23/01/2025

Những thương vụ ‘ma quỷ’ trên Sân vận động Chi Lăng: ‘Bóng đen’ đầu tư dầu khí

Chỉ 1 tháng sau khi được UBND TP.Đà Nẵng giao Sân vận động Chi Lăng với giá 25,3 triệu đồng/m2 và cấp “sổ đỏ”, các công ty con của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đã chuyển nhượng cho các doanh nghiệp khác với giá gần… 60 triệu đồng/m2.

 

Những thương vụ ‘ma quỷ’ trên Sân vận động Chi Lăng: ‘Bóng đen’ đầu tư dầu khí

Chỉ 1 tháng sau khi được UBND TP.Đà Nẵng giao Sân vận động Chi Lăng với giá 25,3 triệu đồng/m2 và cấp “sổ đỏ”, các công ty con của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đã chuyển nhượng cho các doanh nghiệp khác với giá gần… 60 triệu đồng/m2.
 
 
 
 
 

Sân Chi Lăng hiện xuống cấp, hoang tàn /// Ảnh: Nguyễn Tú

Sân Chi Lăng hiện xuống cấp, hoang tàn   ẢNH: NGUYỄN TÚ

 
Tay không nắm “đất vàng”
Ngày 28.1.2011, ông Văn Hữu Chiến, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ký 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty con thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Điểm đáng chú ý, cả 10 công ty này đều được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cùng vào ngày 1.12.2010, chỉ 2 tháng sau đó lại cùng được cấp “sổ đỏ” sở hữu 10 lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng.
 

Ngay sau khi được cấp “sổ đỏ”, nhóm công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh đã thông qua pháp nhân Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Nhất Nhất Vinh, Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Đại Hoàng Phương, dùng toàn bộ 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), làm tài sản bảo đảm để vay số tiền hơn 1.253 tỉ đồng với kỳ hạn 2 tháng.

 
Như Thanh Niên đã nêu trong bài trước, tổng giá trị hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất giữa Đà Nẵng và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh là hơn 1.393 tỉ đồng. Tuy nhiên, do được hưởng cơ chế giảm 10% tổng số tiền phải đóng cho Đà Nẵng (vì nộp tiền sử dụng đất 1 lần), nên số tiền Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh thực nộp khoảng 1.253 tỉ đồng, bằng đúng khoản vay của Ngân hàng OceanBank.
 
Theo nhiều tài liệu Thanh Niên thu thập được cho thấy, từ cuối năm 2010, khi việc mua bán chuyển nhượng Sân vận động Chi Lăng chưa được tiến hành và đang trong giai đoạn thương thảo thì Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đã ký hợp đồng thế chấp và thỏa thuận giao các lô đất sân vận động với Ngân hàng OceanBank để vay khoản tiền nêu trên. Thậm chí, trong Văn bản số 101 gửi OceanBank ngày 5.1.2011, Phạm Công Danh với tư cách Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh còn cam kết Sân vận động Chi Lăng sẽ được tách thành 10 sổ để giao cho OceanBank.
 
Thực tế nêu trên cho thấy, về bản chất vụ mua lại Sân vận động Chi Lăng là một kịch bản được tạo dựng sẵn và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đã không phải bỏ ra một đồng tiền túi nào để sử dụng lô đất vàng 4 mặt tiền giữa trung tâm TP.Đà Nẵng.
 
Những thương vụ chớp nhoáng
Khoảng hơn 1 tháng sau khi được cấp “sổ đỏ”, các lô đất tại Sân vận động Chi Lăng được Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) thuộc Tập đoàn dầu khí VN (PVN) thẩm định giá, đưa ra mức 56,7 triệu đồng/m2 (gấp 2,24 lần giá đất của UBND TP.Đà Nẵng giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh). Ngày 4.3.2011, PVFC ra nghị quyết phê duyệt phương án uỷ thác cho 2 đơn vị thành viên là Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn tài chính dầu khí (PVFC Invest) và Công ty CP đầu tư tài chính công đoàn dầu khí VN (PVFI, do ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, làm tổng giám đốc) mua 5 lô đất từ 5 công ty thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh với diện tích 27.481 m2, tổng trị giá 1.510 tỉ đồng (hơn 54,9 triệu đồng/m2).
 
Từ chủ trương trên, trong các ngày 7 và 8.3.2011, ông Đỗ Huy Triệu, Tổng giám đốc PVFC Invest, đã ký các hợp đồng nhận uỷ thác số tiền 901 tỉ đồng từ PVFC và ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng nhận chuyển nhượng 3 “sổ đỏ” từ Công ty TNHH MTV xây dựng và kinh doanh nhà Đại Long, Công ty TNHH MTV xây dựng và đầu tư phát triển địa ốc Bảo Gia và Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung. Cùng thời gian này, PVFI hoàn tất việc nhận chuyển nhượng 2 lô đất của Công ty TNHH MTV Đại Hoàng Phương và Công ty TNHH MTV Toàn Tâm. Các lô đất này sau đó đã được PVFC Invest và PVFI chuyển nhượng tiếp cho các đối tác khác và cho đến khi Phạm Công Danh cùng đại án Ngân hàng Xây dựng bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện thì kẹt lại tại Agribank.
 
Trong những thương vụ nêu trên, Phạm Công Danh với việc bán lại 5 lô đất đã đủ tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khoảng 1.300 tỉ đồng cho OceanBank, đồng thời “lãi ròng” 200 tỉ đồng cùng 5 “sổ đỏ” của Sân vận động Chi Lăng với diện tích khoảng 28.000 m2.
 
Đáng chú ý, các tài liệu PV Thanh Niên thu thập được cho thấy còn hàng loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật cần phải được các cơ quan chức năng làm rõ. Trong đó, thương vụ mua bán chuyển nhượng hơn 1.500 tỉ đồng với sự tham gia của nhiều bên được thực hiện “nhanh gọn”, chỉ trong 2 ngày đã hoàn tất mọi thủ tục, kể cả ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, công chứng, chuyển tiền thanh toán. Tuy nhiên, đến nay chưa có bất cứ thông tin nào thể hiện các bên liên quan thực hiện nghĩa vụ nhà nước, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp trong chuyển nhượng bất động sản.
 
Ngoài ra, dòng tiền luân chuyển trong thương vụ này cũng cần làm rõ nhiều điểm. Cụ thể, trong khoản tiền 901 tỉ đồng mà PVFC Invest sử dụng mua 3 lô đất Sân vận động Chi Lăng, thời điểm mới ký hợp đồng đặt cọc, PVFC Invest đã chuyển cho đối tác gần 780 tỉ đồng. Nhiều nghi vấn đặt ra việc chuyển tiền này là nhằm đảo nợ cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh tại OceanBank. Ngoài ra, trong tổng giá trị mua bán, PVFC Invest đã chuyển trực tiếp số tiền hơn 101 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân của Phạm Công Danh mở tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), chi nhánh Phú Thọ, TP.HCM.
 
Chưa hết, PVFC Invest nhận uỷ thác đầu tư vào thời điểm đã từng bị cơ quan chức năng “thổi còi” và không có chức năng nhận ủy thác đầu tư trong và ngoài nước theo giấy phép đăng ký kinh doanh. Do đó, việc PVFC Invest ký hợp đồng uỷ thác đầu tư cũng như ký hợp đồng nhận chuyển nhượng là trái với quy định pháp luật.
 
 
THÁI SƠN