Ông Lê Văn Sơn (ngụ xã Phú Sơn, H.Chợ Lách) cho biết từ năm 2016, ông đã đốn hạ hơn 6 công măng cụt trên 20 năm tuổi của khu vườn rộng 1,2 ha để chuyển sang trồng cây giống. “Mỗi công đất (1.000 m2) trồng được khoảng 17 cây măng cụt, nếu trúng mùa, trúng giá thìthu được 15 triệu đồng/năm.
3 năm gần đây, mặc dù măng cụt trúng giá nhưng thất mùa nên chỉ thu được khoảng 7 triệu đồng/công/năm”, ông Sơn nói. Theo ông Sơn, hiện ông khá hài lòng về việc đã quyết định đốn bỏ 6 công măng cụt chuyển sang trồng cây giống, bởi chỉ hơn 2 năm qua ông đã ươm bán được gần 100.000 cây sầu riêng và xoài giống, thu nhập gần 1 tỉ đồng. “Mặc dù măng cụt đã nuôi sống gia đình tôi trong một quãng thời gian khá dài, nhưng có lẽ bây giờ trồng loại cây này đã lạc hậu. Hiện tôi chuẩn bị phá bỏ diện tích măng cụt còn lại”, ông Sơn khẳng định.
Liên tục thất mùa, bị làm giả
Tương tự, cách đây gần 1 tháng, vườn măng cụt hơn 3 công với gần 30 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Thùy (xã Vĩnh Hoà, H.Chợ Lách) cũng bị đốn hạ. “Măng cụt thu hoạch từ tháng 2 đến khoảng tháng 7 âm lịch hằng năm và không thể xử lý cho trái nghịch vụ được. Từ sau đợt thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 đến nay, măng cụt liên tục mất mùa, hết chịu nổi nên tôi đành phải đốn bỏ chuyển sang trồng hoa kiểng”, ông Thuỳ chia sẻ trong tiếc nuối.
Nhiều nhà vườn ở H.Chợ Lách cho biết việc đốn bỏ măng cụt để trồng hoa kiểng, cây giống cũng làm bà con không khỏi băn khoăn vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc và bị động về thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, măng cụt trồng ít nhất 5 năm sau mới bắt đầu cho trái, một khi đã đốn bỏ rồi muốn trồng lại phải chịu mất thời gian dài mới có thu nhập. Dù vậy nhà vườn vẫn phải đốn vì hiệu quả kinh tế của loại cây này ngày càng thấp, sản phẩm bị trà trộn rất nhiều. “Ai cũng biết diện tích, sản lượng măng cụt ở địa phương ngày càng giảm. Thế nhưng không hiểu sao cứ đến mùa là thấy người ta bán đầy đường măng cụt mang thương hiệu Cái Mơn với giá khoảng 30.000 đồng/kg, trong khi giá tại vườn suốt 3 năm qua không khi nào dưới 40.000 đồng/kg đâu. Chính điều này khiến nhà vườn hết hy vọng chờ đợi ngày măng cụt trứ danh của xứ sở này không bị hòa lẫn”, ông Bùi Văn Công, một lão nông ở xã Long Thới (H.Chợ Lách), phân tích.
Song song đó, từ sau đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre vẫn chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu nào cho tình trạng thất mùa đối với cây măng cụt cũng là nguyên nhân khiến người dân chặt bỏ loại cây này để thay thế bằng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Khó giữ diện tích
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, cho biết diện tích cây măng cụt của tỉnh giảm liên tục từ năm 2014 và đến năm 2016 giảm nghiêm trọng hơn. Điều này gây ảnh hưởng đến quy hoạch chiến lược phát triển giá trị 5 loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh gồm sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, nhãn và măng cụt. Năm 2014, diện tích măng cụt của tỉnh là 1.627 ha và luôn trên đà giảm, đến nay chưa thống kê được.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, nhìn nhận: “Cây măng cụt rất mẫn cảm với xâm nhập mặn và điều kiện thời tiết cực đoan như vài năm gần đây. Điều này khiến năng suất cũng như sản lượng măng cụt rất thấp. Nếu tính về hiệu quả kinh tế trong điều kiện thị trường cây giống hút hàng hơn 3 năm qua thì người dân quay lưng với cây măng cụt là dễ hiểu. Việc duy trì diện tích hiện là vô cùng khó khăn chứ nói chi đến việc tăng diện tích trở lại”.
BẮC BÌNH