Nhật hoàng Akihito (85 tuổi) dự kiến sẽ thoái vị vào ngày 30.4.2019, nhường ngôi cho hoàng thái tử Naruhito (58 tuổi). Theo AFP, điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản bước vào một thời kỳ mới kèm theo vô số thay đổi. Trong đó, đáng kể nhất là thay đổi niên hiệu.
Hiện Nhật Bản vẫn giữ truyền thống quân chủ Á Đông là các vị vua sẽ chọn cho mình niên hiệu trong thời gian giữ ngôi để thể hiện ý chí, mục tiêu hoặc đánh dấu một sự kiện nào đó. Một vị quân chủ có thể có một hoặc nhiều niên hiệu và đến nay, Nhật có gần 250 niên hiệu kể từ khi áp dụng hệ thống này vào thế kỷ thứ 7. Chẳng hạn, sau khi lên ngôi, Nhật hoàng Akihito chọn niên hiệu Heisei (Bình Thành), hàm ý nhấn mạnh ước muốn hòa bình, không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Năm nay được tính là năm Heisei thứ 30, tức năm trị vì thứ 30 của Nhật hoàng Akihito.
Cách tính năm theo niên hiệu được dùng trên các văn bản chính thức của chính phủ, báo chí và lịch bán trên thị trường. Ngay cả trong đời sống hằng ngày, người Nhật cũng có thói quen sử dụng cách này khi nói chuyện về năm. Theo ông Kunio Kowaguchi, Chủ tịch Công ty in lịch Todan, việc dùng niên hiệu giúp nhớ các sự kiện dễ hơn. “Ví dụ như chúng tôi nhớ ngay bong bóng bất động sản bị vỡ là vào đầu thời Heisei”, ông nói với AFP. Việc thời kỳ Heisei sắp kết thúc cũng được cho là lý do khiến chính phủ quyết định thi hành án tử đối với 13 thành viên giáo phái Aum Shinrikyo hồi tháng trước vì không muốn dây dưa sang thời kỳ mới. Những bị cáo này bị kết tội đầu độc bằng khí sarin tại hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo vào năm 1995 khiến 13 người chết.
Vì thế, việc thay đổi niên hiệu là chuyện trọng đại không chỉ đối với hoàng gia mà sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội. Hiện chỉ còn chưa đầy 1 năm trước khi hoàng thái tử Naruhito đăng cơ và công tác chuẩn bị đang được tiến hành một cách thầm lặng nhằm thể hiện sự tôn kính đối với Nhật hoàng đang tại vị. Quá trình lựa chọn cũng rất phức tạp với nhiều quy định nghiêm ngặt. Kanji (Hán tự) của niên hiệu mới sẽ không được bắt đầu bằng những nét của chữ đã được dùng trong 4 thời kỳ liền trước là Meiji (Minh Trị), Taisho (Đại Chính), Showa (Chiêu Hoà) và Heisei, đồng thời cũng không dùng lại các tên từng được đề cử nhưng không được chọn.
Khoảng vài tháng trước khi Nhật hoàng Hirohito băng hà vào ngày 7.1.1989, hoàng gia và chính phủ khi đó đã thành lập uỷ ban đặc biệt gồm các chuyên gia, thành viên hoàng tộc, quan chức cấp cao và các bộ trưởng để thống nhất chọn niên hiệu cho Nhật hoàng Akihito từ danh sách đề cử. “Đây luôn là chuyện rất tế nhị, Việc công khai bàn thảo về thời kỳ mới là điều không phù hợp. Tôi đã phải giữ kín kể cả với gia đình”, tờ Mainichi dẫn lời một trong những thành viên uỷ ban là ông Junzo Matoba kể. Hiện các chuyên gia cho rằng chính phủ Nhật đã có danh sách chọn lọc các niên hiệu mới nhưng không công khai.
Tuy nhiên, điều này lại gây rất nhiều khó khăn cho việc in lịch, thay đổi măng sét báo, quy chuẩn văn bản… Lịch thường được in trước khoảng 1 năm và đến nay vẫn chưa có niên hiệu mới để in lịch năm 2019 là quá trễ. Có thể trong nửa đầu năm sau, dân Nhật vẫn phải dùng lịch in dòng chữ “năm Heisei thứ 31” trước khi có thay đổi. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đổi ngôi đầu tiên kể từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin, và lĩnh vực công nghệ cũng phải thay đổi để tương thích. Theo các chuyên gia, những phần mềm ở Nhật dùng để chuyển đổi dương lịch sang lịch theo niên hiệu sẽ phải cập nhật, bên cạnh việc thiết kế font chữ cho niên hiệu mới.
KHÁNH AN