Trong khi ngân sách khó khăn, nhiều địa phương đã chủ động khai thác tốt các dự án hợp tác công tư (PPP) để phát triển hạ tầng, kinh tế mạnh mẽ.
Đòn bẩy bứt phá kinh tế
Quảng Ninh là một điển hình. Chỉ trong 3 – 4 năm, tỉnh này đã thu hút hàng chục nghìn tỉ đồng vốn tư nhân vào đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm. Tính đến hết tháng 8, Quảng Ninh đã triển khai 36 dự án theo mô hình PPP với tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỉ đồng.
Việc hoàn thiện hạ tầng cơ sở đã trở thành đòn bẩy để kinh tế, du lịch, xã hội… của địa phương này phát triển. Minh chứng rõ nhất là việc thông xe cao tốc Hạ Long – Hải Phòng cùng lúc khánh thành cầu Bạch Đằng nối liền tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long (2 dự án chiến lược của Quảng Ninh được thực hiện theo hình thức BOT) giúp kết nối đi các tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội chỉ mất 1,5 giờ thay vì 3,5 giờ như trước đây. Quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng cũng được rút ngắn chỉ còn 25 km thay vì 75 km, tương đương 30 phút di chuyển. Bên cạnh đó, loạt siêu dự án “triệu đô” khác theo hình thức PPP như sân bay quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn… đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương, liên kết kinh tế vùng và tạo đà bứt phá cho du lịch.
Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương tích cực triển khai các dự án có sự tham gia góp sức của tư nhân. Không chỉ các dự án giao thông huyết mạch, các công trình trọng điểm, Bắc Ninh còn tận dụng triệt để nguồn lực xã hội trong các dự án nhỏ, có phần “bình dân” như: trụ sở làm việc xã, nhà văn hóa thôn/xã, đường liên thôn/xã, trường mầm non, trường tiểu học xã/phường, nghĩa trang nhân dân xã…
Bắt đầu từ rất sớm nhưng đến nay, TP.HCM vẫn đang chuyển dịch mô hình đầu tư công sang đối tác công – tư cho nhiều công trình. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết các dự án BOT điển hình như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 (đoạn An Sương – An Lạc), cầu Phú Mỹ, sau khi hoàn thành đã góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc, tăng cường năng lực lưu thông trên tuyến đường, hình thành tuyến trục giao thông mới, giúp các phương tiện và người tham gia giao thông thuận lợi và an toàn hơn.
“Hạ tầng giao thông TP.HCM và hệ thống đường kết nối với các tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực và cả nước nhưng hiện đang quá tải, vừa yếu và vừa thiếu. Việc đầu tư xây dựng công trình giao thông theo đúng quy hoạch đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc mời gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện các công trình giao thông theo hình thức BOT có ý nghĩa rất lớn, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị, cải thiện môi trường… cho thành phố và cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam”, ông Tám khẳng định.
Tỉnh nào năng động, tỉnh đó thắng
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, lý giải để thu hút được nguồn lực từ tư nhân lớn như vậy, Quảng Ninh đã phải trải qua cả quá trình thay đổi từ tư duy tới cách làm, trên quan điểm cùng đồng hành, bắt tay với nhà đầu tư nhằm san sẻ gánh nặng tài chính cho cả hai bên.
Đơn cử, dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng có tổng mức đầu tư gần 14.000 tỉ đồng, tỉnh nhận làm đường gần 9.000 tỉ. Dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn khoảng 14.000 tỉ đồng, tỉnh cũng xin Chính phủ, các bộ, ngành cho phép cơ chế ứng 4.000 tỉ từ ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng. “Các dự án PPP tại Quảng Ninh có tổng mức đầu tư rất lớn, từ 1.000 đến gần 20.000 tỉ đồng. Nếu chỉ phó mặc cho một mình nhà đầu tư thì chẳng ai dám làm. Để các siêu dự án nghìn tỉ đi vào hoạt động thì công tác giải phóng mặt bằng là vô cùng quan trọng. Vì thế tỉnh ưu tiên nguồn ngân sách để làm công việc này, chia sẻ gánh nặng cùng nhà đầu tư”, ông Long nói.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, gọi đây là vốn mồi từ phía nhà nước, một trong những yếu tố quan trọng cần có để thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án công. Theo ông, ngoài chính sách thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế, Chính phủ phải góp một phần vốn chia sẻ cùng doanh nghiệp, đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng mới có thể thu hút xã hội hoá.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công – Trường đại học Fulbright, nhấn mạnh hình thức đối tác công – tư nói chung hay BOT nói riêng chỉ là một phương thức huy động vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước. Từ vị trí của địa phương, thể chế là giống nhau nên địa phương nào càng năng động, sáng tạo thì hiệu quả huy động nguồn lực xã hội hoá càng lớn.
Để các dự án PPP nói chung và BOT nói riêng thực sự trở thành “công cụ” hữu hiệu trong đầu tư hạ tầng ở một địa phương, cần 3 yếu tố: Thứ nhất, người lãnh đạo dám nghĩ dám làm, dám đương đầu và chịu trách nhiệm. Thứ hai, người này phải tạo dựng được một lực lượng liên minh ủng hộ mạnh mẽ cho ý tưởng của mình vì một con én không thể làm nên mùa xuân. Cần một tổ chức cùng đoàn kết, cố gắng mới có thể thành công. Cuối cùng là sự tham gia của các đối tác có lợi ích dài hạn. Sự thành công của việc tận dụng tốt nguồn lực từ khu vực tư như Bình Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bắc Ninh… đều hội tụ cả 3 yếu tố trên.