Bộ trưởng Nhạ xin lùi thông qua Luật Giáo dục vào năm 2019
Sau khi nghe nhiều ý kiến của các uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin lùi thời hạn thông qua dự án Luật Giáo dục sang kỳ họp giữa năm 2019.
Bộ trưởng Nhạ xin lùi thông qua Luật Giáo dục vào năm 2019
Sau khi nghe nhiều ý kiến của các uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin lùi thời hạn thông qua dự án Luật Giáo dục sang kỳ họp giữa năm 2019.
Chiều 8/8, phiên họp thứ 26 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu có một số vấn đề hiện rất khó như kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, “để lại nhiều suy nghĩ cho các đại biểu Quốc hội và người dân”.
Cân nhắc giữ hay bỏ thi tốt nghiệp THPT quốc gia
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết Luật Giáo dục hiện hành quy định học sinh học hết chương trình THPT, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Theo ông, vấn đề này có 2 loại ý kiến. Thứ nhất, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.
Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ. Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chọn ý kiến thứ nhất.
|
Có ý kiến đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Ảnh: Việt Linh. |
Thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại.
Việc điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.
“Không thể không lấy ý kiến người dân”
Góp ý cho dự án luật này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích vừa rồi có chuyện trong thi tốt nghiệp THPT để lại nhiều dư âm và đang phải xử lý. Theo ông, tổ chức thi tốt nghiệp THPT giao cho địa phương như vừa qua có rất nhiều vấn đề phức tạp.
“Việc này liên quan nhiều đối tượng nên cần xin ý kiến người dân, chuyên gia để quyết sách cho đúng, trúng. Nếu kỳ họp tới (kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2018) mà Quốc hội quyết thông qua thì hơi sớm”, ông Phúc nói.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện, nhận định kỳ thi THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn. Nhiều ý kiến vừa qua cho rằng tỷ lệ thi đỗ là 98% đỗ, chỉ có 2% trượt thì không cần thi.
“Nếu không thi, điều này có ảnh hưởng ngược lại, nếu không thi thì chất lượng ra sao. Bộ GD&ĐT có đảm bảo là không thi thì vẫn đảm bảo không. Công tác dạy và học có còn nghiêm túc không”, Trưởng ban Dân nguyện nêu vấn đề.
|
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xin lùi thông qua Luật Giáo dục sửa đổi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cũng theo bà, phương án 2 nếu Bộ GD&ĐT khẳng định việc dạy, kiểm tra, giám sát không đảm bảo thì bỏ phương án này. Còn, việc gộp 2 kỳ thi với mong muốn mang sự nghiêm túc của kỳ thi đại học vào kỳ thi THPT.
“Nguyên tắc là đúng nhưng cách tổ chức lại không ổn. Kết quả thi tốt nghiệp THPT lại bị điều khiển bởi nguyện vọng vào các trường đại học. Vì vậy, chúng ta cần thận trọng và nên tiếp tục xin ý kiến của nhân dân, chuyên gia về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) về kỳ thi này”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Góp ý thêm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh dự án luật cần sửa đổi toàn diện, giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân như làm luật đất đai.
“Ban soạn thảo tổng hợp, hoàn thiện sau kỳ họp 6 tiếp tục hoàn thiện và thông qua tại kỳ họp 7 cho chắc chắn. Sau khi xảy ra tiêu cực thi cử vừa rồi, nhân dân rất quan tâm luật này, không thể không thể lấy ý kiến rộng rãi vì đụng tới từng nhà”, lãnh đạo Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội thừa nhận không thể phủ nhận thành tích, nỗ lực, thành quả của nền giáo dục mang lại cho các thế hệ. Bà cho rằng: “Cái gì tiêu cực có địa chỉ chứ không phải cả nền giáo dục như thế. Chúng ta cần đánh giá công bằng, đừng lấy một việc đánh giá chung là tệ. Cái đổi mới cần thiết nhưng cần ổn định, đừng để năm nay tuyển sinh thế nào tuyển sinh ra sao, đừng năm nào được năm đấy.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đại biểu tại phiên họp. Để chuẩn bị chu đáo hơn cho dự án luật, Bộ trưởng Nhạ xin lùi dự án luật đến kỳ họp thứ 7 (giữa 2019) trình Quốc hội.
Thắng Quang