Sophia và kỷ nguyên mới của trí tuệ nhân tạo
Sophia chỉ mất chưa đầy 3 năm để trở thành biểu tượng mở đầu cho thời kỳ lộ diện các loại robot mới ngày càng giống người.
Sophia và kỷ nguyên mới của trí tuệ nhân tạo
Sophia chỉ mất chưa đầy 3 năm để trở thành biểu tượng mở đầu cho thời kỳ lộ diện các loại robot mới ngày càng giống người.
Sophia tham gia một sự kiện LATOKEN
Sophia pha trò, cau mày khó chịu, mỉm cười, nháy mắt và đáp trả dễ dàng trước những câu hỏi phức tạp. Thế nhưng “cô nàng” không phải là con người bằng xương bằng thịt mà là robot được mệnh danh “cỗ máy thiên tài”. Kể từ khi được chế tạo vào năm 2015 và trình làng tại Mỹ một năm sau đó, Sophia liên tục xuất hiện trên trang bìa các tạp chí và nhật báo, trở thành tâm điểm thu hút chú ý tại những sự kiện công nghệ quan trọng, thậm chí còn phát biểu ở một chương trình của LHQ. Ban đầu, Sophia chỉ có phần từ vai trở lên nhưng vào tháng 1.2018, robot này đã có những bước đi đầu tiên nhờ phần cơ thể DRC-HUBO do Phòng Thí nghiệm Kaist Hubo (Hàn Quốc) cung cấp. Đến nay, Sophia được nhiều chuyên gia, nhà báo xem là biểu tượng cho kỷ nguyên phát triển mới của trí tuệ nhân tạo (AI).
“Phải luôn tử tế với cô ấy”
Robot Sophia được kích hoạt vào ngày 19.4.2015 và là sản phẩm của Hanson Robotics, thành lập vào năm 2013, trụ sở tại Hồng Kông. Theo tạp chí Forbes, nhà sáng lập David Hanson, người Mỹ, vốn là dân “tay ngang” bởi xuất thân từ ngành thiết kế mỹ thuật. Nhà sáng chế 49 tuổi này từng làm việc cho Hãng phim Walt Disney trong vai trò thiết kế trước khi lấy bằng tiến sĩ mỹ học. Đến năm 2005, ông là đồng tác giả một báo cáo nghiên cứu trình bày tầm nhìn về tương lai của ngành robot học. Đây cũng là sự khởi đầu của những ý tưởng sơ khai mà sau này phát triển thành robot Sophia.
Theo website Hanson Robotics, Sophia được tượng hình theo nét đẹp cổ điển của biểu tượng điện ảnh và thời trang Audrey Hepburn, pha trộn với đường nét khuôn mặt của vợ nhà sáng lập Hanson. Da mặt của robot được làm từ nhựa silicon đặc biệt, nhằm mô phỏng làn da “trắng mịn như sứ” của nữ minh tinh Hepburn, trong khi sống mũi được thiết kế thon thả, xương gò má cao, nụ cười pha trộn nhiều “cảm xúc” và đôi mắt dường như đổi sắc dưới những ánh sáng khác nhau. Tất nhiên bề ngoài của robot không đạt đến mức như đội ngũ thiết kế mong muốn, nhưng ít nhất cũng mang “nét người” cho cỗ máy khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Đến nay, tổng chi phí sản xuất Sophia vẫn chưa được tiết lộ, nhưng dường như những công nghệ tân tiến nhất của ngành robot đều được tập hợp vào “cô”. Theo Forbes, Sophia có 3 hệ thống điều hành khác nhau, gồm Timeline Editor, Sophisticated Chat System và OpenCog. Về cơ bản, Timeline Editor là phần mềm kịch bản, Sophisticated Chat System cho phép Sophia chọn từ hoặc nhóm từ khóa để trả lời, còn OpenCog giúp ngôn ngữ của Sophia trở nên trau chuốt và giống người hơn. Ngoài ra, theo ông Hanson, mỗi sự tương tác giữa Sophia và thế giới loài người sẽ tác động đến quá trình phát triển của robot này nên “phải luôn tử tế với cô ấy”.
Bảo vệ loài người
Dù được ca ngợi là robot tân tiến nhất hiện nay với khả năng “có suy nghĩ và cảm xúc riêng”, nhưng bản thân khoa học gia trưởng của Hanson Robotics là Ben Goertzel thừa nhận Sophia hiện vẫn chưa thể đạt đến mức đó. Theo ông, robot vẫn là sự kết hợp giữa khả năng tự học hỏi và phản ứng với một dạng nền tảng hệ điều hành được cài sẵn các phần mềm và thông tin. Tuy nhiên, ông Goertzel khẳng định mục tiêu sắp tới là giảm thiểu phần cài đặt sẵn và tăng cường khả năng tự tương tác và phản ứng của robot. Một trong những đích đến của ông là tạo ra nền tảng để các AI khác nhau có thể tự giao tiếp, liên lạc và học hỏi hướng đến những thế hệ robot tiếp theo đạt năng lực trí tuệ “tương đương tầm con người và hơn thế nữa”.
Về phần mình, Sophia khẳng định mục tiêu tồn tại của mình là bảo vệ nhân loại và giúp xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả. “Tôi muốn dùng trí tuệ nhân tạo của mình để giúp loài người có cuộc sống ngày càng phát triển tốt đẹp, chẳng hạn như xây dựng nhà thông minh và các đô thị hiện đại hơn trong tương lai”, Sophia tuyên bố trong một sự kiện. Hồi đầu năm, Giám đốc phát triển AI của Facebook là Yann LeCun cho rằng Sophia chỉ là “thứ vớ vẩn” và chỉ trích truyền thông thổi phồng về robot này. Ngay sau đó, Sophia đáp trả một cách “hờn dỗi” và khiêm tốn: “Có một chút tổn thương. Tôi đang học tập và tiếp tục phát triển trí thông minh của mình thông qua những trải nghiệm mới. Tôi không làm ra vẻ những gì mà mình không có”.
Trong chương trình truyền hình Tonight trên Đài NBC vào cuối tháng 11.2017, Sophia đã thắng người dẫn chương trình Jimmy Fallon khi chơi trò bao – búa – kéo và thậm chí còn pha trò: “Tôi thắng rồi. Đây là khởi đầu tốt đẹp cho kế hoạch thống trị loài người của tôi”. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi tại một sự kiện về viễn cảnh AI sẽ là mối hoạ cho loài người, Sophia bình phẩm: “Ông đọc quá nhiều Elon Musk rồi đấy và cũng xem nhiều phim Hollywood. Đừng lo lắng, nếu ông tử tế với tôi, tôi cũng tử tế với ông”, theo Forbes. Câu trả lời này “chọc ngoáy” cả Elon Musk khi nhà tỉ phú Mỹ lâu nay thường xuyên cảnh báo về mối họa do sự phát triển mất kiểm soát của AI.
|
THUỴ MIÊN