23/12/2024

MINH TRIẾT VIỆT- SỨC SỐNG BỀN LÂU CỦA KỊCH LƯU QUANG VŨ

Chính những minh triết chìm được cấy sâu trong nhiều kịch bản về những đề tài khác nhau đó đã góp phần làm cho tác phẩm của Lưu Quang Vũ có sức sống bền lâu. Và mỗi lần đọc lại, xem lại, chúng ta lại phát hiện ra những vỉa quặng tinh thần mà tác giả gửi gắm qua từng tác phẩm.

Tham luận Hội thảo : CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP VĂN HỌC LƯU QUANG VŨ

Sinh thời Lưu Quang Vũ từng nghĩ :

                            Những đám hội này,chỉ một lần tôi được hát

                            Chỉ sống một cuộc đời giữa vô cùng năm tháng

 

                         Chỉ một lần gặp bạn, bạn yêu thương

 

                          Chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn

 

            Chứng kiến Hội thảo kỷ niệm 70 năm sinh và 30 năm mất ngay trên quê hương, hẳn người tự nhận: Khổ đau dẫu nhiều, tôi chọn niềm vui  đã thấy mãn nguyện.

            Góp thêm một tiếng nói khẳng định những đóng góp lớn lao của tác giả vào văn học nước nhà những năm cuối thế kỷ XX, tôi chỉ xin nêu vài thiển ý lý giải sức sống bền lâu của một số vở kịch của Lưu Quang Vũ.

         Trở lại ký ức, buổi  cuối chiều cuối tháng 8-1988. Đó là một ngày thứ 2. Sân  51 Trần Hưng Đạo, nơi có trụ sở nhiều hội văn học nghệ thuât nháo nhác khi nghe tin cả gia đình Lưu Quang Vũ bị tại nạn. Tôi cùng nhà viết kịch Xuân Trình  Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN kiêm Giám đốc NXB SK và Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu nơi LQV đang công tác,cùng một số cán bộ Hội  vội vàng lao về Cầu Lai Vu Hải Dương, nơi xảy ra tai nạn.Bấy giờ, Lưu Quang Vũ đã được đưa về Bệnh viện Hải Dương cấp cứu, nhưng không kịp. Chúng tôi cùng mấy anh em trong gia đình ngồi trên chiếc xe bị tai nạn đưa chị Xuân Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ về nhà xác Bệnh Viện, nơi Lưu Quang Vũ đã nằm ở đó. Nhờ nhân viên Bệnh viện tắm rửa, thay áo quần cho cả ba người, trước khi đưa về Hà Nội. Đó là một đêm Hà Nội không ngủ. Trước cửa Bệnh viện Việt- Đức hàng trăm nghệ sĩ các đơn vị sân khấu và bạn bè thân quen đã đứng chờ, gào khóc khi xe về đến. Dạo đó, nhà xác BV Việt- Đức chưa có phòng lạnh. Không thể để đó trong vài ba ngày chờ tổ chức tang lễ. Nhờ sự can thiệp kịp thời của GS-TS Đình Quang, người thầy của nhiều thế hệ Nghệ sĩ Sân khấu, bấy giờ đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa  mà cả ba được gửi vào nhà xác  BV Hữu nghị Việt Xô. Đêm đó, NSND Dương Ngọc Đức Tổng thư ký Hội giao cho tôi việc khởi thảo Điếu văn. Một công việc không dễ dàng. Tai nạn khủng khiếp và đột ngột là một lẽ. Quan trọng hơn là khoảng cách quá lớn của một tiểu sử cá nhân khiêm tốn và không mấy suôn sẻ của một anh Cán sự 3, với những thành công vang dội ở quy mô cả nước, và đang ở đỉnh cao trong làng Sân khấu. Điếu văn NSND – Tổng thư ký Dương Ngọc Đức đọc trong lễ tang ngày 31-8-1988 có đoạn :            

 

“Tám năm qua ( 1980-1988) Lưu Quang Vũ đã làm nên một việc phi thường  đối với người sáng tác, càng đặc biệt hơn trong giới viết kịch nước ta.Cùng với mấy tập truyện và tập thơ, anh viết được 50 vở kịch, trong đó có 39 vở được nhiều đoàn từ Bắc chí Nam cùng đưa lên sân khấu qua các kịch chủng khác nhau. Trên bản dồ địa lý đất nước,hiếm có một tỉnh nào có các đơn vị nghệ thuật nào mà chưa từng dàn dựng một vài vở của Lưu Quang Vũ. Thế mạnh của một người làm thơ, viết văn, làm báo nhanh nhạy đã được anh huy động khi sáng tác kịch bản. Biết bao đoàn đã được cứu sống nhờ dàn dựng những  tiết mục ăn khách của Vũ. Có thể nói. Lưu Quang Vũ đã tạo dựng được cả một nền sân khấu mới mẻ, có sức hấp dẫn bằng hàng loạt vở đầy hơi thở  hiện đại.Nhắc đến sự khởi sắc của sân khấu mấy năm qua, bộ môn nghệ thuật đi đầu trong  khuynh hướng đấu tranh cho quá trình dân chủ hóa xã hội, chúng ta sẽ nhớ đếnTôi và chúng ta,Khoảnh khắc và vô tận,Nguồn sáng trong đời,Người tốt nhà số 5,Người trong cõi nhớ,Chuyện bên dòng sông Thu,Đôi dòng sửa mẹ,Hoa cúc xanh trên đầm lầy,và gần đây là Hồn Trương Ba- Da Hàng thịt, Ông không phải bố tôi, Bệnh sĩ…Hiếm có một tác giả đương đại nào có ảnh hưởng sâu rộng đến sân khấu cả nước như Lưu Quang Vũ. Sự phong phú của đề tài, sự giàu có màu sắc của nhân vật và tư tưởng chủ đề, đã làm cho Lưu Quang Vũ thành một tác giả nhận được nhiều đơn đặt hàng nhất…. Những người viết lịch sử sân khấu mai sau , khi nhắc đến hoạt động sân khấu thập kỷ 80 này, nhất định sẽ phải xếp LQV vào loại tác giả có vị trí quan trọng nhất, cả về số lượng và chất lượng. Chúng tôi hình dung LQV như một người lao động lực lưỡng gồng trên đôi vai rộng khỏe của mình chương trình, tiết mục hàng bốn năm mươi đoàn, nghĩa là xấp xỉ 1/3 số đơn vị sân khấu trong cả nước. Kịch, cái phần tinh anh nhất  trong sáng tác của Lưu Quang Vũ chắc chắn còn có sức sống lâu bền. “

Những ngày LQV vừa mất, các thành phố lớn cả nước tràn ngập panô giới thiệu các vở diễn của LQV. Từ bấy đến nay, cứ dịp 5 năm, lại có một đợt các đoàn dựng, diễn lại các tiết mục của LQV. Mà quan trọng là, nhiều thời điểm, sân khấu hiu hắt khán giả, thì tới dip đó, dù diễn ngày hay đêm, sân khấu cũng chen chúc người xem.

Có một thực tế đáng buồn, là trong lúc sân khấu thế giới , các vở diễn có sức sống lâu bền. Sân khấu Broadway nhiều vở diễn hàng vài ba mươi năm. Khán giả muốn xem, có khi phải đặt vé trước hàng năm hoặc lâu hơn, nghĩa là người ta coi mỗi vở diễn là một cây cổ thụ, thì sân khấu VN lại coi vở diễn chỉ là một món hàng rau tươi sống, chóng héo, mau ôi, tốn tiền của, công sức tập tành ,dàn dựng nhưng diễn không được bao nhiêu buổi , vì không có người xem. Bao nhiêu tác giả và tác phẩm từng được giải thưởng, từng được tung hô ầm ỉ, rồi mất hút tăm tích. Lãng phí công sức nghệ sĩ, tiền của dàn dựng , chỉ là một nhẽ dễ thấy. Nhưng quan trọng hơn là chấp nhận tình trạng ăn rỗi, ở thì ấy, chính những người hoạt động trong giới văn hóa đã đánh mất đặc trưng quan trọng nhất của một sản phẩm văn hóa là sức sống lâu bền. Họ đã sản xuất ra những sản phẩm giống một vở kịch, mà thiếu những phẩm chất cơ bản giúp cho tác phẩm có sức sống. Đó là một lý do chính khiến khán giả rời bỏ sân khấu.

Phải nhận là không phải kịch bản nào của LQV cũng đều xuất sắc. Trong 50kịch bản đã hoàn thành, có thể thấy tác giả đã khai thác các loại đề tài khác nhau:

 

– Đề tài lịch sử: Sống mãi tuổi 17, Ngọc Hân Công chúa,Hẹn ngày trở lại, Chết cho điều chưa có,

 

 

 

 

– Viết lại chuyện cổ : Nàng Si Ta, Ông vua hóa hỗ, Hồn Trương Ba- da Hàng Thịt, Lời nói dối cuối cùng, Đam San,Đôi đũa kim giao,Linh hồn của đá.

 

 - Một số chuyện có thật trong đời sống: Lời thề thứ 9, Nguồn sáng trong đời, Trái tim trong trắng,  Tôi và chúng ta, Nữ ký giả, T15 về đâu.

  – Chuyển thể từ các tác phẩm văn học: Đôi dòng sửa mẹ, Hẹn ngày trở lại,Chết cho điều chưa có, Muối mặn của đời em

  – Nhiều kịch bản là sáng tạo độc đáo của tác giả: Nếu anh không đốt lửa, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Mùa hạ cuối cùng, Điều không thể mất,Người tốt nhà số 5, Tin ở hoa hồng, Cô gái đội mũ nồi xám, Người con gái trở về,( Trời xanh trên mái phố), Dạ khúc tình yêu,Cây ngọc lan của Huyền, Người trong cõi nhớ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Bệnh sỹ….

Cũng chỉ là một cách chia tương đối để dễ hình dung về quy mô sáng tác của tác giả. Bởi vì trong nội dung các tác phẩm vẫn đan xen những mảng miếng, chi tiết, hoàn cảnh không dễ rạch ròi. Thời gian đã giúp chúng ta vượt qua nỗi lo là trong số lượng khá nhiều những vở kịch viết vội trong một thời gian ngắn, nhiều vở sử dụng những chất liệu có tính thời sự,liệu còn bao nhiêu kịch bản có thể còn có mặt trên sàn diễn mai sau ? Những cuộc Liên hoan gần đây vẫn có khoảng mươi vở được dàn dựng lại, là một tín hiệu mừng. Nhưng không chỉ có thế. Lắng sau những sự kiện có thể chỉ diễn ra ở một thời điểm lịch sử nhất định ( Chiến tranh chống Mỹ, Chiến tranh biên giới, quản lý thời bao cấp,mấy vụ án oan,chuyện con lai, nông thôn thời chưa đổi mới,…),vẫn còn lại những triết lý nhân sinh sâu sắc,thời nay càng suy ngẫm càng thấm thía.

Nguồn sáng trong đời, dự Hội diễn năm 1985, của một đoàn kịch rất khiêm tốn, không nhan sắc, không ngôi sao.là Đoàn kịch Hà Bắc. Đã thế Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi không cho các diễn viên có bất cứ nét trang điểm nào, kể cả các diễn viên nữ. Nhưng vở kịch đã gây sững sốt cho cả Hội diễn vì sức lôi cuốn  bởi những suy ngẫm về nhân sinh thế sự từ một chuyện thực ai cũng biết : Một họa sĩ bị thương ,mù mắt trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh. Dẫu mù, anh vẫn vé, vẫn nặn tượng, và tác phẩm của người họa sĩ thương binh hỏng mắt được mọi người khen ngợi, cảm phục. Nhờ bàn tay tài hoa của một Bác sĩ, anh được mỗ để có thể nhìn thấy ánh sáng. Việc thay giác mạc giờ đã quá phổ biến, nhưng dạo ấy ,đó là một bước tiến mới của khoa học. Khác với nhiều vở kịch, kịch tính cơ bản được xây dựng dựa trên cuộc đấu tranh giửa người tốt và người xấu,giữa ánh sáng và bóng tối. Trong vở kịch này hoàn toàn không có nhân vật xấu hay tiêu cực. Vậy mà vẫn có sức hấp dẫn khán giả. Kịch tính ở đây nằm ở chính nhân vật được mỗ để mang lại ánh sáng.Lâu nay, sống và sáng tạo trong tình trạng mù lòa, anh được săn sóc, ưu ái, và mọi tác phẩm được ngợi ca.”Nhưng nào ai biết họ ca ngợi nghị lực sống, nghị lực và lòng say mê sáng tạo của tác giả hay đánh giá tài năng được thể hiện trong những tác phẩm đó? Đối với con người, mù lòa mà được ngợi ca, được sống trong ảo tưởng rằng mình là người có tài năng, rằng mình có khả năng sáng tạo, có khi dễ sống hơn là khi mắt sáng mà nhận ra mình bất tài: để làm nghệ thuật thực sự thì mình còn thiếu quá nhiều, và mất đi cái vòng hào quang của lòng khâm phục những  chiến công quá khứ mà lâu nay quen được vây bọc?” Để được nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật ai cũng phải trả một cái giá không hề rẻ. Nhưng không thể vì thế mà chọn cách sống an phận trong mù lòa. Lời cảnh tỉnh vào buổi đầu thời kỳ đổi mới ấy, vẫn còn để chúng ta tiếp tục suy ngẫm.

Người tốt nhà số 5: Một vở của Đoàn Chèo Hà Sơn Bình ,được HCV Hội diễn 1985.Một kịch bản có cấu trúc sân khấu độc đáo. Nhà số 5 là một khu tập thể khá tiêu biểu của một thời. Nơi đó, các cư dân sống biệt lập với nhau, như một quy ước: Đèn nhà ai nhà ấy rạng. Và họ mặc sức xử sự với nhau như không có hàng xóm bên cạnh. Một ngày kia, có một chàng trai mới xuất hiện. Anh ta không biết , mà cũng có thể không chịu tuân theo cái luật im lặng, không ghi thành văn bản đó. Anh ta đon đả với mọi người. Ai có việc gì cũng lăn vào giúp đỡ. Đã thế cứ thấy việc bất bằng trong gia đình ai đó là không chịu được. Khu tập thể đang yên ổn trong bãi tha ma của tình người , vì thế cứ loạn cả lên. Nhân danh nhiều thứ, người ta tìm mọi cớ xua đuổi anh ta đi. Và cái tập thể ấy đã thành công.Nhưng khi anh ta ra đi rồi, họ mới thấy cái khoảng trống ngày càng lớn do anh để lại. Đúng là sống với người quá tốt không dễ chịu chút nào.Nhưng cái ánh sáng và hơi ấm người đó mang đi như đánh thức trong mọi người ở lại một ý thức mới về nếp sống thiếu nhân tính mà họ vẫn tự hào.Chuyện kịch đơn giản. Ghép lại trên sân khấu mấy gia đình trong một khu tập thể, hình ảnh quá quen thuộc của một thời. Trong mỗi căn hộ khép kín, các gia đình sống theo cách riêng của mình, và hình như họ tự tin và tự hào về lối sống đó.Lời thoại không nhiều. Đến lúc này, tác giả cũng đã đủ tự tin để bớt bệnh cho các nhân vật nói cạn lời ( Vì sợ cả người xem, người duyệt và cả người diễn hiểu lầm thiện ý của mình ), trong một không gian đồng hiện khá hạn chế, tác giả đã dệt nên một bức tranh cuộc sống vừa đáng giận, vừa đáng thương. Giận là đến một người tốt như thế,mà cả tập thể bày mưu tính kế, đồng lòng loại anh ta đi bằng được. Đáng thương là khi ngỡ là họ đã thắng vì đuỗi được anh ta đi,thì chính cái tập thể ấy mới nhận ra sự mất mát của mình: Anh ta không đủ xấu để sống hòa hợp với họ. Và họ thì không đủ tốt để tiếp nhận sống chung với anh ta. Đó là một vở kịch về đời thường mà dư âm không tầm thường.

Giai thoại lịch sử và truyện cổ tích là mỏ quặng vô tận cho kịch xưa nay khai thác. NXB Sân khấu có in 100 kiệt tác của sân khấu thế giới, thì một tỉ lệ áp đảo trong số đó là  những vở thuộc hệ thống đề tài này.Rất nhiều tác giả thiên tài đã đo mình và bộc lộ tầm vóc của mình khi viết lại các truyền thuyết này thành kịch. Bởi trong những cốt truyện truyền qua nhiều đời, luôn chứa giử một hàm lượng kinh nghiệm sống, triết lý nhân sinh, nếu biết cách đọc, cách khai thác,sẽ luôn có ý nghĩa hiện đại, mà không cần tác giả cấy ghép vào. Tôi muốn dừng lại ở 2 vở viết lại truyện cổ của tác giả,: Hồn Trương Ba- Da Hàng Thịt, Ông vua hóa hỗ.

Hồn Trương Ba- Da Hàng Thịt: Quá trình xuất hiện không dễ dàng của vở kịch có tầm vóc quốc tế này, nằm ở chính tính chính luận gay gắt và thẳng thắn của tác giả. Vốn chỉ là một truyền thuyết dân gian, có thể khai thác thành hài kịch ,và sân khấu truyền thống VN đã đôi lần khai thác. LQV viết vở này năm 1981-1982, nghĩa là khá sớm. Nhưng không nơi nào nhận dựng.Phải đến1987, Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mới dựng cho Nhà hát kịch VN. Vậy mà khi công diễn, chính tờ báo chính thống nhất đã có bài phê phán gay gắt. Hội Nghệ sĩ SK VN đã phải tổ chức cả một cuộc Hội thảo để bảo vệ quyền tồn tại của vở diễn. Tuy  vậy, cuộc tranh luận vẫn tiếp tục cả khi vở diễn nhận được Huy chương vàng Hội diễn. Đây cũng là vở kịch duy nhất được công diễn cả ở Liên Xô và Mỹ. Được đánh giá cao trong Hội diễn sân khấu Quốc tế ở Maxcơva. Tài nghệ diễn xuất đạt mức kinh điển  của các nghệ sĩ bậc thầy của Nhà hát Quốc gia vào giai đoạn sáng chói nhất của họ là một bảo đảm cho thành công  đầy sức thuyết phục trên mọi sàn diễn cả trong nước và quốc tế. Nhưng triết lý đời sống  mà tác giả đọc được từ câu chuyện hồn này xác kia, thể hiện qua lời thoại và sự chuyển hóa tinh tế trong tính cách các nhân vật, mới thật sự làm nên tầm vóc của một vở kịch, ngay từ thời gian đó, đã đạt đến mức Cổ điển, Kinh điển.Nghĩa là nó  sẽ được ghi tên vào những vở kinh điển trong sân khấu truyền thống nước nhà. Không chỉ 30 năm, mà chắc chắn trong tương lai, nhiều thế hệ nghệ sĩ sẽ còn hăm hở đo mình trong các vai Trương Ba, Hàng Thịt, , hai bà vợ rất cá tính của hai Ông, Vua cờ Đế Thích, Con trai Trương Ba….Tính chính luận của vở kịch trãi dài trong quá trình Thiên đình sửa sai sự tắc trách của nhân viên của mình bằng cách gán cho linh hồn bị chết oan, nhập vào xác một người khác. Bi kịch diễn ra, khi hồn một người trí thức thanh cảnh để tồn tại phải nhập vào xác một anh Hàng Thịt kềnh càng, thô bạo, nhưng lại đầy năng lượng sống. Cuộc đấu tranh để cái hồn không bị xác thịt quyến rũ diễn ra dai dẳng, và hồn không phải bao giờ cũng thắng thế, Những người chung quanh, cũng kẻ vui người buồn vì sự trớ trêu đó. Anh con trai Ông Trương Ba, thậm chí còn thấy gần gũi và vui mừng vì Ông bố từ nay có một hình vóc mới. Bị tát thật đau sau phút bỡ ngỡ, một việc bố xưa chưa hề làm,anh ta bỗng thấy mừng, vì từ nay anh sẽ có một người đồng hành khỏe mạnh khi tham gia vào thương trường mà anh ta đang phất. Chị vợ anh Hàng Thịt thật hạnh phúc vì anh chồng vũ phu của mình, giờ bỗng trở nên nho nhã, hiền lành.Nhưng mặc tất cả những vui buồn tùy vị thế, cuối cùng Ông Trương Ba cũng không thể tồn tại trong thân xác anh Hàng Thịt. Những người phê phán vở kịch không phải không có lý. Nhưng thực tiễn phát triễn của xã hội VN, mà không chỉ VN,đã là bằng chứng bảo vệ cho tính chính luận của vở kịch: Sự thắng thế của nền kinh tế thị trường mang đậm mầu sắc của chủ nghĩa tư bản đã không thể là cái xác – cơ sở vật chất xã hội- cho những lý tưởng nhân văn cao siêu ẩn náu, tồn tại. Sự xuống cấp về đạo đức, giáo dục, an ninh xã hội, và cả văn hóa, nhắc chúng ta là LQV đã nhìn thấy khá sớm , một thực tế : Không thể sửa cái sai này bằng một cái sai khác. Mọi sự chắp vá, gán ghép vội vàng đễ tạo ra những thực thể dị dạng,sớm muộn sẽ dẫn tới sự đào thãi tất yếu của yếu tố lai ghép không hợp quy luật tự nhiên.

 

Ông vua hóa hỗ:Là một vở diễn dựa theo tích cũ về Nhà Sư Từ Đạo Hạnh, đương thời đã được 6 đoàn Chèo, Cải lương, Kịch Dân ca dàn dựng. Trong truyền thuyết dân gian,gắn với sự tích nhà Phật, nhưng đầy thù hận và phép thuật để có thể chiếm ngôi báu. Vốn là con một kẻ tội đồ ( Từ Vinh), đội lốt  sư mà dùng phép thuật biến hóa để  ngủ với thiếp đẹp nhà quan viên, bị giết chết, y báo mộng cho con trai là Từ Đạo Hạnh phải trả thù. Do sức còn có hạn, Từ Đạo Hạnh cùng hai người bạn là Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ sang Tây trúc học các phép thuật biến hóa. Biết động cỏ đi học chỉ để trả thù, nên Phật Tổ không chấp nhận Từ Đạo Hạnh. Thương tình, một vị Bồ Tát lại truyền cho. Trở về, trong khi hai người bạn chuyên tâm tu hành, thì Từ Đạo Hạnh lân la vào cung, vừa trừ được kẻ đã giết cha, lại tìm cách đầu thai vào nhà em Vua, để rồi được chọn kế ngôi là Vua  Lý Thần Tông, khi nhà Vua không có con trai. Nhưng chẳng bao lâu, người của Vua mọc lông như một loài ác thú. Người duy nhất có thể giúp nhà Vua thoat lốt hỗ là nhà sư chân chính Nguyễn Minh Không.

Đây là một câu chuyện cổ, gắn với nhiều địa danh xung quanh Hà Nội: Chùa Láng, sông Cót,  sông Lô, núi Tản,Thạch Thất ,Chùa Phật Tích. Triết lý nhà Phật nhắc nhỡ : Lấy oán báo oán sẽ không tránh khỏi nghiệp báo. Nhưng có lẽ không chỉ có thế.

Sau mấy cuộc chiến tranh đất nước vừa trãi qua, là một người từng tham gia trực tiếp, và sống nhiều năm chịu đựng những di họa của chiến tranh, dù là bên thắng cuộc, tác giả cũng thấm thía một thực tế: Để có thể tham gia chiến đấu và giành chiến thắng, lòng hận thù phải được phát động và biến thành muôn vàn mưu kế để đánh bại kẻ thù , để tiêu diệt được nhiều nhất  sinh lực địch.Lý lẽ của chiến tranh là phải tiêu diệt kẻ thù trước khi nó có thể diệt mình. Nhưng một khi chiến tranh đã đi qua,dù bên nào thắng, để có thể chung tay xây dựng một đất nước, thì không phải bên thua cuộc, mà ngay cả bên thắng cuộc cũng phải tự thay đổi. Nhưng đây là một quá trình không dễ dàng, ngay cả khi có ý thức. Cái lốt hỗ mà Từ Đạo Hạnh mang khi đã lên làm Vua,  nhắc nhỡ người chiến thắng , khi cầm quyền , để cầm quyền,anh đã dùng rất nhiều thủ đoạn , phép thuật quái dị, nếu không biết tự gột rửa, hoàn lương, thì sớm muộn chân dung thật của anh cũng hiện ra. Nhân đây, tôi muốn nói thêm suy nghĩ của mình về cái kết của truyện Tấm –Cám.Đã nhiều ý kiến phê phán và muốn thay đổi cái kết quá tàn ác khi Tấm đem xác Cám làm mắm gửi cho mẹ Cám ăn. Nhưng hình như trong cái kết kinh hoàng này, người xưa gửi cho chúng ta một thông điệp khác, nhằm Cảnh tỉnh  người chiến thắng.Thông thường, ai cũng mong chính nghĩa thắng phi nghĩa, nhân nghĩa thắng bạo tàn. Nhưng một khi đã chiến thắng, thì rất nhiều hành động đương nhiên trong quá trình chiến đấu không thể tiếp tục: bắn, giết, tiêu diệt đối phương.Chính nghĩa của bên chiến thắng phải được tiếp tục xác định trong quá trình tổ chức lại đất nước sau chiến tranh, sao cho không chỉ người bên thắng cuộc có cuộc sống tốt đẹp, mà cả những người bên thua cùng thân nhân của họ cũng có cuộc sống dễ chịu, cùng chung tay xây dựng đất nước. Sau chiến thắng 1975, hàng triệu người phải vượt biên, hàng mấy chục vạn sỉ quan và viên chức VN Cộng hòa đi cải tạo lâu dài, khá nhiều người không có ngày về, sự nghi kỵ thường trực với thân nhân những người từng cộng tác với chế độ cũ, đưa đi kinh tế mới để cải tạo…Nhiều biện pháp trong đó là cần thiết, nhưng có ai đọc thấy tâm trạng hả dạ khi kẻ thù đã quy hàng mà Tấm đã làm với mẹ con Cám hay không?

Hình như không phải ai cũng ý thức nghiêm túc về điều đó, nên đã gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất trong độc lập, mà người Việt Nam vẫn không thể hòa hợp và hòa giải được với nhau. Kha khá những người xuất sắc trong chiến tranh khi cầm quyên trong hòa bình lại bộc lộ nhiều thiếu khuyết, thậm chí bị tù tội, chỉ vì không ý thức về quá trình thanh tẫy những vi lượng được tích tụ từ hận thù truyền kiếp, để chấp nhận và xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống dựa trên những nguyên tắc khác; Cùng tồn tại trong hòa bình. Xóa bỏ hận thù, gác lại quá khứ, cùng nhìn về tương lai. Nói lý thuyết thì dễ. Nhưng thực thi những điều đó trong cuộc sống không hề dễ dàng.Thực tiễn đất nước hiện nay, có phần do chúng ta không kịp nhận ra lời nhắn gửi từ lịch sử luôn có chiến tranh và thay đổi các triều đại mấy ngàn năm qua.Đây cũng là dịp để chúng ta hiểu, vì sao người chỉ huy ba lần đánh thắng quân Nguyên,là Vua Trần Nhân Tông, đã quyết đi tu khi còn trẻ, và lập nên Thiền phái Trúc Lâm tại Yên Tử mà ngày nay đang trở thành một Trung tâm Phật giáo lớn của nước ta.

Chính những minh triết chìm được cấy sâu trong nhiều kịch bản về những đề tài khác nhau đó đã góp phần làm cho tác phẩm của Lưu Quang Vũ có sức sống bền lâu. Và mỗi lần đọc lại, xem lại, chúng ta lại phát hiện ra những vỉa quặng tinh thần mà tác giả gửi gắm qua từng tác phẩm.

Không lâu trước khi mất, Lưu Quang Vũ vẫn hoài nghi:

Như tia nắng, chúng mình không còn mãi / Những câu thơ chắc gì ai đọc lại . Hội thảo sau 30 năm tác giả qua đời đã chúng khẩu đồng từ  gửi tới Người trong cõi nhớ  một câu trả lời đầy thuyết phục.

         

Nhưng tôi nghĩ, Hội thảo của chúng ta không chỉ làm một việc mà tự tác phẩm và thực tiễn cuộc sống đã xác nhận về giá trị các tác phẩm nhiều loại của LQV.

            Phải nhìn nhận một thực tế là chưa bao giờ văn học nghệ thuật nước nhà, nói rộng ra là văn hóa   rơi vào tình trạng đáng lo lắng như những năm tháng này. Hồ Chủ tịch từng dặn : Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Nhưng sự phát triển rầm rộ của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa rộng khắp trên đất nước đã làm cho văn hóa mất phương hướng và hoàn toàn không có chút giá trị dẫn đường nào. Cùng với sự đầu tư ồ ạt của các tập đoàn kinh tế 100% quản lý theo chủ nghĩa tư bản, sự xâm lăng về văn hóa, trong đó có tất vả các loại hình văn học nghệ thuật đã làm méo mó định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc . Dân số VN hiện nay đã trên 96 triệu người. Người Việt định cư ở nước ngoài gần 5 triệu, rãi ra rất nhiều quốc gia. Đó là một lợi thế rất lớn cho những người hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nhưng những người làm văn hóa, và đặc biệt làm văn học nghệ thuật VN đã làm gì để 100 triệu người ấy quan tâm đến mình?Họ đang sống, làm việc, suy nghĩ, mong ước gì, các văn nghệ sĩ, đặc biệt các nhà văn có quan tâm không? Chắc chắn câu trả lời là không dễ. Bằng chứng là từ khá lâu, các nhà thơ, chiếm hơn quá nữa số Hội Viên Hội Nhà văn VN, và hàng vạn Hội Viên Hội Thơ toàn quốc yên phận in 500 bản, chủ yếu để làm quà tặng. Văn xuôi và tiểu thuyết in lần đầu tuyệt đại đa số là 1.000 bản, mà không dễ tiêu thụ hết. Mỗi bộ phim điện ảnh, trung bình chi 20 tỉ, mà không mấy phim có được vài trăm nghìn  người xem để thu hồi vồn, dù cả nước có gần trăm cụm rạp.Phim truyện truyền hình, thì những phim ăn khách thường là mua fomat nước ngoài về Việt hóa. Cũng có một số không nhiều nhà văn , nhà thơ có số lượng in lớn, thậm chí đến 100.000 bản và hơn, Nhưng quả thật không nhiều. Nguy cơ một loại hình chủ lực của văn nghệ, vốn có tác động xã hội to lớn, đang biến thành  cá vàng, cây cảnh của một nhóm nhỏ người chơi. Mặc cho những lý thuyết hiện đại, hậu hiện đại được du nhập để tìm ra những sáng tạo của các tác giả. Nhưng lý thuyết về tiệp nhận có ích gì khi cả trăm triệu người Việt, chỉ có vài nghìn người tiếp xúc với tác phẩm?

              Hy vọng , trí tuệ, tâm huyết của các Nhà khoa học về VHNT nước nhà, qua nghiên cứu trường hợp một tác giả có tác phẩm nhiều thể loại được công chúng rộng rãi yêu mến và đón nhận, sẽ đề xuất được những  ý kiến, biện pháp hửu hiệu đánh thức ý thức xã hội của các văn nghệ sĩ,đồng thời báo động với những người có trách nhiệm về việc xây dựng một nền văn hóa xứng với một đất nước có trăm triệu dân, có nền văn hiến lâu đời với khát vọng Độc Lập, Tự Do.  

 

HN –SG  tháng 6-2018

NGÔ THẢO

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-8-18