30/12/2024

Nam Âu với ‘bẫy’ nợ Trung Quốc

Giới chuyên gia cảnh báo các nước Nam Âu có nguy cơ vỡ nợ vì vay quá nhiều tiền từ Trung Quốc để thực hiện những dự án hạ tầng.

 

Nam Âu với ‘bẫy’ nợ Trung Quốc

Giới chuyên gia cảnh báo các nước Nam Âu có nguy cơ vỡ nợ vì vay quá nhiều tiền từ Trung Quốc để thực hiện những dự án hạ tầng.
 
 
 
 

Công nhân Trung Quốc tại công trình xây đường ở Montenegro 

 ///  Reuters

Công nhân Trung Quốc tại công trình xây đường ở Montenegro  REUTERS

 
Với chiến lược Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc hứa hẹn những khoản vay “dễ dãi” và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại những nước nghèo ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu.
 

Riêng các nước Nam Âu là điểm tiếp cận then chốt của Trung Quốc nhằm mở rộng sức ảnh hưởng ở toàn khu vực. Cụ thể, Montenegro là quốc gia đầu tiên ở Nam Âu có nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” vì vay tiền của Trung Quốc để xây dựng tuyến đường dài 165 km (bao gồm cầu, hầm chui qua núi) từ cảng Bar đến nước láng giềng Serbia, Reuters dẫn lời các chuyên gia cho hay.

 
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho Montenegro vay 809 triệu euro (21.400 tỉ đồng) để trang trải 85% chi phí xây 41 km đường trong giai đoạn 1 của dự án do Tập đoàn xây dựng cầu đường Trung Quốc (CRBC) thực hiện. Tuy nhiên, giai đoạn 1 đội vốn lên đến gần 1 tỉ euro, chiếm 1/4 GDP của Montenegro. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính chi phí xây dựng phần còn lại của tuyến đường là 1,2 tỉ euro. IMF cảnh báo Montenegro không thể tiếp tục mượn tiền vì tổng nợ nước ngoài sau khi vay Trung Quốc được dự báo chiếm 80% GDP trong năm nay, theo Reuters. Bên cạnh đó, không tổ chức tài chính quốc tế nào, kể cả Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Đầu tư châu Âu muốn duyệt khoản vay cho Montenegro.
 

Mặc dù Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic tuyên bố quyết hoàn thành dự án bằng mọi giá, nhưng giới chức nước này lo ngại trước nguy cơ vỡ nợ và phụ thuộc Trung Quốc. Lãnh đạo đối lập Dritan Abazovic cảnh báo: “Dự án này chỉ giúp Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng đối với Montenegro và mở rộng khắp khu vực”. “Đây là một cái bẫy. Bây giờ nó đã bắt đầu nên chính phủ không còn đường thoái lui”, chuyên gia Mladen Grgic, từng tham gia nghiên cứu tiền khả thi dự án, cho hay.

 
Trong vòng 10 năm qua, Liên minh Châu Âu (EU) vẫn phải chật vật với cuộc khủng hoảng nội bộ, nên bỏ ngỏ các nước vùng Balkan (Nam Âu) muốn gia nhập liên minh, bao gồm Montenegro, Serbia và Albania… Chính vì thế, những quốc gia này chuyển sang tìm kiếm đầu tư, khoản vay hào phóng nhưng bị lên án là mập mờ từ Trung Quốc. Chẳng hạn, Serbia đã vay 5,5 tỉ euro của Trung Quốc để xây cầu, đường (bao gồm tuyến nối với Montenegro) và tuyến đường sắt trong khuôn khổ BRI, theo AP. Trong khi nợ nước ngoài của Serbia đang ở mức gần 70% GDP.
 
Hồi năm 2017, EU tuyên bố tiến hành điều tra dự án đường sắt nối liền thủ đô của Serbia và Hungary bị lên án “thiếu minh bạch”, không đảm bảo quy định của liên minh này, theo tờ Financial Times. Trước đó, Serbia và Hungary – thành viên EU – đã ký kết thoả thuận với Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt với kinh phí trên 3 tỉ USD và Bắc Kinh cho vay 85%. Còn ở Albania, các tập đoàn Trung Quốc đẩy mạnh thu mua cổ phần công ty dầu mỏ, sở hữu sân bay quốc tế Tirana, cùng lúc Bắc Kinh kêu gọi nước này sớm ký kết thỏa thuận tham gia BRI. Tuy nhiên, IMF cũng đã đề xuất chính phủ Albania tăng cường biện pháp để tránh nguy cơ vỡ nợ.
 
Kể từ năm 2012, Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên “16+1” với các nước Đông, Nam Âu nhằm thảo luận cơ hội đầu tư. Đến nay, Trung Quốc đã đầu tư vào Nam Âu trên 6 tỉ euro, bao gồm các dự án đường bộ, đường sắt và nhà máy điện. Tuy nhiên, báo cáo của IMF công bố hồi tháng 5 cảnh báo các quốc gia vùng Balkan (gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Macedonia, Montenegro, Serbia) ở Nam Âu đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ một phần vì những dự án hạ tầng do Trung Quốc đứng đầu. Trung tâm nghiên cứu phát triển toàn cầu (Mỹ) hồi tháng 3 công bố danh sách những nước vay tiền Trung Quốc có thể vỡ nợ. Theo đó, Montenegro là một trong số 8 quốc gia có nguy cơ cao nhất bao gồm Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Tajikistan, Kyrgyzstan và Pakistan, theo CNN.

 

PHÚC DUY