Công chức sai phạm ‘hết cửa’ hạ cánh an toàn ?
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có tờ trình gửi Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng.
Công chức sai phạm ‘hết cửa’ hạ cánh an toàn ?
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có tờ trình gửi Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng.
Minh hoạ: DAD
Liên quan vấn đề này, PV Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – cơ quan tham mưu cho Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra kiến nghị trên.
Ông Đỗ Văn Đạo ẢNH: TRUNG HIẾU |
Thưa ông, vì sao TP.HCM kiến nghị tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng?
Hiện nay luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức; Nghị định số 34/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là công chức) là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Như vậy, quy định thời hiệu xử lý chỉ có 2 năm thôi, nhưng có những vụ việc thanh tra phát hiện công chức gây ra hành vi sai phạm trước 2 năm nên không xử lý kỷ luật được, mà chỉ rút kinh nghiệm. Đây là chuyện thực tế và tại TP.HCM có nhiều chuyện như vậy.
Nhưng vì sao đến giờ TP.HCM mới kiến nghị?
Về việc khắc phục bất cập trong vấn đề thời hiệu xử lý kỷ luật, thực ra TP cũng từng có kiến nghị nhiều lần rồi. Mới đây, TP tiếp tục căn cứ theo quy định kỷ luật về mặt Đảng, tiếp tục kiến nghị tăng thời hiệu xử lý về mặt chính quyền tương thích với thời hiệu xử lý kỷ luật về mặt Đảng. Cụ thể, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là 5 năm đối với hình thức kỷ luật khiển trách và 10 năm đối với các hình thức kỷ luật khác theo quy định.
Theo ông, việc tăng thời hiệu xử lý kỷ luật, sẽ có tính răn đe đối với công chức trong thực thi công vụ?
Xuất phát từ thực tiễn như tôi vừa nêu, tức là có nhiều sự việc xảy ra, sau này mới có điều kiện nhìn lại, thanh tra, kiểm tra. Qua đó, phát hiện những sai sót nhưng vì hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên không xử lý kỷ luật công chức vi phạm được. Cho nên, nếu được Chính phủ đồng ý theo hướng tương thích với thời hiệu xử lý kỷ luật của Đảng, thì sẽ góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhiều hơn.
Tức là anh nếu có sai phạm, mặc dù thời gian sai phạm đã lâu, nhưng sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra phát hiện được sai phạm của anh trong thời điểm còn đương chức, thì vẫn xử lý kỷ luật được anh theo đúng quy định; trong vòng 5 năm, 10 năm vẫn bị xử lý. Theo quy định cũ, nếu như anh vi phạm 3 năm rồi, giờ mới phát hiện ra, đáng lẽ tội của anh phải bị xử lý kỷ luật khiển trách, hoặc cảnh cáo… nhưng mà hết thời hiệu xử lý, thì cơ quan chức năng không thể xử lý được.
Thanh tra Chính phủ thông báo những sai phạm trong dự án Khu dân cư Miếu Nổi (TP.HCM) từ hơn 12 năm qua nhưng chưa được giải quyết dứt điểm ẢNH: ĐỘC LẬP
Chúng ta cần nhận ra bất cập đó để điều chỉnh. Nếu thời hiệu xử lý kỷ luật tăng lên, thì sẽ tăng cường tính răn đe cao hơn, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính của bộ máy nhà nước, bởi thực tế có nhiều vụ, nhiều trường hợp vi phạm, khi đã qua 2 năm, tưởng là đã “thoát” rồi, đã hạ cánh an toàn rồi.
Góp phần phòng chống tham nhũng
Tăng thời hiệu xử lý kỷ luật cũng sẽ góp phần quan trọng về hành lang pháp lý cho nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mang lại kết quả tích cực hơn?
Tăng thời hiệu xử lý sẽ tránh triệt để được tình trạng mà người ta hay ví là “để lâu phân trâu hóa bùn”. Thực tế, các đơn vị thanh tra, kiểm tra có rất nhiều việc nên đâu phải lúc nào cũng làm hết tất cả mọi việc kịp thời ngay được. Có những việc sai phạm đã xảy ra rồi, nay có điều kiện làm, nhưng đôi khi gặp nhiều tình huống phát sinh, vấn đề phức tạp làm kéo dài thời gian xử lý, cũng phần nào làm cho người vi phạm có cơ hội thoát tội. Do vậy mà việc điều chỉnh thời hiệu tăng lên sẽ góp phần cảnh báo, ngăn ngừa hành vi sai phạm. Tăng thời hiệu cũng giúp cơ quan kiểm tra, giám sát đủ thời gian để thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng xem xét xử lý đúng người, đúng tội, tránh sót người, lọt tội, đặc biệt góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực…
Khi được thực hiện tăng thời hiệu xử lý kỷ luật công chức, liệu có gây xáo trộn gì về tổ chức bộ máy, về điều hành quản lý?
Chúng tôi không nhận thấy có sự ảnh hưởng gì đến công tác điều hành quản lý, thậm chí tăng thời hiệu xử lý kỷ luật công chức sẽ thúc đẩy, góp phần quan trọng cho việc chấp hành kỷ cương hành chính, quy định pháp luật trong thực thi công vụ. Trong nhiều cuộc làm việc với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, người ta đặt ra vấn đề là vì sao mình không xử lý mà chỉ rút kinh nghiệm? Không phải TP không xử lý mà do vướng quy định về thời hiệu. Thực tế có câu chuyện đó, chứ không phải do bao che cho người gây ra sai phạm. Có những vụ không nổi đình nổi đám, nhưng cũng do vướng thời hiệu nên không xử lý được.
Nếu thời hiệu xử lý tăng lên, sẽ áp dụng với những chức danh nào?
Tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính công của TP, không phân biệt viên chức cấp xã, hay giám đốc sở, chủ tịch UBND quận, huyện…, nếu gây ra sai phạm, thì trong thời hiệu theo quy định mới vẫn bị xử lý như thường, không phân biệt là cán bộ cấp nào cả. Thời hiệu nếu được nâng lên, thì các trách nhiệm về pháp lý, tài chính… liên đới đến hành vi sai phạm của công chức gây ra, đều phải chịu trách nhiệm hết. Thẩm quyền điều chỉnh tăng thời hiệu xử lý là của Chính phủ, nếu Chính phủ sửa các nghị định liên quan thì thực hiện được ngay. Nếu sau này luật sửa đổi, hoàn thiện hơn thì dựa vào đó thực thi.
Ý KIẾN
Đề xuất hợp lý
Theo tôi, đề xuất điều chỉnh thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng của UBND TP.HCM là hợp lý. Hiện nay, quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức chỉ trong vòng 24 tháng là quá ngắn, dẫn đến tình trạng nhiều người tìm cách giấu giếm hành vi vi phạm đến khi quá thời hiệu xử lý thì coi như “chìm xuồng”. Chúng ta đã nói, việc xử lý không loại trừ một ai, không có vùng cấm, không có “hạ cánh an toàn” thì việc tăng thời hiệu xử lý là một cách khắc phục tình trạng này.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra T.Ư
Tính toán thật kỹ lưỡng
Hiện nay, vấn đề thời hiệu xử lý kỷ luật vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Thời hiệu xử lý kỷ luật ngắn quá thì dễ dẫn đến bỏ lọt những sai phạm lớn chứ không chỉ là sai phạm nhỏ. Điều đó rất nguy hiểm mà cũng không công bằng. Tuy nhiên, hiện nay cũng có quan điểm cho rằng nên bỏ luôn thời hiệu xử lý kỷ luật, nghĩa là hành vi vi phạm không kể là 2 năm hay 10 – 15 năm, bất cứ khi nào phát hiện ra đều có thể xử lý. Tuy nhiên, bỏ thời hiệu cũng có cái gay. Liệu mấy chục năm sau thì có xử lý được không? Mấy chục năm thì có tài liệu chứng cứ để xử lý không?… Vậy, thời hiệu xử lý bao nhiêu năm là vừa là vấn đề rất cần phải tính toán thật kỹ lưỡng chứ không thể vội vã được.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Lê Hiệp – Thái Sơn (thực hiện)
|
Chỉ phê bình, rút kinh nghiệm vì hết thời hiệu xử lý
Đối với TP.HCM, Thanh tra Chính phủ (TTCP) từng có nhiều kết luận về những sai phạm đất đai liên quan đến nhiều cán bộ, công chức. Trong đó, có kết luận công bố từ 7 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Điển hình nhất là Kết luận thanh tra số 2889/KL-TTCP ngày 27.11.2011 về thanh tra công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quản lý sử dụng đất tại TP.HCM. Theo đó, TTCP yêu cầu TP.HCM xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan đến các khiếm khuyết và vi phạm được nêu trong Kết luận 2889.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, kết luận thanh tra của TTCP nêu ra hàng loạt cơ quan, đơn vị: Ban Quản lý khu Nam, Sở QH-KT, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, UBND Q.2, Q.7, Q.9, Q.Thủ Đức, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh, Cục Thuế TP.HCM và hàng loạt chi cục thuế trực thuộc đơn vị này… với hàng chục cá nhân có khiếm khuyết và vi phạm. Liên quan đến xử lý kỷ luật, ngày 6.12.2016, UBND TP.HCM có báo cáo Thủ tướng và TTCP về kết quả xử lý với hình thức chủ yếu là phê bình, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5.2018, Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt ý kiến Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu việc xử lý phải bảo đảm khách quan, nghiêm túc, đúng quy định pháp luật; nếu chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm chung chung đối với tổ chức, cá nhân vi phạm là chưa nghiêm túc.
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, UBND TP.HCM giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thanh tra TP và các cơ quan chức năng có liên quan (mời Ban Tổ chức Thành uỷ và Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ cùng dự) để tiến hành kiểm tra, rà soát lại quá trình kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ngày 11.7 vừa qua, trong văn bản báo cáo của UBND TP.HCM gửi Thủ tướng, các cơ quan, đơn vị nêu trên không xử lý kỷ luật về mặt chính quyền mà chỉ tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm như nội dung báo cáo ngày 6.12.2016; riêng đối với Cục Thuế TP.HCM, có 7 cá nhân là công chức và công chức giữ chức vụ quản lý cũng không bị kỷ luật mà chỉ phê bình nghiêm khắc về mặt Đảng.
Lý giải thêm về việc không xử lý kỷ luật về mặt chính quyền, báo cáo của UBND TP.HCM nêu: Trên cơ sở kết quả rà soát của các đơn vị và căn cứ theo quy định tại khoản 1, điều 6 Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức: “Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật”, Sở Nội vụ xác định không còn thời hiệu để xem xét xử lý kỷ luật về mặt chính quyền đối với các cá nhân sai phạm.
Ngoài ra, Kết luận số 256 của TTCP báo cáo Thủ tướng ngày 23.2.2008 đã chỉ ra trong quá trình triển khai dự án Khu công nghệ cao đã để xảy ra thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến khiếu kiện. Qua thanh tra, xác minh có một số nội dung tố cáo của người dân là có cơ sở như: việc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, không ban hành các quyết định thu hồi đất, việc công khai bản đồ quy hoạch có sai sót… Những sai phạm của cá nhân, tổ chức trong khi thực hiện dự án Khu dân cư Miếu Nổi (TP.HCM) được TTCP chỉ ra tại kết luận thanh tra hơn 12 năm qua nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Đình Phú
|
ĐÌNH PHÚ