Sau vụ đồ chơi Trung Quốc có hình “đường lưỡi bò” sai phạm được bán công khai trên sàn thương mại điện tử Shopee bị phát hiện và gỡ bỏ, dạo một vòng trên các chợ điện tử, hàng Trung Quốc nhái, giả, không rõ nguồn gốc… vẫn tràn ngập.
Sản phẩm “Quảng Châu” thống lĩnh
Mặc dù cuối tháng 7, hàng loạt phương tiện truyền thông, trong đó có Báo Thanh Niên đã phản ánh tình trạng hàng nhái, hàng giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại VN nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.
Hai ngày cuối tuần qua, khi tìm kiếm trên hai “chợ” điện tử lớn tại VN như Lazada và Shopee, hàng loạt sản phẩm nhái, giả và xuất xứ Trung Quốc vẫn chiếm đa số. Ví dụ trên Shopee, những đôi giày nữ được giới thiệu hàng Adidas vẫn được bán giá 200.000 đồng/đôi; đôi giày nam được rao “giày nam adidas neo porche 3 sành điệu” có giá 339.000 đồng. Hay túi Furla quai thổ cẩm được rao “giá sốc” từ 155.000 đồng xuống còn 79.000 đồng. Tương tự, nước hoa trên Lazada vẫn “hàng hiệu giá sốc” như chai Lancome Tresor 100 ml giá giảm hẳn 50%, từ 240.000 đồng xuống 120.000 đồng. Dù hình ảnh sử dụng hàng thật nhưng khi ghi tên thì người bán thêm vào na ná như “Lanccccome Tressssor”. Hoặc hình ảnh đôi giày Gucci được giới thiệu “Giày thể thao kim sa GC” trên Lazada được giảm 30%, từ 170.000 đồng xuống 119.000 đồng…
Trên các trang Sendo, chodientu.vn, 123mua.vn… tình trạng cũng tương tự. Có thể kể đến từ quần áo, giày dép, ba lô túi xách đến nước hoa, đồ chơi, quần áo trẻ em đều hàng giả, hàng nhái na ná từ kiểu dáng đến thương hiệu của các hãng lớn. Bên cạnh đó, số hàng hóa ghi rõ hàng Quảng Châu, hàng xách tay từ các trang TMĐT lớn của Trung Quốc khá nhiều. Đáng chú ý, ngoài đặt tên na ná các thương hiệu nổi tiếng thì dù tìm kiếm rất kỹ nhưng đa số sản phẩm được rao bán trên các chợ này không ghi rõ xuất xứ, thương hiệu và không có chế độ bảo hành.
Thậm chí, hiện nay trào lưu hàng xuất xứ theo kiểu “OEM” từ Trung Quốc (người bán tự đặt hàng nhà sản xuất với tên thương hiệu riêng) cũng được bán khá rộng rãi. Vì vậy khi muốn mua bộ đồ chơi lục lạc 4 món cho bé với giá 58.000 đồng, giảm 47% so với giá gốc trên Lazada nhưng tìm hoài không thấy ghi xuất xứ, chúng tôi hỏi người bán thì sau đó được phản hồi là đồ sản xuất tại Trung Quốc.
Nhiều người mua cho biết, chỉ sau khi nhận hàng mới biết hàng có xuất xứ Trung Quốc, trong khi trước đó người bán còn khẳng định là hàng tự đặt sản xuất “OEM” hoặc hàng của VN…
Một chuyên gia marketing tại TP.HCM đã khẳng định rằng phải đến 8 – 9/10 món hàng đang được bán ở các “chợ” điện tử lớn tại VN đều là hàng xuất xứ Trung Quốc. Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, thừa nhận chính bà mới đây cũng mua phải hàng dỏm là một đôi giày được quảng bá “sản phẩm Hàn Quốc” nhưng khi nhận mới thấy đó là hàng Trung Quốc với chất lượng kém xa lời người bán mô tả.
|
Hàng loạt sản phẩm nhái, hàng Trung Quốc vẫn bán công khai trên sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
|
Kiện hàng dỏm, người bán… mất tích
Luật gia Phan Thị Việt Thu cho biết Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM thời gian qua đã nhận rất nhiều khiếu nại về việc mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng từ các trang bán hàng TMĐT. Nhưng hầu hết đều không thể giải quyết được vì không liên hệ được với người bán. Khi đó người mua đành ngậm ngùi chịu mất tiền. Nhiều trường hợp dù người bán để cả địa chỉ, số điện thoại nhưng gọi không ai nghe máy, hoặc người mua ở TP.HCM trong khi người bán ở tận các tỉnh phía bắc nên địa chỉ cũng không biết có thật hay là địa chỉ “ma”.
Theo luật gia này, việc kiểm tra giám sát môi trường bán lẻ qua mạng của VN đang là lỗ hổng rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước. “Nhà nước cần phải có giải pháp quyết liệt để quản lý hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cần có hướng dẫn quảng bá cho người tiêu dùng biết các trang TMĐT hay chợ điện tử có vi phạm để họ cảnh giác khi mua hàng qua mạng”, luật gia Phan Thị Việt Thu nhấn mạnh.
Chuyên gia marketing Lê Phụng Hào cho rằng: Việc công khai bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ của các chợ điện tử sẽ khiến việc này được “khuếch tán” nhanh chóng trên toàn quốc. Đây hầu hết là hàng sản xuất từ các cơ sở nhỏ lẻ ở những vùng ven từ nhiều nơi sát biên giới VN, nhất là từ Trung Quốc và tràn vào theo đường tiểu ngạch. Điều này khiến hàng của các công ty sản xuất, các cơ sở kinh doanh trong nước càng không thể cạnh tranh được. Nguy hiểm hơn trong khi các đơn vị kinh doanh có cửa hàng cụ thể, nếu bán hàng nhái hàng giả dễ bị quản lý thị trường phát hiện và bị tịch thu toàn bộ sản phẩm thì với chợ online, kho hàng thường ở chỗ khác nên không sợ bị thu giữ hàng hoá. Điều này càng khiến họ “táo tợn” hơn khi ngang nhiên bán hàng dỏm hàng giả mà không lo bị xử lý.
Xử lý nghiêm chủ sàn lẫn người bán
Điều quan trọng là quản lý nhà nước phải đưa ra giải pháp xử lý tập trung và đồng bộ. Chẳng hạn như xử lý nghiêm các chủ sàn lẫn người bán khi phát hiện vi phạm. Trước hết cần tập trung kiểm tra giám sát các trang bán hàng lớn để tạo niềm tin cho người tiêu dùng về xu hướng kinh doanh hiện đại này. Hơn nữa việc ngăn chặn hàng lậu hàng nhái cũng để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh giúp tay cho hàng lậu hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường VN.
Chuyên gia marketing Lê Phụng Hào
|
MAI PHƯƠNG