng nhập về các tỉnh và đưa qua bên Campuchia quá trời nè. Em muốn nhãn mác thì chị cho em… một mớ, lấy về muốn dán vô hàng nào thì dán, muốn làm gì thì làm”. Khách muốn xem thử nhãn mác Đà Lạt nhưng bà Chè cho biết tem nhãn này không trữ mà phải đi lấy chỗ bảo vệ (nhân viên thuộc BQL chợ – PV) và hẹn hôm sau sẽ giao. Khi khách thắc mắc làm sao lấy được nhãn mác từ BQL chợ, bà Chè cười: “Thì chị nói lấy để dán vô hàng Đà Lạt, còn em lấy về muốn dán hàng nào là chuyện của em”.
Sáng 9.9, chúng tôi tiếp tục cùng chị V. đến sạp của bà Chè để lấy nhãn mác như đã hẹn. Lúc này, bà Chè đang phân loại khoai tây, lấy điện thoại ra gọi cho ai đó trao đổi về “cái vụ tem nhãn mác Đà Lạt đó”, xong quay qua hẹn chị V. 14 giờ chiều quay lại “lấy hàng”. Đúng giờ, chị V. quay lại sạp thì bà Chè thông báo: “Tem có rồi. Tem có in về hết rồi mà hôm nay cuối tuần nên chưa có đóng dấu. Ngày mai thứ hai họ làm việc mới đóng dấu được. Phải có dấu mới được chứ không có dấu người ta không công nhận đâu. Tao mới lên đó (trụ sở BQL chợ – PV) về nè. Ráng tới ngày mai đi tao lấy luôn một cọc về cho, muốn làm gì thì làm”.
Theo tìm hiểu của PV, bà Chè là chủ sạp từng bị cơ quan chức năng phát hiện trộn đất vào khoai tây TQ để bán lại theo giá “hàng Đà Lạt” vào chiều 21.8. Thời điểm đó, bà Chè trình bày sau khi rửa và trộn đất sẽ đóng gói khoai vào bao và dán tem (tem do BQL chợ Đà Lạt, bộ phận chợ nông sản phát hành) để giao cho bạn hàng ở các tỉnh tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ 1 máy rửa khoai tây, 1 máy nổ và 1 tấn khoai tây TQ đã được nhuộm đất đỏ Đà Lạt. Thế nhưng đến nay, mỗi ngày bà Chè vẫn tiếp tục “hóa kiếp” hàng tấn khoai tây TQ và sẵn sàng cam kết “bao” luôn nhãn mác mang thương hiệu Đà Lạt cho những bạn hàng có nhu cầu.
Bà Chè cam kết sẽ bao luôn nhãn mác do BQL chợ nông sản Đà Lạt cấp cho thương lái…
ẢNH: ĐỨC TIẾN
|
Với thực tế này, dư luận đặt câu hỏi liệu có sự tiếp tay của nhân viên BQL chợ để chủ vựa “hợp thức hóa” nông sản TQ bằng nhãn mác Đà Lạt rồi tung ra thị trường?
Nông dân điêu đứng
Để có được củ khoai tây đúng hiệu Đà Lạt, người nông dân phải mất một thời gian dài để chọn lựa, ươm giống. Đó là chưa kể công sức chăm bón suốt hơn 3 tháng cho đến ngày thu hoạch. Thế nhưng, khoai tây TQ được các tiểu thương nhập về tràn ngập ở chợ rồi “phù phép” thành khoai tây Đà Lạt, chèn ép nông dân khiến cuộc sống của họ rất khó khăn.
“Trồng được củ khoai đâu đơn giản. Nhất là khi gặp mưa gió, nước ngập làm rễ khoai thối, chết hàng loạt. Suốt 3 tháng chăm bón thời tiết thuận lợi thì kiếm được chút đỉnh còn không thì coi như lỗ vốn. Trước đây, người dân chúng tôi chỉ lo thời tiết xấu, giờ lo thêm hàng TQ. Đến mùa là thương lái ép giá, ai có vốn thì trữ lại, còn không có thì bán đổ bán tháo để lấy tiền trả chi phí phân bón, tiền công thu hoạch…”, ông Đặng Văn Năm, nông dân trồng khoai tây ở TP.Đà Lạt, cho hay.
…gọi điện giao dịch tem, nhãn mác đến để cung cấp cho bạn hàng…
Tương tự, bà Trần Thị Thanh (ngụ xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt) cho biết việc khoai tây TQ nhập ồ ạt về chợ nông sản nhiều năm qua khiến bà và nhiều nông dân khác điêu đứng. “Chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp chứ cứ như thế này thì chắc chúng tôi phải chuyển sang trồng hoa, rau ngắn ngày chứ không thể cạnh tranh với khoai tây TQ giá rẻ”, bà Thanh nói.
…và hướng dẫn chị V. cách trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây vàng Trung Quốc
ẢNH: ĐỨC TIẾN
Trao đổi với PV chiều 12.9, ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ (TP.Đà Lạt), cho biết vào vụ đông xuân (vụ chính) thì xã trồng khoảng 150 ha, sản lượng đạt khoảng 4.500 – 5.000 tấn khoai tây. Thế nhưng, tình trạng các thương lái ở chợ nông sản nhập khoai tây TQ giá rẻ về nhuộm đất đỏ Đà Lạt rồi vận chuyển đi tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh gây ảnh hưởng đến thương hiệu khoai tây Xuân Thọ nói riêng và nông sản Đà Lạt nói chung.
“Từ đầu năm đến nay, chợ nông sản Đà Lạt nhập về khoảng 460 tấn khoai tây TQ nên xảy ra tình trạng nông dân bị các thương lái ép giá. Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng phải sớm có biện pháp để ngăn chặn khoai tây TQ, tạo điều kiện để họ vực dậy thương hiệu khoai tây Đà Lạt đã được công nhận lâu nay”, ông Bình kiến nghị.
ĐỨC TIẾN