24/01/2025

Nhiều mối nguy đe doạ di sản quý

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối quý giá của Hà Nội đã bị đổ đất san bằng trong mấy ngày cuối tuần qua, trong khi mới vào đầu tuần (ngày 11.7), các nhà khoa học vừa nhóm họp cùng đưa ra các kiến nghị gửi lên TP để bảo tồn di chỉ này.

 

Nhiều mối nguy đe doạ di sản quý

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối quý giá của Hà Nội đã bị đổ đất san bằng trong mấy ngày cuối tuần qua, trong khi mới vào đầu tuần (ngày 11.7), các nhà khoa học vừa nhóm họp cùng đưa ra các kiến nghị gửi lên TP để bảo tồn di chỉ này.
 
 
 
 
 

Vị trí di chỉ khảo cổ Vườn Chuối bị đổ đất san bằng /// Ảnh: PGS-TS Nguyễn Văn Huy cung cấp

Vị trí di chỉ khảo cổ Vườn Chuối bị đổ đất san bằng   ẢNH: PGS-TS NGUYỄN VĂN HUY CUNG CẤP

 
Gặp khó vì sự quan liêu
 

Qua 8 lần khai quật, giá trị của di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) đã không còn phải bàn cãi. Theo các nhà khảo cổ, đây là di chỉ khảo cổ hiếm hoi còn lại có thể cho chúng ta biết về thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên cách đây hơn 3.000 năm. Di chỉ này chứa đựng lớp di tích văn hoá kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn.

 
“Khi tiếp cận, tôi vô cùng kinh ngạc vì chúng ta có một di chỉ mang giá trị quá lớn như thế”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nói. Bởi thế, việc di chỉ này vừa bị đổ đất san bằng khiến ông bàng hoàng.
 
Việc xâm hại di chỉ này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi trong Văn bản 6496 của UBND TP.Hà Nội ban hành tháng 12.2017, TP đã có ý kiến về việc bảo vệ di chỉ này. Theo đó, TP đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng công ty cổ phần thương mại – xây dựng VN tổ chức bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng di chỉ Vườn Chuối trong khu vực dự án. Trong quá trình cải tạo, xây dựng khu đất khác của dự án mà thấy khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải ngừng ngay việc thi công và thông báo kịp thời đến UBND H.Hoài Đức để phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. TP cũng cho phép Sở VH-TT tổ chức đoàn chuyên gia đánh giá và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, việc đối thoại với doanh nghiệp của các nhà nghiên cứu và quản lý gặp khó khăn vì sự quan liêu trong quản lý. “Hai lần toạ đàm, hội thảo đã gửi giấy mời doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án san lấp và xây dựng nhưng họ không đến. Không ai biết giấy mời có đến tay người có trách nhiệm không. Giấy mời gửi đi nhưng không ai có trách nhiệm theo dõi đến cùng. Hội thảo có chính quyền huyện, xã, có ban quản lý di tích nhưng không ai nắm cụ thể diễn biến hằng ngày ở công trường. Trong lúc hội thảo thì người ta đổ phế thải san nền hàng mét và chuẩn bị dựng nhà”, ông chia sẻ.
 
Cấp sổ đỏ, san lấp, xây dựng trên các vòng thành Cổ Loa
Di tích thành Cổ Loa cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhiều đoạn thành của tòa thành đã bị phá bỏ để xây nhà cao tầng. Nhà được xây khá nhiều ngay trong thành nội. Có đoạn thành – hào lại đang được trồng rau và treo biển bán đất. Việc này khiến Cổ Loa mất dần những vòng thành quý, những vòng thành mà khi đặt cạnh nhau sẽ làm nên giá trị toàn vẹn của di tích quốc gia đặc biệt này.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, quy hoạch Cổ Loa năm 2015 đã xác định vùng lõi ưu tiên cần bảo tồn của Cổ Loa: là các quần thể di tích tưởng niệm thời kỳ An Dương Vương. Tuy nhiên, quy hoạch đó lại bỏ quên giá trị của các vòng thành đất có tuổi đời 2.300 năm, độc đáo, có quy mô lớn và sớm nhất Đông Nam Á. Điều này dẫn đến các vòng thành đã được cấp sổ đỏ, san lấp, mua bán, xây dựng như hiện nay. Người dân cũng không có lỗi trong việc này vì hiện chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 để họ biết được đâu là khoanh vùng bảo vệ mình cần tuân thủ.
 
Việc chưa có quy hoạch chi tiết và xác định chưa đúng giá trị cần bảo tồn ở Cổ Loa, việc không giám sát bảo tồn ở di chỉ khảo cổ Vườn Chuối còn đối mặt với một nguy cơ lớn nữa. Đó chính là việc đưa cơ giới hoá vào xây dựng. “Ngày xưa, để đào bới một đoạn thành hào là rất lâu. Mỗi ngày vài chục công nhân chỉ có thể san hoặc chuyển được vài khối đất. Nhưng giờ chỉ một thời gian ngắn là đi cả một đoạn thành. Chúng tôi đã ghi nhận, đã báo cáo, nhưng điều này vẫn tiếp tục diễn ra”, ông Lê Viết Dũng, Phó trưởng ban Quản lý di tích Cổ Loa, nói.
 
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, cho rằng quy hoạch khảo cổ là điều Hà Nội cần chú ý nếu không muốn tiếp tục mất di sản. Bản đồ quy hoạch khảo cổ cần được lập để doanh nghiệp biết được những khả năng có thể xảy ra trước khi có quyết định đầu tư. Các di sản đáng giá cần được lập hồ sơ di tích. Chẳng hạn, trường hợp di chỉ khảo cổ Vườn Chuối nếu được quan tâm đúng mực, đã phải có danh hiệu di tích rồi. Như vậy, doanh nghiệp cũng hình dung được nếu muốn đầu tư xây dựng bất động sản ở đó thì sẽ phải làm gì, hay không nên làm gì. Hoặc với Cổ Loa, nếu quy hoạch chưa xác định đúng giá trị của các vòng thành, hoàn toàn có thể thay đổi điều đó cho phù hợp thực tế.
 
Sáng 15.7, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến xác nhận thông tin đã có san lấp ở di chỉ Vườn Chuối. Ông cũng cho hay đã cho người xuống kiểm tra để khẩn cấp làm văn bản cho huyện và xã về việc này; đồng thời yêu cầu cán bộ của Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cùng giám sát di chỉ này với cán bộ huyện. Văn bản đề nghị về giải pháp với di chỉ khảo cổ Vườn Chuối cũng sớm được hoàn thiện để gửi UBND TP.Hà Nội.

 

TRINH NGUYỄN