25/01/2025

Sóng gió bao trùm chứng khoán Trung Quốc

Trung Quốc mất vị thế thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới giữa lúc xung đột thương mại với Mỹ leo thang.

 

Sóng gió bao trùm chứng khoán Trung Quốc

Trung Quốc mất vị thế thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới giữa lúc xung đột thương mại với Mỹ leo thang.
 
 
 
Diễn biến vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc và Nhật Bản /// Nguồn: Bloomberg - Đồ họa: Hạ Huy

Diễn biến vốn hoá thị trường chứng khoán Trung Quốc và Nhật Bản  NGUỒN: BLOOMBERG – ĐỒ HOẠ: HẠ HUY

 
Bloomberg hôm qua đưa tin thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ ba thế giới về tổng giá trị vốn hoá khi chỉ còn 6.090 tỉ USD, sau phiên lao dốc ngày 3.8. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản vươn lên vị trí thứ hai với tổng giá trị vốn hoá đạt 6.170 tỉ USD. Mỹ vẫn là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới với hơn 31.000 tỉ USD.
 
Thị trường chứng khoán Trung Quốc từng vượt Nhật cuối năm 2014, sau đó đạt mức cao kỷ lục hơn 10.000 tỉ USD hồi tháng 6.2015. Tuy nhiên, cả chứng khoán và nhân dân tệ đồng loạt giảm mạnh trong năm nay do căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế do chính phủ thúc đẩy cũng như tình trạng tăng trưởng chậm lại.
 
“Việc Trung Quốc để mất thứ hạng hai vào tay Nhật là hậu quả từ căng thẳng thương mại. Chứng khoán Nhật Bản đang ổn định hơn trong khi chứng khoán Trung Quốc lại giảm mạnh trong năm nay”, ông Banny Lam, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn đầu tư quốc tế CEB tại Hồng Kông, nhận định.
 
 
Ngày 4.8, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng xã luận chỉ trích Mỹ “đe doạ và tống tiền” nước này liên quan đến căng thẳng thương mại hiện nay. Cùng ngày, Reuters đưa tin Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung từ 5 – 25% đối với 5.207 mặt hàng nhập từ Mỹ trị giá 60 tỉ USD nhằm trả đũa kế hoạch của Nhà Trắng về nâng thuế lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng h Trung Quốc, thay vì 10% như dự kiến ban đầu. Đây là loạt thuế bổ sung sau khi Washington đầu tháng 7 đã áp thuế 25% đối với 34 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc và có kế hoạch áp thuế với lượng hàng hóa khác của nước này trị giá 16 tỉ USD.
 

Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải đã mất 17% giá trị tính từ đầu năm 2018, nằm trong nhóm các chỉ số giảm điểm mạnh nhất thế giới. Trong phiên đóng cửa ngày 3.8, Shanghai Composite tiếp tục giảm 1% xuống 2.768,02 điểm, theo Reuters. Các cổ phiếu công nghệ và công nghiệp giảm sâu nhất so với cổ phiếu các nhóm ngành khác. Cùng với đó, nhân dân tệ giảm 5,3% giá trị so với USD, theo tờ The Economic Times. Hồi đầu tuần, Bộ Chính trị Trung Quốc thông báo các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung hơn vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro từ xung đột thương mại leo thang. Tuy vậy, chỉ số Shanghai Composite vẫn trải qua một tuần “đỏ bảng” tồi tệ nhất kể từ đầu tháng 2 khi mất 4,6% giá trị.

Đánh mất vị trí thứ 2 trên thị trường tài chính toàn cầu cho thấy dù thị trường chứng khoán Trung Quốc có quy mô lớn song vẫn chưa tương xứng với quy mô nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết mở nhiều lĩnh vực đầu tư vào nhiều ngành từ ngân hàng đến nông nghiệp song sở hữu nước ngoài về cổ phiếu và trái phiếu vẫn còn thấp. Tỷ lệ của nhân dân tệ trong thanh khoản toàn cầu vào tháng 6.2018 giảm xuống còn 1,81% so với mức 1,88% của tháng trước đó, theo Bloomberg dẫn số liệu của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế (SWIFT).
 
Trong khi đó, dù chỉ số Topix trên thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 4% giá trị trong năm nay song đây vẫn là một trong những thị trường tăng trưởng tốt ở châu Á giữa lúc có sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và hầu hết doanh nghiệp nước này đạt lợi nhuận tốt. Gần 60% số công ty báo cáo lợi nhuận tăng vượt kỳ vọng của giới chuyên gia.
 
 
HUỲNH THIỀM