Châu Âu quyết đáp trả thương mại Mỹ
Trong khi xung đột thương mại Mỹ – Trung liên tục leo thang thì căng thẳng giữa Washington và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục nóng lên, khi các biện pháp trả đũa thương mại của EU có hiệu lực từ ngày 22-6.
Châu Âu quyết đáp trả thương mại Mỹ
Trong khi xung đột thương mại Mỹ – Trung liên tục leo thang thì căng thẳng giữa Washington và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục nóng lên, khi các biện pháp trả đũa thương mại của EU có hiệu lực từ ngày 22-6.
Một cơ sở sản xuất thịt heo tại Mỹ. Căng thẳng thương mại khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ lo lắng – Ảnh: Reuters
Châu Âu cho biết biện pháp đáp trả “được cân nhắc kỹ” và đã tính đến các thủ tục đảm bảo “tôn trọng đầy đủ” các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Danh sách các sản phẩm trên đã được EU gửi WTO vào ngày 18-5.
Thiệt hại cao nhất
Cụ thể, EU áp thuế lên hàng chục loại sản phẩm như thép cán, thép không gỉ, dây thép. Sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm gồm đậu, bắp, gạo, nước cam, bơ lạc, rượu bourbon, xì gà và các loại thuốc lá. Nhóm ngành hàng may mặc có các sản phẩm như quần jeans, len, quần soóc, vải bông và một số loại giày dép da.
Những phương tiện bị đánh thuế gồm các loại xe máy dung tích xilanh vượt quá 500cm3, thuyền buồm, thuyền giải trí hoặc thể thao, thuyền chèo tay và các loại xuồng. Ngoài ra còn có một số sản phẩm làm đẹp.
Các mặt hàng của Mỹ nằm trong danh sách áp thuế dù giá trị không lớn, khoảng 3,4 tỉ USD, nhưng đã được châu Âu tính toán để gây thiệt hại kinh tế và chính trị lớn nhất, chẳng hạn rượu bourbon được chọn vì xuất xứ từ Kentucky – quê nhà thủ lĩnh phe đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell.
“Chúng ta chọn những sản phẩm như (xe máy) Harley Davidson, bơ đậu phộng và bourbon vì sẽ có những sản phẩm thay thế trên thị trường. Chúng tôi không muốn làm tổn hại người tiêu dùng. Hơn nữa, những sản phẩm này sẽ có tác động biểu tượng về chính trị mạnh mẽ” - Deutsche Welle dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen lý giải.
Theo giới phân tích, đòn trừng phạt này có thể khuấy động sự bất mãn ở những bang ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump và phe Dân chủ.
EU có thể áp thêm thuế đối với nhiều mặt hàng khác của Mỹ, nếu thắng trong cuộc tranh chấp với Washington trước WTO mà khối này đệ đơn khiếu nại vào ngày 1-6. Tuy nhiên, trước mắt ông Trump có thể đáp trả bằng việc trừng phạt ngành công nghiệp ôtô của châu Âu.
“Nếu EU muốn tăng thuế và rào cản đối với các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở đó, chúng tôi sẽ đơn giản áp thuế lên xe hơi của họ đang đổ vào Mỹ” – Tổng thống Trump từng cảnh báo.
Đây chỉ mới là đợt trả đũa đầu tiên của EU đối với việc Mỹ áp mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm xuất khẩu của EU, khiến khối này thiệt hại hơn 3,2 tỉ USD. Tuy nhiên, nó đã lập tức nhấn chìm các sàn chứng khoán khi chỉ số STOXX 600 của châu Âu có mức giảm mạnh nhất trong vòng ba tháng qua. Hong Kong, Trung Quốc cũng chao đảo, trong khi các thị trường châu Á nhìn chung chạm mức thấp nhất trong sáu tháng qua.
Bất đồng trong Nhà Trắng
Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần qua bắt đầu khiến các chính trị gia của Washington sốt ruột. Nguồn tin của tờ Bloomberg cho biết một số quan chức Nhà Trắng đang tìm cách khôi phục đàm phán với Bắc Kinh, trước khi các biện pháp trả đũa thương mại được kích hoạt vào ngày 6-7. Theo đó, Uỷ ban Tài chính quốc gia (NEC) Mỹ đang móc nối các cuộc đối thoại cấp cao trong hai tuần tới và tìm cách mời Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đến Mỹ.
“Họ đã không thể đạt thỏa thuận vài tuần trước, nên đạt được nó trong vài tuần tới là không thể” – nhà phân tích người Mỹ Derek Scissors nhận định. Washington đến nay chưa công bố thời gian triển khai các biện pháp thuế ăn miếng trả miếng bổ sung đối với 200 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Về nguyên tắc, Mỹ sẽ phải công bố danh sách sản phẩm trừng phạt và chờ 60 ngày để góp ý trước khi áp dụng. Nhưng trước khi đó, Mỹ dự kiến tiếp tục công bố các biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào cuối tháng này.
Các quan chức trong chính quyền Trump đến nay thể hiện quan điểm trái chiều. Trong khi Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross vẫn mạnh miệng rằng “nếu xảy ra đại chiến, chúng tôi có nhiều đạn hơn bất cứ nước nào” thì nhiều quan chức có cái nhìn khác.
Những nhân vật như đại diện thương mại Robert Lighthizer, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro được cho là đang thúc đẩy thay đổi chiến lược đối với Bắc Kinh. Còn Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và giám đốc NEC ủng hộ việc thoả thuận để giảm thâm hụt thương mại.
Sẵn sàng cho cuộc chiến
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs mới đây viết thư cảnh báo các khách hàng chuẩn bị cho khả năng lo ngại về xung đột thương mại sẽ nghiêm trọng hơn.
Theo tập đoàn này, chính quyền Mỹ đang sử dụng các biện pháp thuế như một công cụ đàm phán đối với các đối tác, trong khi không có thông báo đàm phán nào được đưa ra.
Dù vậy, tập đoàn này cho rằng khả năng tiếp tục leo thang căng thẳng sẽ bị hạn chế do phản ứng từ cử tri và doanh nghiệp Mỹ, theo CNN.