Hôm qua, tờ The Washington Post dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ nguyên nhân khiến Tổng thống Donald Trump ngày 24.8 đột ngột thông báo hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của phái đoàn Mỹ, chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố kế hoạch này. Theo đó, vài giờ sau thông báo của ông Pompeo, Phó chủ tịch Ban Chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên kiêm Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Kim Yong-chol gửi đến Nhà Trắng một bức thư với nội dung được cho là “đủ tính khiêu chiến” để khiến Tổng thống Trump tin rằng Ngoại trưởng Pompeo sẽ phải ra về tay trắng một lần nữa như chuyến đi Bình Nhưỡng hồi tháng 7.
Washington không công bố nội dung thư nhưng CNN dẫn các nguồn tin cấp cao từ Bộ Ngoại giao cho biết Triều Tiên “thể hiện rằng đàm phán khó tiến triển vì Mỹ chưa sẵn sàng đáp ứng kỳ vọng liên quan đến ký kết hiệp ước hoà bình”. Theo giới quan sát, nước này muốn đạt được hiệp ước chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), vốn chỉ kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn. Trái lại, Mỹ từ chối yêu cầu vì lo ngại việc ký hiệp ước hoà bình đồng nghĩa phải giảm bớt lực lượng tại Hàn Quốc và khiến vị thế nước này trong khu vực bị suy yếu. Chính mâu thuẫn này khiến đàm phán lâm vào bế tắc và Triều Tiên trong bức thư đã cảnh báo toàn bộ tiến trình phi hạt nhân “có thể sụp đổ”, đồng thời cảnh báo “sẽ khôi phục lại hoạt động hạt nhân và tên lửa” nếu phía Mỹ không đưa ra cam kết vững chắc để đạt hoà bình.
Trong thông báo sau đó về quyết định huỷ chuyến đi của Ngoại trưởng Pompeo, Tổng thống Trump lần đầu công khai thừa nhận việc đàm phán phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên không đạt tiến triển như kỳ vọng dù trước đó ông luôn khẳng định hai bên đã có những “bước đi tốt đẹp”. Bình Nhưỡng chưa đưa ra bình luận về những thông tin trên nhưng tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đăng bài xã luận cáo buộc Mỹ hành động “hai mặt” và “âm mưu gây chiến tranh” khi âm thầm cho các đơn vị đặc nhiệm tập trận tại Nhật Bản nhằm xâm nhập Bình Nhưỡng. Lầu Năm Góc hiện đã phủ nhận cáo buộc này.
Cũng trong ngày 28.8, Nhật Bản công bố sách trắng quốc phòng hằng năm thể hiện sự nghi ngờ cam kết tiến tới giải giới hạt nhân của Triều Tiên. AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nhấn mạnh cho dù Bình Nhưỡng chấp nhận đối thoại với Seoul và Washington, Tokyo “vẫn không thể bỏ qua thực tế là Triều Tiên vẫn sở hữu hàng trăm tên lửa có thể bắn đến lãnh thổ Nhật”. Sách trắng viết rằng “hoạt động quân sự của Triều Tiên vẫn là mối đe doạ nghiêm trọng và cấp bách nhất mà Nhật Bản phải đối mặt”. Để đối phó, Nhật đang nâng cấp lá chắn phòng thủ và có kế hoạch chi 4,2 tỉ USD (97.663 tỉ đồng) trong 3 thập niên tới để thiết lập các hệ thống radar và tên lửa mua của Mỹ. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nhật dự kiến trong tuần này sẽ đưa ra đề xuất ngân sách quốc phòng kỷ lục 47,6 tỉ USD cho tài khóa 2019 (từ 4.2019 – 3.2020) nhằm đối phó các mối đe dọa an ninh.
Hàn Quốc mong đợi đối thoại liên Triều lần 3
Yonhap hôm qua dẫn lời người phát ngôn phủ tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho rằng cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều lần 3 đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết vì tình thế bế tắc hiện tại giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông Kim bày tỏ mong đợi cuộc thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 9 sẽ góp phần giúp đưa đối thoại Mỹ – Triều trở lại lộ trình như kỳ vọng. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha, hai bên cam kết thực thi phi hạt nhân hoá hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời giữ nguyên sức ép đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
|
BẢO VINH