Đó là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra hôm qua (30.8) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, điều đáng mừng là qua phân tích, 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. Cụ thể, GDP có khả năng đạt trên 6,7%; thu ngân sách vượt dự toán 3 – 5%; nợ công giảm, lạm phát dưới 4%. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năng suất lao động tăng.
Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm, để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2018, các bộ ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Giải pháp thực hiện đã khá đầy đủ, đồng bộ (nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh), cần tập trung chỉ đạo vào khâu thực thi, kỷ luật kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm và tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.
Mở đầu buổi họp báo ngay sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin chi tiết hơn một số nội dung phiên họp Chính phủ tháng 8. Theo đó, về tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Chính phủ đánh giá xu hướng là tích cực, tình hình tháng 8 tốt hơn tháng 7, với những điểm nổi bật như: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát khi CPI tháng 8 chỉ tăng nhẹ (0,45%) so với tháng trước. Các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155,41 tỉ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại 8 tháng duy trì xuất siêu với 2,8 tỉ USD. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 10,4 triệu lượt người, tăng 22,8%.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư phát triển được cải thiện rõ nét, 8 tháng ước bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ 2017 đạt 38,4% dự toán). Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 24,35 tỉ USD (tính đến 20.8), số vốn FDI giải ngân ước đạt 11,25 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số DN và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Có hơn 20.000 DN hoạt động trở lại, tăng 9,3%.
Ủng hộ Hà Nội tham gia tổ chức giải đua xe F1
Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề nóng báo chí quan tâm đã được lãnh đạo các bộ ngành giải đáp. Trả lời câu hỏi quan điểm của Chính phủ với việc TP.Hà Nội muốn tham gia tổ chức một chặng giải đua xe F1 vào năm tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, sau khi có ý kiến đề nghị của TP.Hà Nội thì Thủ tướng đã giao Bộ VH-TT-DL, Bộ KH-ĐT cho ý kiến, đánh giá tác động, nhất là tác động đối với dân cư sinh sống nơi dự kiến diễn ra chặng đua. “Đầu tiên TP.Hà Nội dự kiến tổ chức chặng đua xung quanh bờ Hồ Gươm nhưng sau đó tính toán lại thấy không đạt được yêu cầu và nhà tổ chức cũng không đồng ý, bên cạnh đó là vấn đề chi phí lớn. Sau đó địa điểm đua dự kiến là Trung tâm thể thao Mỹ Đình để đồng bộ hạ tầng”, ông Dũng nói và thông tin thêm, theo đánh giá thì các nước tham gia tổ chức giải đua đều đem lại kết quả tốt. Khi TP.Hà Nội lấy ý kiến người dân về việc này thì người dân xung quanh địa điểm dự kiến có sự đồng tình cao để tạo ra hình ảnh, giới thiệu con người của Hà Nội và VN nói chung.
“Cho nên Chính phủ thấy phù hợp với nhu cầu người dân. Nên nếu đảm bảo an toàn, và một nguyên tắc là dứt khoát phải xã hội hoá, không lấy tiền ngân sách thì có thể làm. Các bộ ngành đều ủng hộ phương án này”, ông Dũng nhấn mạnh.
Xem xét thí điểm sáp nhập một số sở, ngành
Trả lời câu hỏi về việc Chính phủ có đặt vấn đề sáp nhập một số bộ và loại bỏ cấp tổng cục khi đang rà soát để sửa luật Tổ chức Chính phủ, ông Dũng nói: Tại phiên họp này Chính phủ cũng giành thời gian thảo luận về kế hoạch sửa hai luật Tổ chức Chính phủ và luật Chính quyền địa phương, tuy nhiên Chính phủ không đặt vấn đề sáp nhập các bộ ngành. Trong khi đó, việc có duy trì hay loại bỏ các tổng cục thì khi làm nghị định về chức năng nhiệm vụ các bộ, các bộ sẽ tính toán cụ thể.
Ông Dũng nhấn mạnh rằng, việc tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết T.Ư 6 là vấn đề ưu tiên của Chính phủ và thực tế Chính phủ đã sớm có nghị quyết về chương trình hành động cụ thể, trong đó có giao Bộ Nội vụ theo lộ trình cụ thể sẽ rà soát thể chế. “Trên cơ sở đó, khi xây dựng các văn bản pháp luật cụ thể quy định về chức năng các tỉnh, TP sẽ xem xét thí điểm sáp nhập sở GTVT và Sở Xây dựng. Cùng với đó là xem xét hợp nhất cơ quan thanh tra tỉnh và cơ quan kiểm tra Đảng ở địa phương. Chúng ta không làm nóng vội nhưng cái gì làm được ngay thì phải làm ngay”, ông Dũng nói.
Sắp công bố kết luận thanh tra Thủ Thiêm
Tại buổi họp báo, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, cho hay cuộc thanh tra liên quan đến đất đai ở Thủ Thiêm đã kết thúc hồi giữa tháng 7. Cơ quan này cũng đã lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành chức năng có liên quan và UBND TP.HCM. “Đến nay kết luận thanh tra đã có. Chúng tôi đang hoàn tất để trong nửa đầu tháng 9 sẽ công khai tới báo chí”, ông Lam nói.
Liên quan đến vụ ông Vương Duy Bảo, cháu nội của “vua Mèo” Vương Chí Sình, có thư gửi Thủ tướng, ông Mai Tiến Dũng cho rằng tinh thần của việc lập các hồ sơ di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt là để đánh giá giá trị văn hóa lịch sử của kiến trúc nghệ thuật nhằm xây dựng phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di tích chứ việc quyết định xếp hạng di tích không nhằm mục đích xác lập hay chuyển quyền sở hữu tài sản trên đất và quyền sử dụng đất của di tích. Theo ông Dũng, chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu tỉnh Hà Giang đến ngày 31.8 phải báo cáo Thủ tướng việc này nhưng đến chiều qua (30.8) thì Văn phòng Chính phủ vẫn chưa nhận được.
|
CHÍ HIẾU