Reuters hôm qua dẫn lời lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei kêu gọi nhanh chóng có hành động ứng phó “cuộc chiến kinh tế” mà nước này đang đối mặt. Việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt khiến đồng rial của Iran mất hơn phân nửa giá trị so với thời điểm tháng 4. Nhu cầu về USD tăng vọt khi người dân muốn chuyển sang đồng tiền này để không bị mất giá. Chi phí sinh hoạt cũng tăng chóng mặt dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối nạn đầu cơ trục lợi và tham nhũng. Chính quyền Iran còn cáo buộc Mỹ, Israel, Ả Rập Xê Út và phe đối lập lưu vong “bắt tay gây ra sự hỗn loạn của hệ thống tiền tệ”. Mặt khác, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran dự kiến có hiệu lực từ tháng 11 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng cảnh báo rằng nước này đang là mục tiêu của chiến tranh kinh tế. Dù khẳng định đất nước chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng hay phá sản, ông Erdogan cho rằng việc đồng lira bị mất giá 40% trong năm nay là do “âm mưu tiền tệ”. Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng gấp đôi thuế nhập khẩu nhôm và thép từ Thổ Nhĩ Kỳ khiến đồng lira xuống thấp kỷ lục được ông Erdogan mô tả là “quả tên lửa” trong cuộc chiến kinh tế nhằm vào nước này. Trong bài viết đăng trên tờ The New York Times, Tổng thống Erdogan tuyên bố những “hành động đơn phương” của Mỹ sẽ làm tổn hại lợi ích của Washington và buộc Ankara có thể tìm kiếm những người bạn và đồng minh mới.
Những diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Mới đây nhất, Washington thông báo sẽ áp thuế 25% lên 16 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc từ ngày 23.8. Bắc Kinh lập tức trả đũa khi thông báo sẽ áp thuế suất tương tự đối với 16 tỉ USD hàng hoá Mỹ vào cùng thời điểm. Hôm qua, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevêdo lên tiếng cảnh báo chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ sẽ gây thiệt hại cho tất cả, với nguy cơ làm sụp đổ trật tự thương mại thế giới từ sau Thế chiến 2. “Dù có gọi tình trạng hiện tại là chiến tranh thương mại hay không thì chắc chắn những phát pháo đầu tiên đã được khai hoả. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hành động”, ông kêu gọi trong bài viết trên tờ The Independent.
KHÁNH AN