Người Nhật gọi họ là nghệ nhân, nhưng danh xưng ấy chẳng quan trọng bởi họ tìm an vui từ công việc với tâm niệm: còn sức khoẻ, còn làm việc với cả đam mê, mục đích giới thiệu nét văn hóa Nhật Bản thông qua những sản phẩm thủ công đậm sắc màu truyền thống.
Kokeshi và văn hoá onsen
Ngoài ngư trường nổi tiếng, Miyagi còn là “miền đất hứa” cho người thích tắm suối nước khoáng nóng (onsen) của Nhật Bản. Những thị trấn như Naruko, Togatta dưới chân dãy núi Zao, từ thời Edo (1603 – 1868) đã là nơi giới quý tộc tìm đến nghỉ dưỡng, kiếm sĩ samurai đến trị thương sau các trận giao tranh ác liệt, các gia đình đến thư giãn nhờ vào nguồn nước nóng giàu khoáng chất bơm lên từ lòng đất. Đây là nguyên cớ để người Naruko, Togatta tạo nên búp bê Kokeshi bán làm quà lưu niệm. Lịch sử ghi lại búp bê Kokeshi của vùng Tohoku ra đời đầu tiên ở Togatta. Từ đó, việc chế tác Kokeshi ở Nhật thường gắn liền các điểm tắm suối khoáng nóng.
Tìm đến ngôi làng Togatta, cái nôi búp bê Kokeshi truyền thống, tôi gặp chị Shibata Mariko – điều hành hợp tác xã chế tác búp bê ở Togatta, để nghe giới thiệu về lịch sử Kokeshi của làng: “Từ thế kỷ 17, Togatta có nhiều thợ mộc nổi tiếng vì bao quanh là rừng, nhưng công việc chỉ vào mùa hè, mùa đông không có việc. Khi onsen phát triển, khách nghỉ dưỡng thường đến vào mùa đông, nhiều gia đình mang theo con nhỏ. Thợ mộc nghĩ cách làm búp bê gỗ Kokeshi từ cây mizuki (sơn thù du) mọc nhiều ở núi Zao, với tạo hình đơn giản, không tay chân, gồm đầu tròn và thân hình trụ, được sơn vẽ mái tóc, khuôn mặt, vài họa tiết trên thân người, bán cho các bé gái để chúng làm đồ chơi trong kỳ nghỉ ở onsen, vậy là Kokeshi ra đời”.
Sản phẩm gia dụng từ sơn mài trong xưởng của nghệ nhân Goto Tsuneo ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
|
Mỗi dòng Kokeshi truyền thống mang những phong cách riêng, và để phân biệt, người Nhật dùng tên địa danh của vùng có suối khoáng nóng đó đặt kèm với búp bê. Thống kê có 11 phong cách chế tác Kokeshi gồm: Kijiyama, Tsugaru, Nanbu, Naruko, Yamagata, Zao, Sakunami, Tsuchiyu, Hijiori, Togatta và Yajiro.
Ông lão… búp bê
Qua giới thiệu của Shibata Mariko, tôi may mắn gặp được ông cụ chế tác búp bê Kokeshi lâu đời nhất Togatta hiện nay là Sakuta Koichi.
Chiều muộn, góc xưởng nhỏ của Satuka Koichi vẫn rộn ràng tiếng máy phay, nơi ông cụ quắc thước, đôi mắt tinh anh, đầu chít khăn, cặp tay thoăn thoắt cặm cụi tiện những cục gỗ đủ hình thù thành cái đầu tròn xoe của búp bê Kokeshi. Chị Mariko bảo: “Cụ ngoài 80 rồi đấy, miệt mài thế nhưng tính hài hước lắm. Cả làng hiện còn ba cụ trên 80 vẫn làm búp bê Kokeshi”.
Gặp khách lạ, ông lão dừng tay và kể luôn một lèo về búp bê Togatta Kokeshi: “Chi tiết nhìn ra búp bê từ làng Togatta, ấy là đầu to, thân nhỏ hình trụ thẳng, mắt mảnh lá liễu. Hoa văn 6 kiểu cơ bản là hoa cúc chồng nhau (kasane-giku), hoa anh đào giản đơn (sakura-kuzushi), hoa mận (eda-ume), mẫu đơn kép (kasane-botan), hoa mặt trời (asahi-giku), đường vân gỗ (mokume)”. Trong lúc thao thao nói về búp bê, cụ Sakuta với tay nhặt cục gỗ bé xíu bên bàn làm việc, tỉ mẩn khoan giũa, loáng cái đã ra con quay xinh xinh, thêm vài đường tô màu là thành sản phẩm đồ chơi hoàn thiện. Cụ hài hước bảo: “Tuổi chú nhỏ, chơi cái này, mai mốt lớn chơi búp bê Kokeshi của tôi nhé”.
Hỏi ông tuổi đã cao, có bao giờ tính chuyện nhường việc cho lớp kế thừa. Ông cụ vỗ vỗ cơ bắp, bảo vẫn dẻo khoẻ, trẻ dai lắm, đủ sức làm Kokeshi đến hơn trăm tuổi. Rồi giọng ông chùng lại: “Người làng Togatta làm búp bê truyền thống như tôi không còn nhiều, lớp trẻ sau này chẳng mấy ai theo nghề. Tôi cố gắng mỗi ngày tạo ra thật nhiều búp bê, phần giữ nghề cho bản thân, cho làng Togatta, phần duy trì nét văn hoá truyền thống từ xa xưa các thợ mộc ở đây đã sáng tạo nên con búp bê giản dị, mộc mạc, đáng yêu này. Tôi mong có thế hệ kế thừa, vẫn làm theo nguyên bản như búp bê Togatta Kokeshi của ngày xưa”.
|
|
Độc đáo Kokeshi
Hiện còn khoảng 160 nghệ nhân làm Kokeshi ở cả vùng Tohoku. Từ thập niên 1950, nghệ nhân chế tác Kokeshi thường lưu lại tên dưới mỗi tác phẩm, nên Kokeshi từ đó không chỉ là đồ chơi, mà còn mang giá trị sưu tập, lưu giữ nét tinh hoa của người chế tác, có thể là cảm xúc qua hình thái khuôn mặt, là kỹ thuật qua lối tạo hình, nhìn vào con búp bê, thấy ở đó sự thanh thản, bình an, gần gũi và thân thiện để rồi phải buột miệng thốt lên “Shibu kawaii!” (Dễ thương quá!).
Chuyên viên phát triển sản phẩm Junka Kawakami cho biết: “Không ngờ ở Nhật lại còn những nghệ nhân độc đáo đến vậy. Chuyến đi này giúp mình hoàn thiện các dự án phát triển sản phẩm thủ công truyền thống do nghệ nhân cao tuổi chế tác nhằm giới thiệu văn hóa truyền thống Nhật đến bạn bè quốc tế”.
|
|
|
Được người làng tôn kính và chính phủ phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhưng ông Sakuta Koichi thẳng thắn chia sẻ: “Danh xưng chỉ là cái bề ngoài, hôm nay người ta gọi mình thế này, mai họ cũng có quyền gọi mình thế khác. Tôi coi mình là người thợ lành nghề, từng ngày cố gắng làm đúng và làm tốt những gì đã học từ thế hệ đi trước”.
Sơn mài Nhật ở Naruko
Nổi tiếng về onsen, búp bê Naruko Kokeshi danh tiếng không kém, ngôi làng này có hẳn một con đường mang tên Kokeshi. Nhưng Naruko cũng đang sở hữu một báu vật sống của sơn mài Nhật, chính là nghệ nhân 72 tuổi Goto Tsuneo với hơn 50 năm tuổi nghề. Xưởng sơn mài của ông nằm dưới chân núi, bao quanh bởi các khu tắm onsen nhả khói nghi ngút không ngớt ở mọi mùa quanh năm.
Tiếp khách trong căn phòng nhỏ xinh ngập sản phẩm chế tác từ sơn mài, trên vách vô số bằng khen từ những triển lãm trong và ngoài nước, nghệ nhân Goto Tsuneo mở chuyện: “Ở Naruko sơn mài phát triển từ thời Edo, nhưng cha mẹ lại gửi tôi đến tận Akita học nghề. Học hơn hai năm toàn bưng bê phụ việc, nản quá nên tôi trốn về nhà. Cách nhà vài trăm mét, tôi vào tiệm thức uống giải khát, rồi tự nghĩ không biết sẽ phải giải thích với ba mẹ ra sao. Tính đi tính lại, tôi quay trở lại Akita học tiếp”.
Nhờ “quay lại là bờ” mà hôm nay Naruko có một nghệ nhân sơn mài đẳng cấp. Mỗi ngày, Goto Tsuneo làm miệt mài từ sáng đến chiều muộn. Hai ngón tay cái do vẽ, mài sơn, đánh bóng đến nỗi chúng to bè, dị dạng, nhưng cũng là dấu chỉ cho thấy công sức lao động không mệt mỏi của Goto Tsuneo. Tiếp chuyện với khách phương xa, Goto Tsuneo vẫn không ngơi tay, ông vừa nói vừa đánh bóng lại chiếc hộp đựng mạt trà, phủ sơn đen. Ông bảo thứ này càng xài lâu, màu đen sẽ bay dần, lớp sơn trong veo lộ ra đường vân gỗ đẹp mắt. Đây là phong cách chế tác ưa thích của Goto Tsuneo, có tên gọi Kijiro-nuri. Mỗi sản phẩm Goto Tsuneo tạo ra, mất ít nhất cả tháng trời mới hoàn thiện, xứng đáng là tác phẩm hơn là đồ mỹ nghệ thông thường. Ông chia sẻ: “Tôi tuân theo quy trình cơ bản về kỹ thuật chế tác sơn mài, còn gọi đó là tác phẩm hay sản phẩm, tôi nghĩ do quan niệm. Để có được hiện vật sơn mài chất lượng đều phải bắt nguồn từ những khuôn phép cơ bản nhất”.
NGUYỄN ĐÌNH