Mất 30 tỉ đồng trong nửa tháng lưu hàng tại cảng
Cụ thể, kiến nghị của Hiệp hội này cho rằng, Tổng cục Hải quan ban hành 2 công văn số 3438 ngày 18.6 và số 3738 ngày 26.6, trong đó yêu cầu hàng hoá nhập khẩu là phế liệu phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhưng thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quả giám định lại không được quy định cụ thể. Như vậy, chỉ một mặt hàng giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất vừa phải có giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của một tổ chức giám định do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định, vừa phải được Cục Kiểm định Hải quan kiểm định theo cùng quy chuẩn này.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, quy trình trên của Tổng cục Hải quan dẫn đến làm tăng thời gian chờ đợi thông quan của lô hàng, gây ách tắc hàng hóa tại cảng, tăng chi phí lưu kho, lưu bãi và các chi phí khác của doanh nghiệp. Đặc biệt, quy định này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và cho xã hội, làm cho hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước.
Số liệu thống kê nhanh của Hiệp hội giấy cho biết, từ ngày 26.6 quy định của hải quan có hiệu lực đến ngày 10.7, chỉ riêng phí lưu container, ước thiệt hại của các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu lên đến gần 30 tỉ đồng, chưa kể những thiệt hại trong sản xuất do phải dừng máy, hay phạt hợp đồng do giao hàng không đúng hẹn… Ngoài ra sau 5 – 7 ngày nữa, theo kế hoạch thì số lượng container sẽ tăng gấp đôi khi tàu về cập cảng. Với số lượng lưu kho lớn và mức chi phí lưu kho là 1 triệu đồng/container/ngày thì mức thiệt hại sẽ đội thêm nhiều con số. Mặt khác, nhóm các doanh nghiệp trong ngành giấy cho rằng, sản xuất giấy (kể cả giấy tái chế) không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Vì vậy Hiệp hội này kiến nghị Bộ Công thương xem xét tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp ngành giấy.
Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã gửi văn bản đến Tổng cục Hải quan phản ánh những khó khăn tương tự đối với các doanh nghiệp đang nhập khẩu sắt thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời Hiệp hội thép kiến nghị loại trừ sắt thép vụn ra khỏi đối tượng phải lấy mẫu để đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Hải quan: Phải “siết” để bảo vệ môi trường
Cục Hải quan TP.HCM thì cho rằng, việc phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan và chụp ảnh thực tế hàng hoá phế liệu nhập khẩu để lưu là “nhiệm vụ bắt buộc của hải quan địa phương theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn 3738.
Đại diện Cục Hải quan TP.HCM thông tin, đây là lệnh “siết” rác thải phế liệu của toàn ngành, không riêng gì tại một địa phương nào cả. Mục đích là bảo vệ môi trường trước “nạn xâm lăng” của rác thải phế liệu được nhập khẩu vô tội vạ, thiếu tránh nhiệm của một số chủ hàng. Doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng cũng có thể kiến nghị lên trung ương vấn đề này.
Song song đó, hiện ngành hải quan đang kiến nghị với các bộ ngành liên quan, gấp rút rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện nhập khẩu đúng loại phế liệu sản xuất tái chế, sẽ được cấp phép thông quan. Còn lại, phải siết các doanh nghiệp nhập kiểu uỷ thác, làm môi giới, không có mục đích sử dụng phế liệu tái chế…
“Tất cả phải làm mạnh, chặt chẽ để bảo vệ môi trường, quan điểm của ngành là vậy”, đại diện Cục Hải quan TP.HCM nhấn mạnh.
Thực tế, trong hai công văn 3438 và 3738 của Tổng cục Hải quan ban hành trong tháng 6 vừa qua chính là giải pháp cấp bách nhằm “siết” việc nhập giấy, nhựa phế liệu trong bối cảnh hàng ngàn container rác phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.
Trong công văn mới nhất, Tổng cục Hải quan chỉ đạo đối với hàng hóa khai báo là phế liệu nhập khẩu, khi thực hiện thủ tục hải quan, “chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu. Trong quá trình lấy mẫu phải chụp ảnh thực tế hàng hoá nhập khẩu để lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra”.
Và đối với hàng hoá khai báo là hàng đã qua sử dụng, không phân biệt mục đích sử dụng và có tên hàng, mã số hàng hoá nếu không thuộc phụ lục danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có nghi vấn là phế liệu (ví dụ như: bao bì, màng nhựa, dây đai, bao jumbo, đồ nhựa, lưới đánh cá…) đã qua sử dụng khi thực hiện thủ tục hải quan, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để xác định hàng hoá nhập khẩu có phải là phế liệu hay không.
NG.NGA – M.PHƯƠNG