26/01/2025

Bộ GD-ĐT họp báo: đề thi THPT quốc gia không đánh đố thí sinh

Sau khi thí sinh hoàn thành bài thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2018, chiều nay Bộ GD-ĐT đã họp báo công bố các thông tin liên quan kỳ thi.

 

Bộ GD-ĐT họp báo: đề thi THPT quốc gia không đánh đố thí sinh

Sau khi thí sinh hoàn thành bài thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2018, chiều nay Bộ GD-ĐT đã họp báo công bố các thông tin liên quan kỳ thi.


Bộ GD-ĐT họp báo: đề thi THPT quốc gia không đánh đố thí sinh - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD-ĐT trả lời các câu hỏi của phóng viên – Ảnh: N.KHÁNH

 

Theo đó kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc trên tinh thần hỗ trợ hết mức cho thí sinh. 

Có thể xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh vùng bị mưa lũ

Theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết phức tạp, mưa lũ kéo dài ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Với tinh thần “không để thí sinh vì kẹt do mưa lũ không dự thi”, ban chỉ đạo thi các tỉnh đã nỗ lực hết sức, quan tâm tới từng trường hợp khó khăn, trích kinh phí lo cho thí sinh khó khăn trong những ngày thi.

“Cả các trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được các hội đồng thi tạo điều kiện tham dự kỳ thi”, ông Mai Văn Trinh nói. 

Con số 99% thí sinh dự thi là tỉ lệ cao, khẳng định các nỗ lực mà đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.

Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy cả nước chỉ có 77 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó 73 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi.

Theo nhận định của đại diện Cục Đảm bảo chất lượng, chất lượng đề thi năm nay là một điểm mới đáng lưu tâm. Nhưng tại cuộc họp báo, nhiều nhà báo đều đưa ra nhận định “đề thi quá khó” của các chuyên gia, nhà giáo và thí sinh.

“Liệu có phù hợp không khi định hướng của kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng độ khó của đề thi lại nghiêng về mục tiêu sử dụng kết quả để tuyển sinh ĐH-CĐ?”, câu hỏi này của Tuổi Trẻ Online cũng là quan tâm chung của khá nhiều nhà báo tại cuộc họp báo.

“Liệu có đảm bảo hai mục đích với kỳ thi THPT quốc gia với cách ra đề thi như năm nay không?”, một số nhà báo hoài nghi.

Trả lời về điều này, ông Mai Văn Trinh khẳng định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như các năm vừa qua là phù hợp cho việc sử dụng kết quả thi vào hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh.

Liên quan đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Giang, Lai Châu về việc đặc cách cho các thí sinh không đi thi được vì mưa lũ, ông Trinh nói: Bộ GD-ĐT sẽ vận dụng quy định trong quy chế áp dụng với trường hợp “có việc bất thường đặc biệt” để xét đặc cách cho các thí sinh.

Nhưng ông cũng lưu ý trách nhiệm của các sở GD-ĐT phải xem xét từng trường hợp cụ thể để đảm bảo các điều kiện xét đặc cách như trong quy chế thi đã quy định.

“Đề thi đạt được mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh”

Bộ GD-ĐT họp báo: đề thi THPT quốc gia không đánh đố thí sinh - Ảnh 2.

Ông Sái Công Hồng Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng – Bộ GD-ĐT trả lời các câu hỏi của phóng viên – Ảnh: N.KHÁNH

 

Trao đổi thắc mắc liên quan tới đề thi, ông Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết: đây là năm thứ hai kỳ thi áp dụng thi trắc nghiệm với 4/5 bài thi, mỗi đề thi trắc nghiệm có 24 mã đề thi để đảm bảo không có gian lận xảy ra.

Về độ khó của đề thi, ông Sái Công Hồng cho biết: Hội đồng ra đề thi tuân thủ chỉ đạo của ban chỉ đạo thi, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 11,12. Trong đó nội dung chương trình lớp 12 chiếm khoảng 85% nội dung đề thi. 

Cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm 2017, với 60% câu hỏi cơ bản, 40% câu hỏi nâng cao có tính phân hoá.

Tuy nhiên, ông Hồng cũng cho biết các đề thi năm nay đều tăng số câu hỏi khó, nhưng vẫn đảm bảo những thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp đều có thể đạt yêu cầu nếu nắm kiến thức cơ bản.

Ông Hồng khẳng định tất cả các đề thi đều có 4 mức độ như quy định, kể cả đề thi môn ngữ văn. Vì thế ông Hồng cho rằng đề thi đạt được cả mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Liệu đề thi có bị “lọt” ra ngoài?

Các nhà báo đã đặt ra nghi vấn này khi theo quy chế thí sinh thi các môn thành phần thứ nhất, thứ hai sẽ không được mang đề thi ra ngoài sau khi thời gian thi các môn thành phần này kết thúc, nhưng đề thi vẫn xuất hiện trên mạng khi thời gian làm bài toàn bộ bài thi tổ hợp chưa xong.

Trước nghi vấn này, PGS.TS Mai Văn Trinh xác nhận có tình trạng môn thi thành phần đầu tiên (như môn lý trong bài khoa học tự nhiên, môn lịch sử trong bài khoa học xã hội) vừa kết thúc thì đề thi môn này đã xuất hiện ở bên ngoài. 

Ông Trinh cho rằng do quy chế hiện cho phép thí sinh mang thiết bị có chức năng thu (nhưng không thể phát, truyền tín hiệu ra bên ngoài) nên có thể có thí sinh tự do đã dùng thiết bị này chụp lại đề và mang theo khi ra khỏi phòng thi.

Hiện tại các đơn vị chức năng đang kiểm tra các khả năng dẫn đến hiện tượng này.

“Câu hỏi mở, đáp án phải mở”

Ông Mai Văn Trinh đã khẳng định điều này trước nhiều băn khoăn về việc “đề thi mở” thì đáp án sẽ như thế nào để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Theo vị đứng đầu Cục Quản lý chất lượng thì với các câu hỏi mở, những ý kiến khác biệt cũng có thể được chấp nhận, nhưng bắt buộc thí sinh phải đưa ra được những nội dung căn bản đáp ứng yêu cầu của câu hỏi.

“Các nội dung mới, thể hiện quan điểm riêng, diễn đạt thuyết phục và không trái với pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục thì vẫn có thể cho điểm”, ông nói.

Năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia tăng mạnh, nhiều hơn năm 2017 gần 60.000 thí sinh.

Tổng số thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT là hơn 879.000 thí sinh, số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ hơn 688.000 thí sinh (chiếm 74,3%, xấp xỉ tỉ lệ năm 2017).

Tuy nhiên cũng có hơn 237.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học.