Nguy cơ phế liệu ồ ạt tràn vào Việt Nam
Ước tính, hiện có khoảng 500.000 container phế liệu đang lênh đênh trên biển khu vực Đông Nam Á, phải tìm bến đỗ, nên nếu VN không dựng hàng rào an toàn thì có thể trở thành bến đỗ của phế liệu.
Nguy cơ phế liệu ồ ạt tràn vào Việt Nam
Ước tính, hiện có khoảng 500.000 container phế liệu đang lênh đênh trên biển khu vực Đông Nam Á, phải tìm bến đỗ, nên nếu VN không dựng hàng rào an toàn thì có thể trở thành bến đỗ của phế liệu.
Điều đó được cảnh báo tại cuộc họp vào ngày 12.7 giữa Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN – MT) với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ GTVT… tìm giải pháp ngăn chặn phế thải tràn vào VN sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu từ cuối năm 2017.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu, các nước thường xuyên xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, một số nước Bắc Âu… phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như VN, Thái Lan, Malaysia… Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á. Ước tính, hiện có khoảng 500.000 container phế liệu đang lênh đênh trên biển khu vực Đông Nam Á, phải tìm bến đỗ, nên nếu VN không dựng hàng rào an toàn thì có thể trở thành bến đỗ của phế liệu.
Theo ông Thức, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017. Tình trạng tồn đọng phế liệu ở các cảng biển đang khá nhiều, đặc biệt là ở TP.HCM, Hải Phòng… Trong đó, tại Tân cảng Sài Gòn (TP.HCM), tính đến hết ngày 26.6 có 4.480 container.
Ông Thức cho biết cơ chế quản lý, kiểm soát nhập khẩu phế liệu của VN còn nhiều khe hở, nếu không kịp thời bịt lại, VN rất có thể phải đối mặt với nguy cơ trở thành bãi thải của thế giới. Trong đó, giữa các cơ quan liên ngành như Bộ Tài chính, TN-MT, Công thương, GTVT, Công an, Quốc phòng… và các đơn vị chuyên môn của địa phương chưa có cơ chế phối hợp. Hiện chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu, chủ hãng vận tải biển quá cảnh trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu… nên khi có vi phạm về vận chuyển sai hàng hoá là phế liệu nhập khẩu hoặc vượt quy chuẩn cho phép, hoặc gian lận thương mại, thì không thể xử lý trách nhiệm của chủ tàu, chủ hãng vận tải biển. “Đáng lo ngại nhất là nước ta chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài. Chỉ khi tàu cập cảng, hàng hoá được vận chuyển sắp xếp lên bờ mới làm thủ tục thông quan, kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Do đó, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm, gian lận nhập phế liệu không đạt chuẩn về”, ông Thức nói.
Ông Trần Thế Cường, Trưởng phòng Dịch vụ vận tải – Cục Hàng hải (Bộ GTVT), cho rằng trước khi hàng hoá phế liệu vào cảng, cần làm rõ: chủ hàng là ai? Hàng hoá nhập khẩu cụ thể là gì?… Nếu không trả lời được các câu hỏi trên thì cần tạm dừng việc nhập hàng phế liệu lên cảng vì nếu không phế liệu sẽ về ồ ạt. Theo ông Trần Lưu Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cần ràng buộc trách nhiệm chủ tàu khi nhập khẩu phế liệu vào VN. Nếu chủ tàu nào có gian lận, cần cương quyết xử lý.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan để kiểm soát nhập khẩu phế liệu, phòng ngừa từ nước ngoài. Ông Hà cũng kiến nghị Chính phủ xem xét đối với những chủng loại hàng hóa mà hiệu quả thấp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì cần loại bỏ.
“Tôi sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT kiên quyết không cho dỡ hàng nếu không có giấy phép, không rõ người nhận. Hàng vô chủ thì kiên quyết không cho bốc dỡ lên bờ, không thể để bị lợi dụng đưa hàng phế liệu vào nước ta. Chuyện này cũng giống như việc nhà của mình, không phải ai muốn mang gì vào thì mang”, ông Hà nói.
LÊ QUÂN