24/01/2025

‘Cởi trói’ xuất khẩu gạo

Ngày 15.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 107/2018/ND-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thay thế Nghị định 109.

 

‘Cởi trói’ xuất khẩu gạo

Ngày 15.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 107/2018/ND-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thay thế Nghị định 109.
 
 
 

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nghị định mới /// Công Hân

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nghị định mới  CÔNG HÂN

 
Theo đánh giá của các chuyên gia, nghị định mới đã cởi trói cho doanh nghiệp (DN) ngành lúa gạo để xuất khẩu. Quy định kinh doanh xuất khẩu gạo mới có hiệu lực từ ngày 1.10.
 
Tháo bỏ những điều kiện vô lý
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), thừa nhận chưa đọc kỹ hết nghị định mới nhưng những thay đổi quan trọng nhất thì ông đều nắm rõ. Đó là DN xuất khẩu không phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Lương thực VN (VFA), không còn bắt buộc phải có cánh đồng lớn… Đặc biệt các loại gạo đặc sản, chất lượng cao cũng không còn bị cấm cửa như trước.
 
Trước đó, theo Nghị định 109, các sản phẩm gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không thể xuất khẩu vì vướng các điều kiện về diện tích, sản lượng… Nghị định mới cho phép thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh; được xuất khẩu các loại gạo này không cần có giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ, lưu thông theo quy định chung.
 
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) – một trong nhiều người góp ý xây dựng và sửa đổi Nghị định 109, phấn khởi: Tôi đã đọc hết Nghị định 107. Nói chung là tốt. Nó đã được phê duyệt đúng theo dự thảo trước đó mà cộng đồng DN góp ý. Nghị định mới sẽ tạo mọi điều kiện cho hoạt động xuất khẩu gạo được phát triển tốt hơn. Nghị định mới này không còn “gài” chúng tôi mà nó quy định nhiệm vụ của từng đối tượng trong cả chuỗi giá trị như: DN, chính quyền địa phương, từng bộ ngành…
 
Hai điểm quan trọng nhất trong nghị định mới chính là bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định giá sàn gạo xuất khẩu.
 
Giảm chi phí và thủ tục cho DN
Theo quy định cũ, các DN phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa… Để đáp ứng những điều kiện này, các DN phải tốn chi phí từ 20 – 25 tỉ đồng. Nghị định mới tuy vẫn giữ lại các tiêu chí như phải có kho chuyên dùng, cơ sở xay xát phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, nhưng đã bỏ đi những yếu tố kèm thêm về sức chứa hay công suất. Nghị định mới cũng không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng. Quy định về dự trữ lưu thông cũng được giảm một nửa so với trước. Theo đó, thương nhân phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo thương nhân đã xuất khẩu 6 tháng trước đó, con số cũ là 10%. Việc này giúp DN giảm tồn đọng vốn, phát sinh chi phí.
 
Nghị định mới cũng bỏ quy định thực hiện thủ tục kiểm tra, xác nhận điều kiện kinh doanh của Sở Công thương cấp tỉnh, thay vào đó là cơ chế thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về cam kết đáp ứng điều kiện kinh doanh, chỉ tổ chức hậu kiểm. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo DN chỉ cần nộp một bộ hồ sơ trên trang dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công thương. Trong 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, DN sẽ được cấp giấy. Trong trường hợp không cấp giấy chứng nhận, Bộ Công thương phải trả lời bằng văn bản trong 7 ngày (tính từ ngày nhận hồ sơ). “Thương nhân đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận không phải nộp lệ phí”, đây là một điểm rất đáng chú ý trong nghị định mới.
 
Các chuyên gia ước tính, những quy định mới theo hướng cởi mở hiện nay có thể giúp số lượng thương nhân tham gia xuất khẩu gạo tăng thêm 50 – 60%. Thêm nhiều DN tham gia xuất khẩu cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều đầu ra mới trong điều kiện VN rất cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó, nghị định cũng giúp các sản phẩm gạo đặc thù như gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tìm được thị trường, có cơ hội mở rộng sản xuất. Cái được lớn nhất từ Nghị định 107 chính là dấu ấn cải cách hành chính, giảm phí tạo điều kiện tối đa cho DN. “Chính sách như vậy là tốt rồi. Bộ ngành chức năng đã lắng nghe và thấu hiểu DN. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải tiếp tục trông đợi việc nghị định đi vào cuộc sống như thế nào”, ông Bình nói.
 
 
CHÍ NHÂN