24/01/2025

Kỳ thi THPT quốc gia: Đáp án môn văn gây khó cho giáo viên !

Đáp án môn văn kỳ thi THPT quốc gia không chỉ là một sự thách thức đối với người chấm vì quá chung chung, thiếu tính cụ thể mà còn gây nhiều tranh cãi.

 

Kỳ thi THPT quốc gia: Đáp án môn văn gây khó cho giáo viên !

Đáp án môn văn kỳ thi THPT quốc gia không chỉ là một sự thách thức đối với người chấm vì quá chung chung, thiếu tính cụ thể mà còn gây nhiều tranh cãi.
 
 
 

 
 
Hướng dẫn chung chung
Đó là ý kiến của giáo viên Trương Minh Đức (Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM). Theo giáo viên này, dẫu biết rằng đề ra theo hướng mở thì đáp án không thể bó hẹp nhưng cái “mở” của đáp án thế này khiến giáo viên thiếu căn cứ tối thiểu dẫn đến khó chấm và có thể chấm lệch.
 
Ông Đức phân tích: Trong đề thi vừa qua, câu hỏi được quan tâm nhiều nhất là nghị luận xã hội, biên độ quá rộng, lẽ ra đáp án cần giới hạn nhất định để đảm bảo kiến thức cơ bản. Nhưng thực tế, đáp án nêu ra 2 nội dung thấy được sứ mệnh và hành động cụ thể. Thêm vào đó, đề thi yêu cầu trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước nhưng đáp án lại đưa ra cả tiềm lực bản thân. Vậy những thí sinh (TS) viết đơn giản, sáo rỗng rằng bản thân phải cố gắng học thật giỏi chẳng hạn thì có được đánh giá là tiềm lực bản thân hay không, và những tiềm lực thế nào là chuẩn?
 
Chỉ với câu hỏi này, có thể xảy ra tình trạng giám khảo chấm qua loa hoặc do đáp án chung chung, người chấm “chùn tay”, không dám chấm điểm tối đa hoặc không tự tin sẽ cho điểm trung bình. Như thế, TS nào cũng như nhau thì sẽ không phân hóa, thiệt thòi cho TS có học lực khá giỏi và ảnh hưởng đến điểm xét tuyển vào những trường tốp đầu.
 
Ở câu nghị luận văn học, đề bài yêu cầu nhận xét về cách nhìn hiện thực của 2 tác giả nhưng đáp án lại đưa ra điểm tương đồng và khác biệt. Thông thường, nếu yêu cầu nhận xét thì không nhất định phải chỉ ra điểm giống và khác nhau. Trong trường hợp này TS có so sánh thì chỉ nên điểm cộng mà thôi. Việc sử dụng ngôn ngữ trong đề và đáp án không tương thích sẽ khiến TS không hiểu rõ yêu cầu của đề, gây thiệt thòi cho TS.
 
Thang điểm không tương thích với nội dung
Trong khi đó, giáo viên Đỗ Đức Anh, Tổ phó Tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng đáp án mà chung chung như vậy sẽ gây tranh cãi và ảnh hưởng trong quá trình chấm điểm.
 
Chẳng hạn, ở câu hỏi số 4 phần đọc – hiểu, đề bài yêu cầu lý giải nhưng đáp án chỉ ra rằng TS lý giải sao cũng được, chỉ cần thuyết phục. Lẽ ra đáp án nên có một vài định hướng cho người chấm thế nào là thuyết phục.
 
Phần nghị luận xã hội, với đoạn văn 200 chữ yêu cầu TS trình bày một vấn đề “to tát” như vậy mà trong đáp án lại tỏ ra không đủ độ sâu, hời hợt, chưa thỏa mãn với yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, đáp án yêu cầu TS phải lựa chọn hình thức, cấu trúc đoạn văn cụ thể. Tuy nhiên, nếu TS viết được nhưng không lựa chọn theo những hình thức mà đáp án nêu ra thì có bị mất điểm oan không?
 
Ở bài nghị luận văn học, đáp án gây bất ngờ khi phần kiến thức lớp 11 chỉ chiếm 0,5 điểm. Thang điểm như vậy là không tương thích với phần nội dung cũng như cấu trúc 20% kiến thức lớp 11 như công bố. TS đã phải ôn rất nhiều kiến thức lớp 11 nhưng cuối cùng số điểm không bao nhiêu. Việc đặt ra thang điểm 0,5 cho khả năng sáng tạo cũng rất mơ hồ…
 
Có phải là câu hỏi tu từ ?
Trong đáp án bài thi ngữ văn Bộ GD-ĐT vừa công bố, câu 3 trong phần đọc hiểu đặt vấn đề về tính chính xác.
 
Theo đáp án, “còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?/lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?” là câu hỏi tu từ. Tuy nhiên theo một số giáo viên môn ngữ văn tại TP.HCM, đáp án này chưa thực sự chính xác vì câu “còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?” không phải là câu hỏi tu từ.
 
Một giáo viên nói: “Đó chỉ là câu hỏi bình thường, như là lời đối thoại của nhà thơ với người đọc nhằm đánh thức, khơi gợi sự đồng cảm của người đọc về đất nước. Còn câu hỏi tu từ phải mang tính nghệ thuật, luôn mang một hàm ý nào đó”.
 
Cũng theo giáo viên này, đáp án đưa ra có thể hiểu theo 2 cách: 2 câu hỏi riêng biệt và mỗi câu đều là câu hỏi tu từ; chỉ có 1 đáp án gộp chung cả 2 câu. Ở cách hiểu đầu, đáp án chưa chính xác vì câu đầu tiên không phải câu hỏi tu từ. Còn theo cách hiểu thứ 2, có thể chấp nhận đáp án đưa ra là đúng.
 
Tuy nhiên, khả năng nhiều TS khi làm bài sẽ xác định từng câu riêng biệt chứ không nêu gộp chung cả 2 câu theo cách hiểu thứ 2.
 
Có giáo viên cho biết đúng ra đề nên đưa ra câu hỏi để TS xác định biện pháp nghệ thuật trong đoạn trích thay vì chỉ thẳng là biện pháp tu từ. “Việc đưa ra câu hỏi và đáp án “hẹp” như cách này đã từng hạn chế cách làm bài của TS. Bởi lẽ đề chỉ đích danh một biện pháp nghệ thuật nhưng TS lại xác định thêm trong đoạn trích biện pháp khác không có trong đáp án nhưng người làm bài vẫn không được điểm”, người này nói.
 
Hà Ánh 

BÍCH THANH