29/12/2024

Úc trang bị UAV tuần tra Biển Đông

Chính phủ Úc thông báo chi gần 7 tỉ AUD mua 6 máy bay không người lái tối tân để thực hiện các sứ mạng tuần tra biển, bao gồm Biển Đông.

 

Úc trang bị UAV tuần tra Biển Đông

Chính phủ Úc thông báo chi gần 7 tỉ AUD mua 6 máy bay không người lái tối tân để thực hiện các sứ mạng tuần tra biển, bao gồm Biển Đông.
 
 
 
 
 

Mẫu UAV MQ-4C Triton của Úc	 /// Ảnh: Không quân Úc

Mẫu UAV MQ-4C Triton của Úc   ẢNH: KHÔNG QUÂN ÚC

 
Reuters dẫn lời Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 26.6 cho biết chính phủ sẽ giải ngân gói 1,4 tỉ AUD (23.700 tỉ đồng) cho máy bay không người lái (UAV) MQ-4C Triton đầu tiên và các chi phí khác bao gồm xây dựng các cơ sở mới, hệ thống điều khiển trên mặt đất và công tác huấn luyện. Tổng chi phí cho cả 6 chiếc ước tính lên đến gần 7 tỉ AUD. Phi đội UAV mới sẽ cùng máy bay trinh sát P-8A Poseidon thực hiện những sứ mạng thu thập thông tin tình báo tầm xa, giúp tăng cường năng lực săn tàu ngầm và tấn công trên biển.
 
“MQ-4C Triton giúp Úc tiếp tục hoạt động theo dõi Biển Đông. Chúng tôi luôn khẳng định quyền tự do di chuyển qua vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông đối với tất cả tàu và máy bay”, Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Úc Christopher Pyne khẳng định với Đài ABC. Theo dự kiến, chiếc MQ-4C Triton đầu tiên sẽ được triển khai tại căn cứ không quân ở bang Nam Úc vào giữa năm 2023 và đến năm 2025, toàn phi đội sẽ đi vào hoạt động.
 
MQ-4C Triton do tập đoàn Mỹ Northrop Grumman sản xuất, có thể đạt vận tốc tối đa 575 km/giờ và bay liên tục trong vòng 24 giờ. UAV này sở hữu những thiết bị cảm ứng tân tiến giúp theo dõi trong phạm vi bán kính trên 3.700 km.
 
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc (kéo dài đến ngày 28.6 – NV) và Biển Đông sẽ là một trong những nội dung được ông nêu ra. Đài CBS dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc cho hay ông Mattis sẵn sàng tỏ rõ quan điểm của Mỹ về việc Trung Quốc thúc đẩy ý đồ quân sự hoá Biển Đông. Hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng Mỹ đã rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 nhằm phản đối Bắc Kinh đưa vũ khí đến các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Khi đó, Bộ trưởng Mattis đã cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt “với những hậu quả lớn hơn nữa trong tương lai” nếu tiếp tục quân sự hoá Biển Đông.
 
Theo AFP, một chủ đề then chốt khác trong các cuộc thảo luận của Bộ trưởng Mattis tại Trung Quốc sẽ là quá trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Ông chủ Lầu Năm Góc sẽ thúc giục Trung Quốc gây áp lực cho Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân đúng như cam kết sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại Singapore hôm 12.6. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ không đặt ra lộ trình với những yêu cầu cụ thể cho Triều Tiên mà sẽ thường xuyên đánh giá sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng đối với các cam kết.

PHÚC DUY