23/12/2024

Chiến tranh thương mại phơi bày năng lực công nghệ của Trung Quốc

Những chính sách thắt chặt từ Mỹ làm lộ rõ năng lực thật sự nền tảng công nghệ của Trung Quốc.

 

Chiến tranh thương mại phơi bày năng lực công nghệ của Trung Quốc

Những chính sách thắt chặt từ Mỹ làm lộ rõ năng lực thật sự nền tảng công nghệ của Trung Quốc.
 
 
 

ZTE điêu đứng vì án phạt từ Mỹ /// Ảnh: AFP

ZTE điêu đứng vì án phạt từ Mỹ   ẢNH: AFP

 
Từ tháng 4.2018, Mỹ đã áp lệnh cấm các doanh nghiệp nước này nhập khẩu thiết bị, linh kiện công nghệ từ ZTE, công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc vì các vi phạm của hãng.
 
Dù mới đây Washington chính thức gỡ bỏ lệnh trừng phạt với ZTE, doanh nghiệp này vẫn mất nhiều tỉ USD và ảnh hưởng nặng nề tới việc hoạt động, kinh doanh trong các tháng qua, cũng như khoảng thời gian sau này.
 
Nhưng chưa dừng lại ở đó, chính quyền của ông Donald Trump vẫn muốn mở rộng cuộc chiến thương mại ở “chiến trường” công nghệ bằng việc ngăn các công ty Trung Quốc tiếp cận với công nghệ từ Mỹ.
 
Wall Street Journal cho hay Bộ Tài chính Mỹ đã soạn thảo luật mới để cấm công ty có ít nhất 25% cổ phần thuộc sở hữu Trung Quốc thực hiện việc mua doanh nghiệp công nghệ Mỹ. Trước đó, Nhà Trắng đã trực tiếp can thiệp, ngăn cản các nỗ lực mua lại nhiều công ty bán dẫn Mỹ từ doanh nghiệp Trung Quốc.
 
Theo Reuters, dưới tác động của cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra, Bắc Kinh mới đây buộc phải hạ thấp mục tiêu trong “Made in China 2025”, một chính sách công nghiệp được chính phủ hậu thuẫn nhằm đưa Trung Quốc thống trị 10 lĩnh vực công nghệ cao toàn cầu như robot, hàng không vũ trụ, xe năng lượng sạch…
 
Chính sách này là cốt lõi trong nỗ lực biến Trung Quốc thành một siêu cường vào năm 2050. Tuy nhiên, điều này khiến nội các của ông Trump không hài lòng. Bằng chứng là khung thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỉ USD có hiệu lực từ ngày 6.6 đặc biệt nhắm vào các mặt hàng liên quan tới “Made in China 2025”.
 
Theo một báo cáo được Reuters dẫn ra, trong 5 tháng đầu năm 2018, Tân Hoa xã đã có 140 lần đề cập tới cụm từ “Made in China 2025” (bằng tiếng Trung). Tuy nhiên từ ngày 5.6 tới nay thì chưa một lần nào làm vậy.
 
Một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết các quan chức Trung Quốc đã đi “hơi xa” trong việc thúc đẩy kế hoạch một cách mạnh mẽ và công khai, kết quả là gây ra thêm nhiều áp lực cho nước này. “Trung Quốc đang bắt đầu điều chỉnh hạ chỉ tiêu trong chính sách. Họ sẽ không dừng việc này lại, chỉ là thay đổi cách để thực hiện”, người này cho biết.
 
Global Times trong một bài đăng hồi cuối tháng 6 nhận định rằng đất nước đông dân nhất thế giới đang “quá tự tin” vào những tiến bộ công nghệ mà họ có được.
 

Chiến tranh thương mại phơi bày năng lực công nghệ của Trung Quốc - ảnh 1

Công nhân sản xuất trong một nhà máy pin năng lượng mặt trời tại Trung Quốc   ẢNH: REUTERS

 
“Trung Quốc nên ngừng tự huyễn hoặc bản thân rằng mình là người đi đầu về khoa học và công nghệ của thế giới”, ông Lưu Á Đông – Tổng biên tập tờ Nhật báo Khoa học và Công nghệ, một cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc phát biểu tại một sự kiện mới đây.
 
Trang South China Morning Post dẫn lời ông Lưu Á Đông cho biết thêm Trung Quốc nghĩ mình sớm đủ khả năng thay thế Mỹ ở vị trí số một trong lĩnh vực khoa học, công nghệ thì chỉ là “tự lừa dối bản thân”.
 
“Khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển ở phương Tây, kể cả Mỹ là điều thường tình, không phải là vấn đề. Nhưng điều này sẽ đáng lo ngại khi những người có quan điểm này đang lừa dối lãnh đạo, công chúng và cả chính họ”, ông nói.
 
Một trong những ví dụ về sự ảo tưởng công nghệ mà lãnh đạo Nhật báo Khoa học và Công nghệ nhắc tới là một bài báo đăng trên Tân Hoa xã ca ngợi “4 phát minh vĩ đại mới của Trung Quốc” gồm tàu cao tốc, thanh toán điện tử, dịch vụ chia sẻ xe đạp và mua sắm trực tuyến, dù thực tế chẳng có gì trong số này được sinh ra từ đây.
 
Trung Quốc đang phát triển rất nhanh về đường sắt cao tốc, nhưng họ sử dụng công nghệ lõi của các tập đoàn công nghiệp từ các quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản… Hệ thống thanh toán điện tử bắt nguồn từ Mỹ, trong khi dịch vụ chia sẻ xe đạp xuất phát từ châu Âu và một nhà sáng chế người Anh mới là “cha đẻ” của mua sắm trực tuyến.
 
Ngay chính trong trường hợp của ZTE nêu trên cũng là một ví dụ cho thấy “niềm tự hào công nghệ” của đất nước này đang được thổi phồng. ZTE được ca tụng là một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc và là một hãng viễn thông mạnh trên thế giới, cung cấp nhiều thiết bị phần cứng cho hàng loạt doanh nghiệp, thậm chí cả chính phủ toàn cầu.
 
Tuy nhiên, chỉ với một lệnh cấm từ Mỹ, ZTE đã chao đảo, thiệt hại hàng tỉ USD, buộc đóng cửa một số cơ sở trên thế giới và hoạt động kinh doanh, đặc biệt là smartphone rơi vào “báo động đỏ”. Thậm chí, hãng còn không thể sửa chữa nhà vệ sinh chỉ vì án phạt của Mỹ.
 
Việc thiếu hụt vật tư từ Mỹ có tác động rất lớn tới hoạt động của ZTE, cho thấy cốt lõi trong phát triển của doanh nghiệp này, mà rộng hơn là ngành công nghệ của Trung Quốc đang phải phụ thuộc nhiều vào công nghệ lõi từ các quốc gia đi trước như Mỹ, Đức, Nhật Bản…
Hay nói cách khác, công nghệ Trung Quốc được xây trên cái nền và lõi từ công nghệ của người Mỹ cung cấp. Khi Washington rút đi, vấn đề sẽ bắt đầu lộ ra.
 
 
ANH QUÂN